Tuyển sinh ĐH-CĐ 2014: thí sinh thụ động chọn trường

(PLO) - Nhìn chung, các thí sinh thi ĐH-CĐ năm nay tuy đã có nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề đầu ra. Song, số đông học sinh vẫn chưa chủ động lựa chọn tương lai của mình nên bị chi phối bởi các yếu tố khách quan bên ngoài.
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2014: thí sinh thụ động chọn trường
Thí sinh thụ động
Việc lựa chọn tương lai một cách đúng đắn là trăn trở của rất nhiều phụ huynh và các sĩ tử khi bước vào mùa tuyển sinh. Trước tình trạng tỉ lệ thất nghiệp cao, kinh tế bão hòa, phân bổ nhân lực không đồng đều thì việc lựa chọn được một ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân là điều vô cùng khó khăn đối với các em học sinh.
Chia sẻ về việc lựa chọn ngành thi ĐH- CĐ, số đông các em đều có quan điểm là mong muốn một đằng nhưng chọn trường một kiểu. Vũ Thị Ngọc (Học sinh trường THPT Việt Lâm, Hà Giang) chia sẻ: “Lúc đầu em quyết định thi Đại học sư phạm Thái Nguyên, nhưng sau khi thấy nhiều người nói nghề giáo viên vất vả. Qua tư vấn của gia đình nên em quyết định thi vào Đại học Nội vụ”.
Cũng bị yếu tố khách quan tác động, Hoàng Thanh Hà (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Điện Biên) đã lựa chọn ngành công an để thi vào mặc dù ước mơ và dự định từ trước vẫn là trở thành 1 nhà nghiên cứu khoa học.
“Thầy cô và bố mẹ em đều khuyên em chọn ngành công an vì trong thời buổi hiện nay, học công an thì ra trường sẽ có công việc ổn định. Bạn bè em năm nay cũng thi vào các trường công an, quân sự nhiều và gần như tất cả đều do bố mẹ tác động. Nhiều bạn học lực không đủ cùng cố gồng mình theo ý bố mẹ”.- Ngọc tâm sự.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các trường cấp 3 trên cả nước đều có 1 buổi học hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Tuy nhiên, các buổi học như thế không có hiệu quả và cũng không được học sinh, phụ huynh hưởng ứng nhiều.
Ông Nguyễn Mạnh Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội, phụ huynh học sinh lớp 12 trường Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Đi tham gia lớp hướng nghiệp với con tôi chỉ thấy các thầy cô đều nói chung chung, nói về việc học môn gì thì sau này sẽ làm gì chứ không định hướng được rõ ràng cho các em. Ở lớp, thầy cô cũng chỉ dạy các môn thi đại học, còn thi trường nào thì không bàn đến nhiều. Vì thế việc hướng nghiệp cho con cái gia đình đành phải vào cuộc mà cũng chẳng biết sau này con mình có thành công được không”.
Không phù hợp, khó thành công
Thầy Lê Hồng Phong (Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Điện Biên) nhận định: “ Năm nay số lượng hồ sơ thí sinh đăng kí thi vào các trường công an, quân sự chiếm khoảng 15-20%. Đa số phụ huynh đều lựa chọn ngành cho các em, vì lí do đầu ra nên nhiều em dù thích ngành khác, nhưng dưới áp lực của gia đình, áp lực từ nhu cầu xã hội nên hầu hết thi những trường đã được gia đình định sẵn. Tôi nghĩ rằng, các em sau này nếu không yêu thích công việc của mình, thì sẽ khó hoàn thành tốt được nó”.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng dư thừa nhân lực nhưng thiếu chuyên môn ở nước ta hiện nay.
Rất nhiều sinh viên vì không có định hướng rõ ràng khi chọn trường thi nên sau một vài năm học đại học đã ngừng học và chấp nhận thi lại. Tình trạng sinh viên vì không học đúng môn sở trường nên đã sa đà vào các cạm bẫy như điện tử, cá độ, lô đề để rồi đánh mất tương lai đã xảy ra vô cùng nhiều.
Nguyễn Minh Hoàn (Hà Tĩnh) là học sinh học rất giỏi. Bố là nhà thầu xây dựng nên cả gia đình ép buộc Hoàn thi vào ĐH Xây dựng Hà Nội trong khi Hoàn chỉ thích học ngành Tin học. 
Với điểm thi đại học đầu vào ĐH Xây dựng là 28.5 điểm, ai cũng nghĩ tương lai xán lạn đang chờ Hoàn. Thế nhưng, không học đúng ngành sở trường, sau 3 năm ở Hà Nội, gia đình Hoàn mới biết Hoàn đã bị đuổi học từ năm thứ 2. Hiện, Hoàn đang tiếp tục ôn thi đại học để thi lại 1 lần nữa với tư tưởng: “3 năm qua coi như không có trong cuộc đời”.
Ông Trần Đức Long (phụ huynh) chia sẻ: “Với mong muốn có người nối nghiệp, và thi vào công an cũng là niềm yêu thích của cháu, nên năm nay tôi quyết định cho cháu thi vào Đại học Kĩ thuật - hậu cần (Bộ Công an). Quan điểm của tôi rất rõ ràng, nếu cháu không thực sự yêu ngành, yêu nghề thì sẽ không thể thực hiện tốt được nhiệm vụ./.

Đọc thêm