Tuyên y án bị cáo Đinh La Thăng, buộc bồi thường 30 tỷ đồng

(PLO) - Chiều nay 14/5, HĐXX tòa án cấp cao tại Hà Nội đã tuyên bị cáo Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch HĐTV PVN và các đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài” sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm

Từ kết quả quá trình xét hỏi và tranh tụng tại tòa, HĐXX nhận định bị cáo Đinh La Thăng chỉ dựa vào báo cáo hàng năm để chỉ định PVC làm tổng thầu là trái quy định của Thủ tướng chính phủ. Việc cấp sơ thẩm cáo buộc bị cáo Đinh La Thăng cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ.

Cũng theo HĐXX, việc ông Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực biết hợp đồng 33 không đủ căn cứ nhưng vẫn chỉ đạo PVC và PVPower khởi công dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là hoàn toàn có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo nói PVN chuyển tiền cho PVC là do sự thúc ép của bị cáo Thăng. Hai bị cáo đôn đốc, thúc ép PVC khởi công khi chưa đủ điều kiện, gây thiệt hại rất lớn. Vì vậy, kháng cáo kêu oan hoặc không phạm tội của hai bị cáo  không có căn cứ để HĐXX chấp nhận.

Đối với bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm có nhận sai phạm nhưng không nhận hành vi phạm tội là chưa thấy được trách nhiệm của người đứng đầu. Gia đình bị cáo Thăng xuất trình biên lai nộp 1 tỷ là không đáng kể so với số tiền bồi thường nên không có tình tiết giảm án. HĐXX quyết định giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng là 13 năm tù và bồi thường 30 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Phùng Đình Thực, HĐXX nhận định có sự chỉ đạo quyết liệt từ bị cáo Đinh La Thăng, thời điểm phạm tội bị cáo có tham gia nhiều dự án khác và tập đoàn dầu khí có đơn đề nghị xem xét giảm án. Gia đình bị cáo đã nộp 1 tỷ đồng, gia đình có công với cách mạng. Bị cáo từ khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học được giải thưởng Hồ Chí Minh nên giảm một phần hình phạt.

Các bị cáo khác theo nhận định của HĐXX phạm tội theo sự chỉ đạo của bị cáo Thăng và Thực. Các bị cáo thành khẩn khai báo, đều được PVN, PVC xin giảm nhẹ hình phạt và đã tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích trong công tác. 

Đối với các bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”, HĐXX cho rằng không có cơ sở để giảm án cho các bị cáo này do tính chất nghiêm trọng của vụ án. Từ nhận định này, HĐXX nhận thấy có căn cứ sửa một phần bản án sơ thẩm về mức hình phạt đối với một số bị cáo.

Mức án cụ thể đối với các bị cáo như sau:

1. Đinh La Thăng (nguyên chủ tịch HĐTV PVN): 13 năm tù giam về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cấm quản lý các chức vụ về quản lý tài chính, kinh doanh nhà nước 5 năm sau tù.

2. Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN); 6 năm tù

3. Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN): 7 năm tù

4. Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC): 6 năm tù, 15 năm về tội tham ô tham ô tài sản; tổng hình phạt chung 21 năm tù. 

5. Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC): 16 năm tù

6. Lương Văn Hoà (nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng- Quảng Trạch): 10 năm tù

7. Bùi Mạnh Hiển (nguyên chánh văn phòng PVC): 10 năm tù.

8. Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng, trưởng ban kế toán và kiểm toán PVN): 7 năm tù.

9. Lê Đình Mậu (Phó trưởng ban kế toán kiểm toán PVN): 3 năm 6 tháng tù.

10. Nguyễn Ngọc Qúy (nguyên chủ tịch HĐQT PVN): 5 năm 6 tháng tù.

11. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên TGĐ PVC): 5 năm 6 tháng tù.

12. Vũ Hồng Chương (nguyên giám đốc trưởng ban quản lý dự án nhiệt điện TB2): 3 năm tù được hưởng án treo.

13. Trần Văn Nguyên (nguyên kế toán trưởng ban quản lý dự án nhiệt điện TB2): 30 tháng tù được hưởng án treo

Ngày 2/7/2010, PVN phê duyệt Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVPower (thuộc PVN) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD.

Tiếp đó, ngày 28/2/2011, ông Vũ Huy Quang (Tổng giám đốc PVPower) và Vũ Đức Thuận (Tổng giám đốc PVC) ký Hợp đồng số 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC về việc thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng...

Ngày 13/5/2011, PVN, PVPower và PVC đã ký Hợp đồng số 4194/HĐ-DKVN chuyển đổi chủ thể Hợp đồng EPC số 33. Theo đó chuyển chủ đầu tư dự án từ PVPower sang PVN.

Theo CQĐT, đến ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư. Nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.

Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, các bị can Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt và Trương Quốc Dũng đã sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng, thiệt hại hơn 119 tỷ đồng

Đọc thêm