“Tuyệt chiêu” vận động hành lang để thao túng giá thuốc của các hãng dược Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với việc tăng giá các sản phẩm, nhiều công ty lớn nhất trong ngành công nghiệp dược phẩm tại Mỹ cũng tăng mạnh khoản chi cho hoạt động vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ nhằm giữ giá các sản phẩm của họ.
(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Đối phó các quy định

Tháng 9/2015, tờ New York Times đăng tải một bài viết về Martin Shkreli (Giám đốc điều hành của Công ty công nghệ sinh học Turing) quyết định tăng hơn 5.000% giá thuốc dùng để điều trị nhiễm trùng hiếm gặp Daraprim. Các hành động của Shkreli đã đẩy vấn đề định giá thuốc bán theo đơn trở thành tiêu điểm ở Mỹ còn Shkreli phản ứng dữ dội và bị gắn cho biệt danh “Người đàn ông bị ghét nhất ở Mỹ”.

Các chính trị gia đã liên tục lên tiếng chỉ trích ông ta trên báo chí và trên truyền thông xã hội. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và nghị sỹ Elijah Cummings đã gửi thư cho Turing, yêu cầu cung cấp thêm thông tin về quyết định tăng giá của công ty.

Ủy ban Cải cách Chính phủ và Giám sát Nhà nước của Hạ viện Mỹ sau đó cũng đã triệu tập Shkreli ra điều trần. Turing đã đối phó bằng cách mà nhiều công ty khác đã làm là thuê những người vận động hành lang. 9 ngày sau khi bài viết đầu tiên của tờ New York Times về Daraprim được đăng tải, Turing đã thuê Công ty Buchanan Ingersoll & Rooney PC hỗ trợ việc tiếp cận các thành viên của Quốc hội Mỹ và đối phó với các cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ nói riêng và các cuộc điều tra về giá thuốc nói chung.

Quyết định nhanh chóng thuê người vận động hành lang để đối phó với vụ bê bối định giá thuốc của Turing phản ánh xu thế đáng chú ý trong ngành dược phẩm Mỹ cho rằng vận động hành lang là cách tốt nhất để chống lại mối đe dọa từ các quy định của nhà chức trách. Một nhà đầu tư tại Valeant Cosmetics - một công ty cũng đã bị các nhà lập pháp chỉ trích vì đã tăng giá thuốc vào năm 2016 - từng cho rằng việc công ty không chi tiền đáng kể cho vận động hành lang từ trước là một sai lầm lớn.

Theo Tổ chức Đạo đức và Trách nhiệm công dân (CREW), ngành công nghiệp dược phẩm tại Mỹ đã tiến hành vận động hành lang mạnh mẽ và có tổ chức tại Quốc hội Mỹ trong nhiều năm. Theo tổ chức này, trong 10 năm tính đến năm 2019, các hãng dược lớn hoạt động tại Mỹ đã chi khoảng 2,5 tỷ USD vận động cho một loạt các vấn đề, bao gồm cả những nỗ lực nhằm hạn chế giá thuốc. Kết quả là một số dự luật như dự luật Thuốc kê theo toa giá cả phải chăng được đệ trình lên Qucos hội Mỹ nhưng không được thông qua. Các nghị sỹ Mỹ hiện cũng không đệ trình dự luật nào tương tự.

Những con số biết nói

Tháng 1/2019, hãng tin CNN dẫn số liệu thống kê cho biết, Hiệp hội các nhà nghiên cứu và sản xuất dược phẩm Mỹ (PhRMA) - hiệp hội thương mại đại diện cho hầu hết các nhà sản xuất thuốc và các công ty nghiên cứu dược phẩm sinh học của Mỹ - đã chi khoảng 27,5 triệu USD cho các hoạt động vận động hành lang trong năm 2018. Đây là mức chi kỷ lục của PhRMA trong 1 năm. Kỷ lục chi tiêu trước đó của PhRMA là 25 triệu USD, là năm mà tổ chức này dồn sức để phản đối Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp lý vào năm 2009.

Tuy nhiên, theo thống kê của OpenSecrets - một tổ chức nghiên cứu độc lập, phi đảng phái chuyên theo dõi các dòng tiền trong nền chính trị Mỹ, tính đến ngày 24/10/2018, các công ty hoạt động trong ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe ở nước này cũng đã tự chi 194,3 triệu USD cho hoạt động vận động hành lang. Con số này cao hơn đáng kể so với số liệu thống kê mà PhRMA công bố. Những khoản chi tiêu lớn nói trên được các hãng dược “vung” ra sau khi Nhà Trắng có những động thái có thể hạn chế việc tăng giá và lợi nhuận thu được từ các mặt hàng thuốc men của các công ty dược phẩm.

Nỗ lực của các hãng dược của Mỹ trở nên mạnh hơn sau khi Viện Nghiên cứu chi phí chăm sóc sức khỏe Mỹ - một tổ chức nghiên cứu độc lập được 4 công ty bảo hiểm y tế của Mỹ tài trợ - đầu năm 2019 đã công bố một báo cáo cho hay, trung bình, chi phí mua insulin để điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường tuýp 1 ở nước này là 5.705 USD/người vào năm 2016. Con số này tăng đáng kể so với mức chi 2.841 USD/người ở năm 2012. “Giá của tất cả các loại insulin và sản phẩm insulin đều tăng, mới mức giá tăng trung bình là gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2016”, báo cáo cho hay.

Năm 2019, theo một thống kê của hãng tin CBS, trong nửa đầu năm này, giá của hơn 3.400 loại thuốc đã được tăng lên, nhiều hơn đáng kể so với việc có 2.900 loại thuốc tăng giá trong năm trước đó. Theo CBS, giá của các loại thuốc tăng ở mức trung bình là 10,5%, tức tăng gấp 5 lần tỉ lệ lạm phát.

Trong khi đó, 1/3 những người không có bảo hiểm ở Mỹ đã không có đủ điều kiện để dùng những loại thuốc mà họ được kê đơn để điều trị bệnh và gần 1 nửa số bệnh nhân phải dùng các loại thuốc không được bảo hiểm chi trả đã phải đề nghị bác sĩ kê cho họ những lựa chọn thuốc rẻ tiền hơn. Các số liệu thống kê khác cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, các nhà sản xuất dược phẩm ở Mỹ đã 37 lần tăng giá niêm yết thuốc, với mức tăng trung bình 5%. Giá thuốc ở Mỹ đã tăng từ 9-10% trong cùng kỳ của 4 năm trước.

Cùng với đó, ngành công nghiệp dược phẩm Mỹ cũng được cho là đã chi rất nhiều tiền cho các nhà lập pháp có quyền ra quyết định quan trọng trong Quốc hội Mỹ, đặc biệt là cho các chiến dịch vận động tranh cử của các ứng viên tổng thống Mỹ. Thượng nghị sĩ Thom Tillis (ứng viên tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020) được cho là đã nhận được 163.897 USD từ ngành công nghiệp dược phẩm.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Cal Castyham nhận số tiền kha khá cho nỗ lực vận động giành ghế Tổng thống Mỹ. Ông Richard Neal (Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ) đã nhận được 67.500 USD từ ngành công nghiệp dược phẩm Mỹ để phục vụ chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 2020. Ủy ban này chính là cơ quan xem xét một số dự luật do các hạ nghị sỹ Mỹ đệ trình liên quan đến vấn đề giá thuốc.

Tính tổng cộng, OpenSecrets cho hay, kể từ năm 1998 đến năm 2019, các nhà sản xuất thuốc và các đại lý sản phẩm y tế đã chi 4,2 tỷ USD cho việc vận động hành lang, đứng đầu trong số tất cả các ngành công nghiệp. Tính đến tháng 9/2019, số tiền mà PhRMA đã chi cho vận động hành lang là 16,3 triệu USD. Hơn 70% những người vận động hành lang cho tổ chức này trước đây từng giữ một vị trí trong chính phủ Mỹ.

Ngoài ra, kể từ tháng 5/2018 đến tháng 9/2019, PhRMA cũng đã chi 3,5 triệu USD để chạy quảng cáo Facebook và Twitter. Hầu hết các quảng cáo này đổ lỗi cho các bệnh viện và các công ty bảo hiểm trong việc giá thuốc cao và phản đối việc thiết lập một chỉ số giá quốc tế. Chiến dịch Chúng ta hãy bàn về chi phí (Let’s Talk About Cost) của PhRMA bắt đầu chạy quảng cáo trên TV vào tháng 7/2019 khẳng định 40% giá thuốc sẽ mang lại lợi ích cho các công ty bảo hiểm, tổ chức chính phủ và các nhà quản lý dược phẩm.

Đọc thêm