Tỷ phú Lakshmi Mittal: Từ tay trắng trở thành ông trùm ngành thép

(PLVN) - Lakshmi Mittal là một nhà công nghiệp, ông trùm thép, tỷ phú người Ấn Độ. Ông là người giàu thứ 70 trên thế giới với số tài sản lên đến 14,4 tỷ USD theo công bố của tạp chí Forbes. Tờ The Financial Times đã chọn Mittal là nhân vật của năm 2006. Tháng 5/2007, ông được tạp chí Time chọn vào danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.
Tỷ phú ngành thép Ấn Độ Lakshmi Mittal .

Trong bảng xếp hạng những người giàu có nhất hành tinh của Forbes năm 2005, Bill Gates và Warren Buffett giữ vững phong độ với hai vị trí dẫn đầu của mình. Theo sát ở vị trí thứ ba là một doanh nhân người Marwar tên là Lakshmi Mittal. 

Lakshmi Mittal (sinh ngày 15/6/1950) là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của ArcelorMittal (ADR), công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới. Mittal còn là Giám đốc danh dự của Goldman Sachs, EADS và Ngân hàng ICICI, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép thế giới. Mittal sở hữu 38% cổ phần của ArcelorMittal và nắm giữ 34% cổ phần trong Queens Park Rangers FC.

Ông trùm thép có gốc gác từ Ấn Độ này từng được coi là người giàu nhất tại Anh trong nhiều năm liên tiếp. Ông cũng là người giàu thứ hai ở châu Âu và đứng thứ sáu trong top những người giàu nhất trên thế giới do Sunday Times bình chọn vào năm 2011. Tài sản của ông lúc đó ước tính lên tới 31 tỷ USD.

Tuy nhiên, do giá cổ phiếu sụt giảm mạnh trong những năm qua, tài sản của Mittal bị hao hụt mạnh. Đến năm 2014, ông chỉ còn lại 17 tỷ USD và theo Forbes, tính đến thời điểm ngày 20/7/2015, tài sản của Mittal chỉ còn lại 12,5 tỷ USD. Tuy nhiên sau mọi nỗ lực, đến năm 2020, từ vạch xuất phát gần như không có gì, Lakshmi Mittal sở hữu giá trị tài sản ròng gần 48 tỷ đô la.

Lập nghiệp đầy gian truân

Ông sinh ra trong một gia đình thương nhân ở Safalpur, một ngôi làng quạnh quẽ không biết đến ánh điện ở bang Rajasthan. Lakshmi Mittal tốt nghiệp Đại học Calcutta. Cha của ông, Mohan Lal Mittal, là chủ doanh nghiệp thép Nippon Ispat Denro. Lớn lên trong gia đình như thế, người con cả Lakshmi Mittal cũng thừa hưởng gien kinh doanh từ cha mình. Ngay từ thời trai trẻ, Lakshmi Mittal đã làm việc cật lực 18 tiếng mỗi ngày để thúc đẩy công việc kinh doanh của gia đình cũng như hoàn thành tốt việc học của bản thân. 

Ông bắt đầu sự nghiệp tại Công ty Thép Ispat nhỏ bé của cha ông ở Calcutta vào đầu những năm 1970. Nhưng nơi mà Mittal tìm ra con đường đi đến thành công lại là thị trường quốc tế. Do Chính phủ ấn Độ hạn chế nghiêm ngặt việc sản xuất thép nội địa, năm 1976, Mittal đã sang Indonesia thành lập Ispat Indo, một nhà máy cỡ trung bình chuyên sản xuất thép từ phế liệu. Lúc đó ông mới ở độ tuổi 20.

Hình ảnh truyền cảm hứng của tỷ phú Lakshmi Mittal.  

Năm 1995, văn phòng chính của công ty được chuyển từ Indonesia đến London. Tại đây, Mittal thành lập Mittal Steel thông qua việc sáp nhập Ispat International NV và LNM Holdings NV. Cổ phiếu của công ty này được đăng ký trên thị trường chứng khoán New York và Amsterdam.

Năm 2000, với tài sản ước tính khoảng 2,2 tỉ bảng Anh, ông được xếp vị trí thứ tư trong danh sách những người giàu có nhất của tờ báo Sunday Times. Tuy nhiên, trong danh sách xếp hạng được công bố vào tháng 3/2001, ông tụt xuống hạng thứ 17. Lý do là vào thời điểm đó, cung trong ngành công nghiệp thép đã vượt cầu.

Tháng 8 năm đó, nhà máy Ispat của Mittal tại Ireland phải đóng cửa do thua lỗ. Nhưng chỉ đến tháng 11, ông lại nghĩ đến chuyện mua công ty quốc doanh sản xuất thép Sidex ở Romania. Lúc này, thế lực của ông tại Anh đã lên đến đỉnh cao. Vì thế Thủ tướng Anh đã viết thư cho Chính phủ Romania kêu gọi ủng hộ vụ giao dịch của Mittal.

Tuy thành công trong việc kinh doanh và phát triển sự nghiệp, nhưng không ít lần Mittal vướng vào các vụ kiện tụng do hoạt động sản xuất gây ảnh hưởng tới môi trường. Năm 2001, một nhà máy thép của Mittal đã buộc phải đóng cửa khi bị cư dân xung quanh kiện do làm ô nhiễm môi trường. Tại tòa án, Mittal đã phải trả 70 triệu bảng Anh để làm sạch lại không khí tại khu vực nhà máy thép này. Mặc dù sau đó sự vụ đã được giải quyết êm đẹp, nhưng cổ phiếu của công ty đã bị ảnh hưởng khá nặng nề.

 

Sau nhiều nỗ lực, Mittal Steel đã trở thành doanh nghiệp sản xuất thép lớn hàng thứ nhì thế giới, chỉ sau Công ty Arcelor có trụ sở tại Luxembourg. Nhưng dường như ông không muốn đứng hạng nhì. Vào cuối năm 2004, Mittal thông báo công ty của ông sẽ bỏ ra 4,5 tỉ đô la Mỹ để mua lại International Steel Group (ISG), một nhà sản xuất thép ở Mỹ đang làm thủ tục xin phá sản. 

Nếu thành công với thương vụ này,Mittal Steel sẽ trở thành công ty thép lớn nhất thế giới. Khi đó, sản lượng hàng năm của công ty sẽ tăng từ 48 triệu tấn lên 70 triệu tấn thép, chiếm 6% thị phần thép thế giới. Ngành công nghiệp này vẫn phân khúc ở mức độ cao. Ba nhà sản xuất thép hàng đầu chỉ chiếm 15% sản lượng toàn cầu.

Doanh thu của Mittal Steel năm 2011 tăng 45%, đạt 32 tỉ đô la Mỹ. Hoàn tất vụ mua lại ISG còn làm tăng lực lượng lao động của công ty lên 165.000 người. Sau đó, chỉ riêng ở Kazakhstan, Mittal Steel đã sử dụng 50.000 lao động. Mittal cho biết ông sẽ cắt giảm 45.000 chỗ làm đến năm 2010 để giữ cho doanh nghiệp của mình làm ăn có lãi nhiều hơn. Năm 2011, Mittal và gia đình sở hữu 97% cổ phần của công ty. Sau đó, gia đình ông dự định bán bớt 11% cổ phần, trị giá khoảng 2 tỉ đô la Mỹ, giảm số cổ phần sở hữu xuống còn 86%.

Tỷ phú chơi sang, sống xa hoa 

Từ năm 2004, ông trùm thép Lakshmi Mittal đã chơi sang khi tậu ngôi nhà đắt nhất thế giới trị giá 70 triệu bảng Anh (128 triệu USD). Dinh thự có đến 12 phòng, trước đây là của ông chủ xe đua thể thức 1 B.Ecclestone mua với giá 50 triệu bảng Anh. Trong nhà có nhiều phòng tắm được xây dựng theo kiến trúc Thổ Nhĩ Kỳ, có phòng khiêu vũ và một hồ bơi được trang hoàng lộng lẫy. 

Ngôi nhà của Lakshmi tọa lạc gần cung điện Kensington của cố Công nương Diana và cung điện của Quốc vương Brunei. Ngôi nhà đã được nhà sưu tập nghệ thuật tên tuổi người Iran David Khalili nâng cấp quy mô vào những năm 90 với nền và cột nhà được lót bằng các loại đá đã được dùng để dát đền thờ nổi tiếng Taj Mahal ở Ấn Độ. 

Nhà rộng gấp 55 lần so với những ngôi nhà bình thường và gồm một nhà xe có thể chứa đến 20 chiếc xe hơi cùng một lúc. An ninh của ngôi nhà được đặt dưới sự kiểm soát của 65 camera hiện đại nhất. Ngoài ngôi nhà này, tỷ phú Mittal còn sở hữu một ngôi nhà sang trọng khác trị giá 9 triệu bảng Anh (16 triệu USD) còn gọi là cung điện Mùa hè tại đại lộ Bishop ở Highgate, Bắc London. 

Lakshmi Mittal còn ủng hộ Công đảng cầm quyền tại Anh 125.000 bảng Anh (229.000 USD) trong chiến dịch bầu cử năm 2001. Trước đó, vào năm 1997 ông cũng đã hỗ trợ 16.000 bảng Anh (29.000 USD). Ông còn đóng góp rất hào phóng cho các quỹ từ thiện của Thái tử Charles. Lakshmi không bao giờ bỏ qua các cơ hội để khoe sự giàu có của mình. 

Mùa hè vừa qua, ông tổ chức đám cưới cho cô con gái rượu Vanisha (23 tuổi) khá rình rang. Tiệc cưới được tổ chức tại lâu đài Vaux-le-Vicomte thuộc thế kỷ 17 sau khi nghi lễ thành hôn đã diễn ra tại Cung điện Versailles. Tổng chi phí cho cuộc vui đầy xa hoa này nghe đâu lên đến 30 triệu bảng Anh (55 triệu USD). Trước đó, hôn lễ của cậu con trai Aditya tại Calcutta cách đây 4 năm cũng xa xỉ không kém.

Góp vui tiệc cưới là sự xuất hiện của đàn voi đeo đầy trang sức quý hiếm và siêu sao Bollywood Shah Rukh Khan với cát-sê 300.000 bảng Anh (550.000 USD) cho một điệu nhảy giản đơn. Lễ cưới linh đình này đã gây kẹt xe trên diện rộng tại Calcutta. 

Bên cạnh những dị nghị về cuộc sống xa hoa, Mittal nhận được không ít lời khen ngợi bởi những hoạt động từ thiện của mình. Năm 2008, Mittal đã quyên góp 15 triệu bảng Anh để tài trợ cho trung tâm y tế trẻ em của Bệnh viện Great Ormond Street tại London. Thêm vào đó, ông còn có nhiều đóng góp khác dành cho giáo dục và hỗ trợ người nghèo cả ở Anh và Ấn Độ.

Đọc thêm