Khi nhiều người vẫn phải tiếp tục sống, làm việc và giải trí trực tuyến vì đại dịch, giá cổ phiếu của hãng internet khổng lồ KakaoTalk - ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Hàn Quốc, chứng kiến đà tăng phi mã từ đầu năm đến nay. Chính điều này đã giúp cho người sáng lập Kim Beom-su (Brian Kim) trở thành người giàu nhất nước này với khối tài sản 13,4 tỷ USD, vượt qua Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics, ông Lee Jae-yong.
Cũng theo Bloomberg, tài sản của Kim đã tăng 6 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2021, khi cổ phiếu Kakao tăng 91% nhờ niêm yết trên thị trường chứng khoán, cũng như kế hoạch ra mắt một số công ty con. Tỷ phú Kim Beom-soo được xem là ví dụ cụ thể cho thấy các doanh nhân công nghệ tự thân đang vươn lên rất nhanh trong danh sách những người giàu ở Hàn Quốc, vượt qua thành viên các tập đoàn gia đình (chaebol).
Tỷ phú Kim Beom-soo thành lập Kakao Corp vào năm 2006 và ra mắt KakaoTalk 4 năm sau đó. Dịch vụ nhắn tin này hiện có khoảng 53 triệu người dùng trên toàn cầu, 88% trong số đó tại thị trường Hàn Quốc. Ngoài mảng nhắn tin, Kakao đã mở rộng sang thanh toán, ngân hàng, game và cả gọi xe. Hiện tại, đây là công ty niêm yết lớn thứ 4 Hàn Quốc với vốn hóa thị trường 58 tỷ USD.
Sống trong khu phố nghèo của Seoul
Tỷ phú Kim Beom-su, 55 tuổi, đã trải qua chặng đường dài từ hai bàn tay trắng vươn lên tầng lớp giàu có tại Hàn Quốc. Ông sinh ra tại một trong những khu vực nghèo nhất của Hàn Quốc, là con thứ ba trong một gia đình có 5 anh chị em. Bố mẹ ông đều không học quá tiểu học. Cha của ông là công nhân, mẹ là người phục vụ trong khách sạn.
Hồi ức của Kim là chuỗi ngày lớn lên trong cảnh nghèo khó. Ông Kim cùng 8 anh chị em của mình lớn lên trong căn hộ một phòng ngủ tồi tàn cùng với bà và bố mẹ, tại một khu phố nghèo của Seoul. Để nuôi con, cha mẹ Kim phải làm rất nhiều công việc khác nhau.
Ông là người đầu tiên trong số các anh chị em được học đại học. Năm 1986, ông theo học chuyên ngành kỹ thuật công nghiệp tại Đại học Quốc gia Seoul (còn được gọi là Harvard của Hàn Quốc). Để có tiền trả học phí, ông phải tự kiếm tiền bằng công việc gia sư và đôi khi phải nhịn đói để tiết kiệm tiền. Tại ngôi trường này, ông lần đầu tiên tiếp xúc với chiếc máy tính của người bạn và bị nó mê hoặc. “Đó là lần đầu tiên tôi biết về Internet và thế giới kết nối”, ông Kim chia sẻ.
|
Ông Kim Beom-su - Chủ tịch hãng internet khổng lồ KakaoTalk. |
Công việc đầu tiên của Kim là phát triển dịch vụ truyền thông trực tuyến tại Samsung. Tuy nhiên, 5 năm sau đó, ông rời công ty mở một tiệm cà phê Internet và phát triển các trò chơi trên mạng xã hội mang tên Hangame. Hangame sau đó được sáp nhập với công cụ tìm kiếm Naver để trở thành cổng thông tin điện tử lớn nhất Hàn Quốc (NHN).
“Những ngày đầu, tôi làm việc cả ngày lẫn đêm với tư cách vừa là quản lý, vừa là lập trình viên. Có những hôm, tôi đến phòng tắm lúc sáng sớm và bật khóc. Tôi rất tự hào về việc mình đã tự khởi nghiệp kinh doanh, nhưng tôi cũng sợ rằng mình có thể không trả được lương cho nhân viên”, tỷ phú Kim nhớ lại.
Nỗ lực theo đuổi đam mê để thành công
Ở tuổi ngoài 30, lúc này là thời điểm bước ngoặt quan trọng với Kim khi ông bắt đầu suy nghĩ về cuộc sống mình muốn theo đuổi sau khi đã đạt được một số thành công nhất định. Sau khi dẫn dắt NHN trong 5 năm, tỷ phú Kim chuyển đến Thung lũng Silicon, California, Mỹ vào năm 2005 để tìm kiếm cơ hội cho công ty tại thị trường này. Tuy nhiên, điều đó khó khăn hơn anh nghĩ. Trong lá thư từ chức năm 2007, ông viết: “Con tàu an toàn nhất khi đậu trong bến cảng, nhưng đó không phải mục đích ra đời của nó”.
Sự ra đời của iPhone năm 2007 đã thúc đẩy bước đi tiếp theo của tỷ phú Kim. Bị cuốn hút bởi sản phẩm đến từ thương hiệu Apple, ông cùng các đồng đội mới trở lại Hàn Quốc để theo đuổi sự nghiệp phát triển các ứng dụng cho nền tảng này của Apple - hai năm trước khi chiếc điện thoại được giới thiệu tại quốc gia này vào tháng 11/2009. Kim đã phát triển ứng dụng cho điện thoại thông minh này với startup Iwilab, tiền thân của Kakao.
Bước ngoặt của Iwilab đến vào năm 2010 khi KakaoTalk ra đời và công ty này trở thành Kakao. Sau này, Kakao liên tục mở rộng với hàng loạt thương vụ thâu tóm và sáp nhập. Hiện tại, Kakao là một trong những tập đoàn lớn nhất tại Hàn Quốc, cùng với Samsung, Hyundai, SK và LG. Đây là một trong những công ty có vốn hóa lớn nhất Hàn Quốc với 72.580 tỷ Won (64 tỷ USD), vượt qua cả Hyundai Motor Co. với 59.200 tỷ Won (52 tỷ USD).
“Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh việc mở rộng hoạt động của Kakao do nhu cầu dịch vụ trực tuyến tăng vọt”, ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng nghiên cứu IHS Markit. Cũng theo ông Biswas, trước đại dịch, mảng kinh doanh dịch vụ số của Kakao đã hoạt động rất tốt. Công ty này bắt đầu từ dịch vụ nhắn tin di động và mở rộng thông qua các thương vụ thâu tóm, sáp nhập với 100 công ty khác.
Trong khi đó, nhà phân tích Dongkeun Yi của hãng nghiên cứu Counterpoint Research cho biết, dịch vụ nhắn tin của KakaoTalk của Kakao có 45 triệu người dùng và chiếm 98% thị phần vào năm 2018. Công ty này đã tận dụng cơ sở khách hàng đó để mở rộng thêm nhiều dịch vụ bao gồm quảng cáo, thương mại điện tử, bản đồ, game và dịch vụ tài chính. Kakao hiện cũng kinh doanh mảng truyện tranh mạng (webtoon) - hình thức giải trí được ưa chuộng tại Hàn Quốc.
Mê game, tỷ phú Kim từng đùa rằng cuộc đời ông có thể đã "lạc lối" nếu tuổi thơ có những trò chơi điện tử như bây giờ. Vị tỷ phú 49 tuổi hiện là một game thủ hạng nặng và đam mê các game trực tuyến như Diablo mỗi khi rảnh. Trong bài phỏng vấn với Financial Times năm 2015, ông từng đùa rằng cuộc đời có thể đã khác nhiều nếu ông không được chơi game khi đang trưởng thành.
Chính vì vậy mà một mảng kinh doanh phát đạt khác của Kakao là Kakao Games - công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng hồi tháng 9/2020, huy động được khoảng 320 triệu USD. Vào tháng 10/2020, Kakao niêm yết công ty con Kakao Bank với mục tiêu huy động khoảng 2,6 nghìn tỷ won (2,3 tỷ USD).
Có thể thấy, Tập đoàn Kakao hiện đã bành trướng từ ứng dụng nhắn tin sang các lĩnh vực như ví điện tử, ngân hàng cho đến trò chơi điện tử hay ứng dụng gọi xe. Giờ đây họ là công ty lớn thứ 4 của Hàn Quốc, với giá trị xấp xỉ 58 tỷ USD.
Tại Kakao, các nhân viên gọi Kim bằng biệt danh tiếng Anh là Brian. Và ngược lại, họ cũng được biết đến với biệt danh tiếng Anh của riêng mình. Đây là cách Kim làm để phá bỏ văn hóa thứ bậc vốn tồn tại lâu đời ở Hàn Quốc, trong đó nhân viên chỉ được phép gọi lên lãnh đạo bằng chức danh chứ không bao giờ dùng tên.
Giống như nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu Hàn Quốc, ông Kim gửi con ra nước ngoài. Con trai của ông đang học tại một trường đại học ở Mỹ, trong khi con gái đã học 4 năm tại quê nhà Hàn Quốc.
Lớn lên trong cảnh nghèo khó nên khi thành công Kim rất chú ý giúp đỡ những người kém may mắn. Hồi tháng 2, ông đã cam kết để lại hơn một nửa số tài sản của mình khi tham gia Giving Pledge, một chiến dịch toàn cầu do Quỹ Bill và Melinda Gates và tỷ phú Warren Buffett phát động để trao lại phần lớn tài sản của họ cho xã hội.
Trong bài phát biểu tại buổi ký kết, Kim nói: "Lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, cho đến tuổi 30, tôi mặc định rằng 'trở nên giàu có' là thước đo duy nhất của một cuộc đời thành công. Tuy nhiên, sau khi đạt được sự giàu có mà bản thân luôn mong muốn, tôi mới nhận ra ý nghĩa của mỗi cuộc đời được đo bằng sự đóng góp vào xã hội và cộng đồng".