“Con cũng có bố là bộ đội”
Trong bức thư dài bốn trang gửi chú bộ đội ngoài hải đảo, Phương Dung đã viết: “Chú ạ! Cháu cũng có bố là bộ đội đang công tác ở đất liền nên cháu rất thấu hiểu sự thiếu thốn tình cảm của người cha là lính, cũng như các con của người lính như thế nào mỗi khi gia đình gặp khó khăn. Hễ cả những lúc vui mừng được điểm 10, được nhà trường trao phần thưởng học sinh giỏi, cũng chỉ biết vui cùng mẹ mà không có bố bên cạnh động viên, khích lệ và ôm hôn.
Có lần cháu tâm sự chuyện đó với bố, khi nghe xong chuyện bố cháu bảo, dù xa nhà làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhưng đôi tháng bố vẫn được về thăm mẹ con cháu vài ngày. Nếu so với các chú ở đảo xa vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều. Qua đó, cháu thấy các chú đã chịu quá nhiều hy sinh, gian khổ để canh giữ biển đảo, bảo vệ hòa bình cho các cháu được cắp sách tới trường…”.
Phương Dung và mẹ. |
Những lời tâm sự chứa chan tình cảm trong thư là những gì mà Phương Dung đang cùng mẹ trải qua... Bố của Phương Dung là Thượng úy Nguyễn Trung Thông. Mỗi tuần Phương Dung chỉ được gặp bố một lần, có khi hai tuần mới được gặp. Mỗi lần nhớ bố, hay mỗi lần cô bé được cô giáo chấm điểm 10, được nhận phần thưởng học sinh giỏi, Phương Dung chỉ có thể khoe với bố qua điện thoại.
Có bố là bộ đội, Phương Dung cảm thông với sự thiếu thốn tình cảm của những người bạn có bố là bộ đội hải quân đang canh giữ biển đảo quê hương. Các bạn ấy có khi vài tháng, hoặc vài năm mới được gặp bố một lần. Sự thấu hiểu đó khiến cô bé lớp 3 sớm chín chắn và trưởng thành hơn những bạn đồng trang lứa.
Kể về bố, Phương Dung thổn thức: “Con nhớ bố lắm. Bố con người cao cao, hơi gầy và đen. Bố con ít nói nhưng yêu con lắm. Mỗi lần bố về, bố đưa con đi chơi công viên, còn đưa con sang tiệm tạp hóa mua những thứ con thích nữa. Rồi bố cùng con xem ti vi, bố kể chuyện cho con nghe. Thi thoảng, bố còn đưa con lên đơn vị chơi. Hoặc là đi tàu về quê chơi với ông bà”.
Có lẽ vì những tình cảm và sự thấu hiểu đó mà khi cuộc thi “Viết thư gửi các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo quê hương” do Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát động, những cảm xúc dành cho người cha bộ đội trong Phương Dung lại ùa về khiến cô bé bồi hồi, nhiệt tình tham gia. Cô bé đã dành nguyên một ngày, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối nắn nót viết từng từ, thể hiện xúc cảm và tấm lòng mình gửi các chú bộ đội ngoài hải đảo, cũng là những lời tâm sự của con gái nhỏ dành cho bố…
Ước mơ giữ biển đảo quê hương
Chị Lê Thị Tuyết Lan, mẹ bé Phương Dung chia sẻ: “Bố cháu xa nhà nên nhiều khi cháu cũng hay tủi thân. Mỗi lần có chuyện gì vui, hay bị mẹ mắng, cháu đều lấy điện thoại kể cho bố nghe. Chuyện gì cháu cũng kể với bố. Đôi lần hờn dỗi, cháu có vô tình trách sao bố chẳng chịu ở nhà là tôi lại tìm cách trò chuyện phân tích cho con hiểu. Tôi kể cho cháu nghe những câu chuyện về các chú bộ đội trong sách, trong truyện, trên truyền hình. May mắn là trong nhà, các ông, các bác đều là bộ đội nên mình dẫn ví dụ cụ thể luôn. Nhiều lần như vậy cháu cũng hiểu hơn về đặc thù công việc của bố và tự hào về bố”.
Sau mỗi giờ tan học, Phương Dung lại phụ mẹ nhặt rau, quét nhà. Bố công tác ở xa, mẹ bận bán hàng nên cô bé luôn ý thức tự học, tự làm việc nhà trong khả năng của mình, để mẹ không phiền lòng, lo lắng. Hàng năm, Phương Dung đều đạt học sinh giỏi toàn diện. Năm 2013, cô bé còn đoạt giải ba cuộc thi giải Toán qua mạng, giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp của trường…
Bên cạnh những bộ phim hoạt hình, Phương Dung còn thích xem thời sự, nhất là những chương trình liên quan đến biển đảo. Nhờ những câu chuyện của mẹ, nhờ những bài học trên lớp và theo dõi thông tin qua ti vi mà tình yêu của Phương Dung dành cho người cha bộ đội sâu sắc hơn cùng với tình yêu quê hương đất nước.
Chị Tuyết Lan đã rất bất ngờ về con gái nhỏ của mình khi chứng kiến cô bé trò chuyện về những sự kiện chính trị nóng hổi của đất nước trong thời gian Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển chủ quyền nước ta, khi cô bé cùng người anh họ đi chơi công viên. Cô bé nữ sinh lớp 3 bày tỏ với anh họ mong muốn khi lớn lên được ra biển giúp đỡ các chú bộ đội canh giữ biển đảo quê hương. Dịp Trung thu vừa qua, khi mẹ ngỏ ý mua cho Phương Dung đồ chơi là bộ thổi bong bóng xà phòng có xuất xứ từ Trung Quốc, cô bé nằng nặc từ chối và nói rằng: “Con muốn chơi đồ chơi của Việt Nam cơ”.
Phương Dung cùng cô giáo chủ nhiệm tại Trường tiểu học Xuân La. |
Qua ít phút trò chuyện trong giờ ra chơi tại trường, Phương Dung nhờ người viết nhắn gửi tới bố và các chú bộ đội đang canh giữ biển trời quê hương: “Con yêu bố lắm. Bố cùng các chú bộ đội cố gắng giữ sức khỏe và yên tâm công tác. Con với mẹ ở nhà cũng sẽ giữ sức khỏe chờ bố về. Con sẽ cố gắng học thật tốt để bố yên lòng. Con ước gì con lớn thật nhanh như Thánh Gióng để được ra giúp các chú bộ đội hải quân canh giữ biển đảo quê hương”.