Với lý do giá rẻ, lại dễ mua nên các bình nước được quảng cáo trên nhãn mác là “tinh khiết” vẫn xuất hiện nhan nhản ở khắp nơi, từ các hộ gia đình, các cơ quan công sở cho đến các công trường xây dựng, nơi phải hoạt động chân tay nhiều. Giá thành thuộc dạng "siêu rẻ", nhưng chất lượng của các loại nước này lại đang là một vấn đề.
Của rẻ mang họa
Niêm phong số nước không đạt tiêu chuẩn tại 1 cơ sở sản xuất. |
“Hôm đó, bác sỹ có hỏi về chuyện ăn uống thường ngày của cháu, chúng tôi cho biết là cháu vẫn ăn uống bình thường. Nhà chỉ có 1 đứa con nên việc chăm sóc cháu cũng hết sức kỹ lưỡng. Bác sỹ phỏng đoán rất có thể nguốn nước uống của cháu có vấn đề. Hai vợ chồng tá hỏa về đem một chút nước trong bình nước vẫn hay mua đem đun lên. Sau khi nước sôi, thấy dưới đáy nồi có khá nhiều chất cặn màu vàng đục. Từ đó chúng tôi không dám dùng loại nước này nữa mà chỉ sử dụng các loại nước có giá cao hơn, nhưng rõ nguồn gốc, xuất xứ”, anh Nam kể lại.
Theo bác sỹ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám – tư vấn dinh dưỡng (Viện dinh dưỡng Quốc gia), nước tinh khiết bây giờ có rất nhiều loại đã được làm “tinh khiết” quá mức, dẫn đến không còn chất khoáng. Trong khi cơ thể con người vẫn phải bổ sung rất nhiều chất từ nước như kẽm, canxi… Và sử dụng những loại nước tinh khiết như thế lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, nhất là với những người lao động nặng. |
Không chỉ gây đau bụng, theo anh Nguyễn Trọng Khánh, kỹ sư xây dựng, trong các công trường mà anh đang làm việc, loại nước được dùng thường xuyên vẫn là các loại đóng bình rẻ tiền và không rõ xuất xứ. Một lần, có 1 người công nhân bị ngất khi đang làm việc. Đưa đi khám bác sỹ mới biết là do thiếu các chất điện giải do làm việc quá sức mà không được bù khoáng kịp thời nên người công nhân này bị kiệt sức.
Bác sỹ cũng cho biết, những loại nước rẻ tiền đấy, để hạ giá thành sản phẩm, nhà sản xuất thường xử lý cho nước đạt đến độ tinh khiết quá mức. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ gần như tất cả các chất dinh dưỡng, điều này gây hại cho cơ thể, nhất là với những người hoạt động nhiều.
Mục sở thị nơi sản xuất nước “tinh khiết”
Để trả lời cho câu hỏi về chất lượng của các bình nước giá rẻ vẫn bán nhan nhản ở thị trường, lấy cớ muốn mua nước để mở đại lý, PLVN đã “mục sở thị” một cơ sở ở Mễ Trì. Cơ sở sản xuất nước tinh khiết tư nhân không có biển hiệu nằm khuất trong một ngõ nhỏ.
Qua cánh cổng nhỏ để bước vào, một mùi hăng hắc của hóa chất, mùi nồng nồng của rêu mốc sộc thẳng vào mũi. Với những ai lần đầu ngửi phải thứ mùi đó chắc chắn sẽ phải buồn nôn. Trong khuôn viên chưa đầy 40 m2 đó, 5 người mê mải làm việc. Họ đều đi chân đất, không mang găng tay. Những bàn tay bờn bợt, trương phồng, với những chiếc móng vàng khẹt, quắt queo vì tiếp xúc với nước, hóa chất, đang xử lý nước, cho nước vào những chiếc bình. Mỗi người một việc, cánh tay đen trũi thường xuyên giơ ngang trán quệt mồ hôi nhễ nhại trong cái nắng hè oi nồng đến khó chịu.
Với công xưởng nhếch nhác kiểu như thế này, liệu nước tinh khiết có thể sạch? |
Cả xưởng có vẻn vẹn 3 bình lọc nước bằng kim loại và 1 bể than hoạt tính. Nhìn qua bằng mắt thường cũng có thể thấy nước được bơm thẳng từ giếng khoan lên. Nối các bể lọc với bể than là những ống nước rỉ sét, đỏ quạch, có chỗ bám đầy rêu xanh rì. Nước từ các khớp nối chảy rỉ ra có màu đùng đục của rỉ sắt, chảy tràn ra cả mặt sân nhầy nhụa, nhớp nháp.
Một chiếc xe máy trờ tới, chở theo gần 10 chiếc vỏ bình, tem nhãn đa loại. Có những chiếc bình không có cả nhãn mác, chứa trong đó một chút nước màu vàng vàng giống như màu của bia để lâu ngày được ném vào cái sân xi măng thủng lỗ chỗ, xâm xấp nước, rộng độ 4 – 5 m2, nằm ngay trước mặt nhà vệ sinh đang mở toang cửa.
Một người công nhân cởi trần vì nóng, người bóng nhẫy mồ hôi bước đến, đưa vòi nước bơm thẳng vào những bình nước đó rồi dùng tay xóc mạnh, tung bọt trắng xóa. Những chiếc bình được “làm sạch” bằng nước giếng “pha lẫn” mồ hôi của người công nhân rồi lại đưa vào trong một căn phòng nhỏ phía trong. Một lát sau, những bình nước đã được đủ đầy với nhãn mác của nhãn hiệu A… lại được đưa ra.
Công việc cứ như guống quay của chiếc xe đạp, đều đặn và cố định. Độ 30 phút lại có một chuyến xe máy đi vào và mang theo khoảng gần chục bình nước phóng nhanh ra đường lớn, đến những nơi sản xuất trong cái nắng ngột ngạt đến khó chịu.
Bà chủ cơ sở luôn miệng: “Muốn mở thì tốt thôi. Cháu đợi chút nữa giám đốc về rồi làm hợp đồng nhé. Nước ở đây ngoài kia người ta bán 15 ngàn 1 bình cơ. Nhưng cháu nhập ở đây thì chỉ mất 12 ngàn 1 bình. Cứ 1 vỏ bình cháu đặt cọc 35 ngàn. Số tiền này sẽ được trả khi nào cháu trả lại vỏ”.
Cứ như thế, bà ta thao thao về loại nước “chất lượng” ở cái cơ sở nghèo nàn ấy. Nào là nước được cấp đạt tiêu chuẩn, có hơn 600 đại lý lớn nhỏ khắp Hà Nội. Nhẩm tính, một đại lý nhỏ, trong những ngày nắng nóng cũng phải bán được từ 5 – 10 bình nước mới thấy mức tiêu thụ thứ nước được sản xuất sơ sài ở đây lớn đến chừng nào.
Để đảm bảo chất lượng, chi phí phải lớn hơn 24 ngàn đồng/ bình
Rõ ràng, với những gì được chứng kiến, chất lượng nước ở các loại bình nước ở trên, so với lời quảng cáo vẫn là một trời một vực.
Không phải đơn vị nào cũng có trang thiết bị sản xuất hiện đại, đảm bảo chất lượng, dẫn đến chất lượng nước bị giảm. |
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Tiến Cương, phó giám đốc công ty TNHH Khoa học ứng dụng VPS, chuyên phân phối các loại máy lọc nước tinh khiết gia đình và công nghiệp cho biết: “Trong quá trình sản xuất nước tinh khiết, việc đầu tư trang thiết bị đảm bảo chất lượng với công suất máy là 1.000 lít/giờ vào khoảng 270 triệu đồng (chưa kể chi phí đầu tư cơ sở vật chất và công bố chất lượng sản phẩm) không phải ai cũng đầu tư được. Chưa kể đến việc phải đầu tư thêm các loại vật liệu lọc tạo khoáng, tạo vị, cân bằng độ pH có giá khoảng 10 – 15 triệu”.
Cũng theo thông tin từ ông Cương, sau 1 thời gian sản xuất, những bộ màng lọc phải thay mới hàng năm với giá khoảng trên 20 triệu cho loại máy có công suất 1.000 lít/giờ.
Nước sau khi xử lý qua màng đã loại bỏ đến 99% các chất độc hại và có thể sử dụng trực tiếp. Tuy nhiên nếu thành phần nước ban đầu có chứa các chất Amoni, nước lợ (một chất có hại với cơ thể) sẽ rất khó xử lý dó đó giá thành sẽ trội lên rất nhiều. Để giảm chi phí sản xuất cũng như hạ giá thành sản phẩm, nhiều nơi đã bỏ qua rất nhiều công đoạn tiền xử lý mà đưa vào sản xuất ra nước tinh khiết luôn dẫn đến nước không đảm bảo vệ sinh.
Theo tính toán của ông Cương, với tổng mức chi phí để đầu tư 1 bộ máy đảm bảo về chất lượng, tính ra, mỗi bình nước loại 19,8 lít sẽ có giá thành sản xuất rơi vào khoảng từ 24 – 30 ngàn đồng.
Trong năm 2010, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai thuộc địa bàn 12 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Kết quả đợt thanh tra, hậu kiểm cho thấy 74,2% số cơ sở có từ một chỉ tiêu trở lên về điều kiện vệ sinh không đạt. Về mẫu kiểm nghiệm, với 31 mẫu được lấy có 64,4% mẫu không đạt và chỉ tiêu không đạt chủ yếu do nhiễm vi sinh.
Hoàng Phan