Về miệt vườn ăn Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những chuyến đò hoa, những xuồng ghe ắp đầy nông sản, những khu vườn cây trái xum xuê… cùng với nét sinh hoạt đón Tết dân dã của người dân miền Tây Nam Bộ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Tết miền Tây dung dị, đơn sơ nhưng đong đầy ý nghĩa và quyện lòng người đến lạ…
Những chiếc xuồng chở đầy hoa Tết mang nét đặc trưng của Tết phương Nam. Ảnh: Đăng Huỳnh
Những chiếc xuồng chở đầy hoa Tết mang nét đặc trưng của Tết phương Nam. Ảnh: Đăng Huỳnh

Ngày giáp Tết, có dịp về những vùng quê miền Tây Nam Bộ mới cảm nhận hết sự độc đáo và giá trị ngày Tết của bà con nơi đây. Cái xứ sở được thiên nhiên ưu đãi nhiều sản vật, cây trái cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt và được mệnh danh là xứ “miệt vườn”. Tết miệt vườn là Tết “sống chậm”, đưa con người về với những giá trị truyền thống sâu sắc, nghĩa tình.

Giữa lòng TP Cần Thơ ồn ào, náo nhiệt, nét văn minh miệt vườn Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) hiện lên như một nét chấm phá độc đáo, đan xen giữa hiện đại và truyền thống, giữa huyên náo và thanh bình, tĩnh lặng. Cồn Sơn còn giữ được gần như nguyên bản những giá trị vật chất và tinh thần của ngày Tết cổ truyền Nam Bộ. Việc đón Tết và chuẩn bị Tết của bà con nơi đây đều trên tinh thần “tự cung, tự cấp”, mọi thứ được bà con tự nuôi, trồng và hạn chế tối đa “bàn tay công nghiệp”.

Khoảng giữa tháng Chạp, khi gió bấc ùa về từng đợt, tiết trời thay đổi cũng là lúc bà con Cồn Sơn nôn nao với những “quy trình” đón Tết. Khởi đầu là việc chăm chút hoa trái, vạn thọ, cúc vàng, tuốt lá mai... Đó là những tín hiệu đầy màu sắc và hương thơm báo hiệu mùa xuân. “Nhớ tuốt lá cho mai về kịp Tết/ Kẻo Giao thừa thiếu hẳn một mùi hương”- (Thơ Lê Viết Tư).

Hoa Tết ở Cồn Sơn đều do bà con tự trồng. Mỗi nhà thường dành khoảnh đất trống bên hông hoặc trước cửa nhà để trồng hoa kiểng. Với người Cồn Sơn, việc chưng hoa trên các gian thờ ngày Tết phải phù hợp, mỗi gian thờ là mỗi loại hoa khác nhau. Bàn thờ gia tiên thường chưng bông vạn thọ, bông hạnh phúc, bàn thờ Ông Thiên chưng bông trang… Tất cả đều thể hiện sự thành kính, trang nghiêm của con cháu kính dâng lên ông bà, tiên tổ.

Chị Lê Thị Bé Bảy (người dân Cồn Sơn) chia sẻ, Tết Cồn Sơn ngày nay vẫn giữ được cổ tục truyền thống do ông bà truyền lại. Ngày Tết, cây trái cũng được “mặc áo mới”. Bà con tỉa tót và chăm chút cho cây được xanh tươi không bị héo úa; đồng thời lấy giấy vàng, giấy bạc dán lên cây. “Cây cũng phải ăn Tết, việc làm này như thông báo cho cây là Tết đã đến rồi, cây ăn Tết đi”- chị Bé Bảy nói.

Ngày Tết, chái bếp của các hộ gia đình cồn Sơn luôn đỏ lửa với những món đặc sản dân dã, bình dị, thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ miền Tây. Nhà làm mứt chuối, chỗ sên mứt dừa, nơi làm mứt đu đủ… Những mùi mứt Tết theo làn gió xuân ngao du khắp nẻo xứ Cồn. Ở cái tuổi quá ngưỡng “thất thập”, bà Bàng Thị Xiếu (người dân Cồn Sơn) cho biết, Tết đến, các bà, các chị thường xem trong vườn nhà có cây trái gì ngon, phù hợp rồi làm mứt, làm kẹo. “Gần tới Tết là phải làm kẹo, làm mứt. Làm để cảm nhận không khí Tết đang về; một phần để biếu bà con hàng xóm ăn lấy thảo. Làm mệt nhưng lại rất vui. Vui nhất là mấy đứa cháu, chúng thường bảo: “Ngon quá ngoại ơi! Ngoại làm nữa đi ngoại”, bà Xiếu vừa sên mẻ mứt dừa vừa kể chuyện.

Bà con Cồn Sơn quan niệm, Tết là dịp gia đình đoàn tụ và quây quần bên nhau, tạo sợi dây liên kết nhiều thế hệ. Chị Lê Thị Bé Bảy tâm sự: “Đầm ấm nhất là giây phút cả nhà quây quần gói bánh tét. Bà với cháu gái buộc bánh; ông thì lau lá; anh trai lo lửa lò bánh, còn tôi và ông xã coi độ đạt chuẩn màu nếp và nhân bánh. Một gia đình “tam đại đồng đường” đều quây quần bên không khí gói bánh tét”.

Một gia đình “tam đại đồng đường” quây quần bên không khí gói bánh tét đón Tết. Ảnh: Đình Thương

Một gia đình “tam đại đồng đường” quây quần bên không khí gói bánh tét đón Tết. Ảnh: Đình Thương

* * *

Tết Cồn Sơn còn thắm đượm nếp sống thôn quê, nghĩa tình thơm thảo khi mỗi thành viên trong Hợp tác xã Du lịch Cồn Sơn làm “chuyên” một món ăn để tặng cho nhau với mong ước vẹn đầy. “Chị Bảy Muôn thì chuyên về mật ong và sáp ong tặng mọi người, mong một năm mới ngọt ngào. Chú Bảy Bon thì cho cá. Bà Chín Nhỏ làm dưa chua rau muống để “Tết này có nhiều mong muốn”. Bà Tâm chuyên trồng và tặng hoa hạnh phúc chưng bàn thờ trong ngày Tết để cầu mong một năm mới đầy hạnh phúc”, chị Bé Bảy kể.

Nghĩa tình Cồn Sơn là vậy. Bà con Cồn Sơn phần đông làm du lịch, vào những ngày giáp Tết, du khách đến rất đông, dù bận rộn và vất vả nhưng không vì thế mà họ xao nhãng chuyện lo sắm Tết theo phong tục của ông cha. Hồn cốt của Cồn Sơn chính là những giá trị truyền thống, những phong tục cổ xưa vẫn còn được lưu giữ lại - đó cũng chính là những giá trị đang níu chân du khách gần xa đến với vùng đất Nam Bộ mến yêu.

Ở một góc nào đó, về với Cồn Sơn là về với cội nguồn. Con cái Cồn Sơn dù đi bốn phương, nhưng khi về với quê cha đất mẹ là như được tắm trong hồn quê mộc mạc. Lại được lội bộ, đạp xe trên con đê lộng gió để sống chậm lại với những giá trị truyền thống, để cảm nhận rõ những ân tình mà quê hương dành dụm cho mình.

Về miệt vườn là về với thiên nhiên dân dã, để tạm quên sự xô bồ, hối hả của nhịp sống thường ngày; để lắng lại hồn mình với những nghĩa tình thân thương, trìu mến của đất và người miền Tây.

Đọc thêm