John Wilkes Booth là kẻ như thế nào?
Nhiều khía cạnh liên quan đến âm mưu thủ tiêu Booth vẫn còn là điều bí ẩn. Booth xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ truyền thống, nối nghiệp cha trở thành một diễn viên tên tuổi tại nhà hát lừng danh ở Baltimore (tiểu bang Maryland). Và cũng bởi vì có khuôn mặt điển trai, đương nhiên Booth trở thành “thần tượng” của nữ giới.
Ngày nào John cũng nhận hàng đống thư của các bà, các cô hâm mộ. Ngoài những khoản thù lao diễn cao ngất, Booth còn tích cực kiếm thêm qua vai trò là một tay thầu khoán tài ba, luôn thực hiện các “phi vụ xuyên liên bang” nào đó và rồi dấn thân vào con đường chính trị. Booth chủ động hợp tác với các nhóm phương Nam chống đối chính quyền trung ương ở Washington, rồi bắt đầu thực hiện việc lân la do thám đáp ứng nhu cầu thu thập tin tức...
Nước Mỹ khi ấy đang trong cuộc nội chiến giữa các tiểu bang miền Bắc và miền Nam, sự đối nghịch giữa giới quý tộc phía Bắc và giới chiếm hữu nô lệ phía Nam - đang tới hồi kết thúc. Với bức Thông điệp lịch sử về giải phóng nô lệ ban hành ngày năm 1863, Tổng thống Abraham Lincoln đã vấp phải sự phản kháng dữ dội của những kẻ chống đối.
Chân dung John Wilkes Booth - kẻ được cho là hung thủ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln. |
Một ấn phẩm tiêu biểu cho lực lượng đối kháng đó là tờ nhật báo Richmond Enquirer, từng lên tiếng hằn học: “Chúng ta nên gọi hắn là gì? Thằng hèn? Tên sát nhân? Kẻ thô bạo? Viên đao phủ của phụ nữ và trẻ em? Đồ phản bội! Chính Lincoln đã phản bội chúng ta rồi...”.
Những kẻ đối nghịch hiện diện ngay cả trong nội các của Lincoln. Người được cho là tiêu biểu không ai khác chính là viên Bộ trưởng Chiến tranh Edwin M.Stanton (1814-1869) đã không cử đội bảo vệ theo yêu cầu từ chính phủ Tổng thống, để tháp tùng Tổng thống Lincoln cùng Đệ nhất phu nhân tới Nhà hát Ford vào buổi tối 14/4/1865 định mệnh ấy, để rồi Tổng thống bị ám sát. Do là một diễn viên nổi tiếng, nên hung thủ chẳng khó khăn gì khi lọt vào ngăn riêng dành cho Chính phủ trong nhà hát.
Sau khi bắn gục Tổng thống, Booth chạy thoát khỏi thủ đô Washington và trốn được 10 ngày. Cuối cùng tới đêm 25 rạng sáng 26/4/1865 cuộc đấu súng quyết liệt diễn ra trong khu trang trại Garrett, nằm ở phía Đông tiểu bang Virginia nơi Booth đang ẩn náu, đã khiến hắn bị thương nặng rồi chết.
Nhưng ngay sau khi tin Booth chết được thông báo, giữa các nhân viên thực thi pháp luật cũng như đồng bọn của hắn lại lan truyền một tin đồn, rằng Booth không hề bị giết và Washington đã cố tình “bịa” ra như vậy, nhằm tránh những cặp mắt tò mò về cách thức tổ chức cuộc truy bắt hung thủ ám hại Tổng thống Lincoln.
Có thực Booth đã bị giết?
Tin đồn Booth thoát chết cứ được đồn thổi mãi tới tận năm 1903, nghĩa là gần 4 thập niên sau, khi một kẻ mang tên David George ở tiểu bang Oklahoma vừa lìa đời vì chứng nghiện rượu. Một bà mệnh phụ sống gần đó nói với các phóng viên rằng: “Người mang tên David này thực ra là John Booth!”.
Bà này khẳng định: “Cách đây chừng 3 năm, George trong một lần cởi mở đã cho tôi biết tên thật của mình là John Booth và đã lẩn trốn suốt 3 thập niên rưỡi nay, do sợ bị kết án tử hình vì đã giết Tổng thống Lincoln”. Ủng hộ quan điểm của bà này là ông Kenneth F. Batson, một luật sư ở Memphis (tiểu bang Tennessee). Luật sư này cho biết cách đây 38 năm ông có quen một người tên là Sam Elliott ở tiểu bang Texas.
Một lần Sam bị bệnh nặng tưởng chừng không qua khỏi, phải nhờ đến luật sư Batson báo cho người anh trai ở New York là diễn viên Edwin Thomas Booth, cùng lời thỉnh cầu: “Hãy hứa là không được nói với ai hết”. Khi khỏe lại Sam liền bỏ đi biền biệt...”. Diễn viên Edwin Thomas Booth có duy nhất một người em trai, không ai khác chính là John Wilkes Booth. Tới năm 1907, viên luật sư K.Batson tiến hành một “chiến dịch” thử kiếm lời lần thứ 3 qua nhân vật Booth.
Đến nay, vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln vẫn còn là một ẩn số. |
Ông ta đặt làm hình nộm của J.W.Booth và đem diễu khắp các kỳ hội chợ, cùng lời quảng bá: “Đừng bỏ lỡ cơ hội! Các bạn hãy nhanh chân lại xem! Đây là kẻ đã giết A.Lincoln và trốn tránh luật pháp tới 38 năm trời dưới cái tên giả David George!”. Hình nộm rong ruổi hết tiểu bang này qua tiểu bang khác, đến tận năm 1931 mới thôi. Chỉ từ một hình nộm như vậy, tay này đã kiếm được bộn tiền từ những kẻ tò mò.
Cũng trong năm 1907, luật sư K.Batson còn cho ra một cuốn sách nói về vụ thoát chết của kẻ sát nhân J. Booth hòng bổ sung thêm nguồn lợi nhuận cùng với hình nộm di động nói trên. Cuối năm 1931, một nhóm các nhà khoa học ở Chicago đã nghiên cứu hình nộm của K. Batson qua tia X quang, rồi phát hiện “một bên xương chân có những di chứng do bị gãy”.
Thậm chí tờ Chicago Tribune - nhật báo lớn nhất ở miền Trung Tây Hoa Kỳ, đã cất công tường thuật tỉ mỉ “sự kiện” này cùng hàng tít giật gân: “Vết xương gãy đúng ở chỗ John Booth bị chấn thương khi chạy trốn khỏi những người truy đuổi”(?).
Thêm những tình tiết mới
Giai thoại về hung thủ J. Booth tiếp tục có thêm những nhân chứng mới. Trong năm 1937, nữ văn sĩ Izola Forester (cháu ngoại của J. Booth) lên tiếng khẳng định: cách đấy 30 năm bà có một “cuộc gặp khó tin mà thật” với viên Chánh tòa New York James Obbish, là một trong những người tổ chức các chiến dịch truy lùng kẻ ám sát Tổng thống A. Lincoln khi trước.
Trong cuộc gặp đó, viên thẩm phán Obbish từng hé lộ: “Bây giờ tôi sẽ cho các quý ông quý bà biết một điều khó tin, không thể có trong bất cứ nguồn tin chính thức nào... Trong đêm 25 rạng 26/4/1865 ở trang trại Garrett không chỉ có một mình John Booth, mà có tới 3 người. Khi đang bắn nhau thì có một bóng đen bỏ chạy qua lối cửa sau, người ấy chính là Booth! Nhưng Chính phủ không có cách nào khác là nghiêm cấm việc phổ biến chuyện này để làm an lòng dư luận. Các chính khách hàng đầu muốn J. Booth phải sống ẩn dật dưới một cái tên khác...”.
Còn tờ nhật báo The New York Times cho biết thêm: “Đương kim Bộ trưởng Chiến tranh E. Stanton của nội các Lincoln lấy tay ôm mặt, khi được sếp của Cơ quan Mật vụ Mỹ là Lafayette C. Baker (1826-1868) cho biết “đã tìm ra Booth”. Đến khi L.Baker nói thêm: “Nhưng hắn chết rồi!” thì Stanton liền trở lại trạng thái bình thường ngay, bỏ tay ra và thậm chí còn… mỉm cười nữa.
Đó cũng là nụ cười đầu tiên của ông ta trong suốt 20 ngày liền kể từ khi vị Tổng thống đương nhiệm bị ám sát. “Phải chăng ngài Bộ trưởng E. Stanton tỏ thái độ phấn khởi vì tìm được tung tích thủ phạm - dù đã chết? Hay là ông ta vui bởi một lý do khác?”, tờ The New York Times bỏ lửng câu hỏi cho độc giả tha hồ phán đoán.
Có rất nhiều giả thuyết cho rằng E. Stanton là “nhân vật trung tâm” của câu chuyện xoay quanh vụ ám hại A. Lincoln, hoặc đích danh ông ta là kẻ chủ mưu. Chính viên Bộ trưởng E. Stanton đã giấu quyển nhật ký của J. Booth. Khi các cơ quan pháp luật truy xét gắt gao quá, ông ta liền phải chìa ra, nhưng cuốn nhật ký thiếu hẳn 24 trang, là những trang quan trọng nhất trùng với khoảng thời gian trước khi vụ ám sát xảy ra.
Cho đến bây giờ, sau hơn 1 thế kỷ, câu hỏi phải chăng John Booth đã thoát chết, hay David George chỉ là người giống hệt hắn mà thôi vẫn còn để ngỏ. Cũng theo như biên bản nhận dạng tử thi kẻ bị bắn chết tại trang trại Garrett, thì “thi thể dị dạng méo mó, hỏng chân phải”; trong khi các nhân chứng ở Nhà hát Ford lại thấy J. Booth khấp khểnh chân trái khi gắng sức trốn chạy. Và một điều khó hiểu nữa là lúc tiến hành nhận dạng tử thi, người ta gọi tới những người biết về Booth rất ít, trong khi anh trai thủ phạm lại không được mời đến(?).
Còn một điều nữa làm tăng thêm sự nghi vấn là vào cuối năm 1867, khi tiến hành đào móng xây dựng một công trình mới trong pháo đài Washington Arsenal, buộc phải di dời phần mộ của J. Booth đi nơi khác. Viên bác sĩ riêng của gia đình Booth có mặt trong quá trình cải táng đã vô cùng kinh ngạc, do bệnh nhân J.Booth mà ông từng điều trị chứng viêm nướu lúc sinh thời không có hàm răng tương tự.
Ngoài ra, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, thì Booth và đồng bọn trong âm mưu ám hại A. Lincoln luôn được sự hậu thuẫn của Phó tổng thống Andrew Johnson (1808- 1875), người sau cái chết của Lincoln nghiễm nhiên trở thành Tổng thống. Đến nay, cái chết bí ẩn của Tổng thống vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, khám phá.