VFA báo cáo lãi, nhà nông nói không

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, việc  thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ đông xuân là chủ trương đúng đắn của Chính phủ,  tuy nhiên, nhà nông vẫn chưa thật sự có lãi như Hiệp hội lương thực Việt Nam  vẫn nói.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, việc  thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ đông xuân là chủ trương đúng đắn của Chính phủ,  tuy nhiên, nhà nông vẫn chưa thật sự có lãi như Hiệp hội lương thực Việt Nam  vẫn nói.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lợi nhuận “ảo”

Ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, trong thời gian thực hiện mua tạm trữ, giá lúa thị trường nội địa đã tăng bình quân từ 100 – 150 đồng/kg, mức tăng không lớn nhưng vẫn đảm bảo nông dân có lãi (!).

Trong khi đó, lãnh đạo các tỉnh, thành và nông dân ĐBSCL khẳng định: Có rất nhiều điều bất hợp lý trong cách thức thu mua tạm trữ hiện nay, kể cả việc xuất hiện lợi ích nhóm, dẫn đến lợi nhuận nông dân thu được không như VFA công bố.

Ông Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp cho biết: “So với tiến độ thu hoạch của địa phương thì thời điểm triển khai mua tạm trữ (22/2) là quá trễ, gây thiệt hại rất lớn cho bà con nông dân. Đến ngày chương trình tạm trữ bắt đầu, toàn tỉnh đã có 60% diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch xong và đa số nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng”.

Không riêng gì Đồng Tháp, các địa phương như Kiên Giang, Long An, An Giang… cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Với mức giá tăng thêm từ 100 – 150 đồng/kg nhưng lại triển khai thu mua tạm trữ chậm trễ, như vậy tính sơ sơ cũng đã có đến hàng ngàn tỷ đồng không đến được tay nông dân, số tiền mà lẽ ra họ phải được hưởng.

Thực tế, giá lúa mà VFA công bố mua sau mỗi vụ bao giờ cũng cao hơn giá bán thực tế của nông dân. Vì nông dân bán lúa cho thương lái, rồi vòng vo qua nhiều trung gian xay xát, doanh nghiệp kinh doanh gạo mới đến tay doanh nghiệp xuất khẩu. Để rồi, các doanh nghiệp thành viên VFA lúc này sẽ lấy giá gạo hàng hóa họ mua ở công đoạn cuối và “quy ra”  giá lúa mua của nông dân. Ngành nông nghiệp ĐBSCL bấy lâu nay đều biết, thật ra, giá lúa nông dân bán trên thực tế bao giờ cũng thấp hơn khoảng 200 – 300 đồng/kg so với giá mà VFA “báo cáo”.

Nên “xóa” tạm trữ

Một mặt khác, theo công bố của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa bình quân của vùng ĐBSCL vụ đông xuân hiện nay là 3.616 đồng/kg. Về vấn đề này, nhiều địa phương ĐBSCL cho rằng Bộ Tài chính không nên “cào bằng” giá thành sản xuất, bởi mỗi địa phương tùy vào điều kiện, thổ nhưỡng có giá thành sản xuất khác nhau.

“Tại Đồng Tháp, năm nay giá thành hạt lúa lên đến 4.160 đồng/kg. Vụ đông xuân là vụ chính trong năm, chất lượng lúa đẹp hơn so với các vụ hè thu và thu đông. Vì thế người nông dân phải có lãi ít nhất từ 40 – 50% để bù lỗ cho hai vụ còn lại. Thế nhưng niện nông dân đang hết sức lo lắng vì sức mua rất chậm, giá thấp, trong khi chi phí giá thành quá cao” – ông Dương Nghĩa Quốc cho biết.

“Tại sao năm nào chúng ta cũng phải vất vả với chuyện mua tạm trữ để nâng giá lúa cho nông dân? Điều này cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh lương thực và ngành thương mại chưa chủ động tốt đầu ra” – một lãnh đạo tỉnh Long An đặt vấn đề.

Có nhiều ý kiến đề xuất rằng Nhà nước không cần hỗ trợ lãi suất 0% để các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ như hiện nay. Bởi từng doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu gạo thì phải tự chủ nguồn nguyên liệu cho chính mình và cần có trách nhiệm với người dân. Nếu kéo dài cơ chế tạm trữ sẽ khiến một số doanh nghiệp ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Thay vì hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua gạo tạm trữ thì nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua những mô hình khác sẽ hiệu quả hơn.

“Việc thu mua tạm trữ lúa năm nào cũng làm, nhưng theo tôi hiệu quả không cao, thậm chí dư luận còn xì xầm có lợi ích nhóm” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL nói.

Theo TS Bảnh, điều quan trọng là phải có quy định ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân. Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần hình thành khoảng 5.000ha vùng nguyên liệu trồng lúa (có thể gắn với cánh đồng mẫu). Nếu chỉ lấy con số khoảng 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, việc hình thành khoảng 500.000ha, tương đương khoảng 3 triệu tấn lúa đạt chuẩn, chất lượng đồng đều, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Từ đó, xây dựng thương hiệu, giá trị mang về tăng lên thì đời sống nông dân sẽ được cải thiện. Thông qua mô hình này sẽ ký kết hợp đồng bao tiêu và tạm trữ là tốt nhất.

“Việc thu mua tạm trữ lúa năm nào cũng làm, nhưng theo tôi hiệu quả không cao, thậm chí dư luận còn xì xầm có lợi ích nhóm” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL nói.

Ngọc Long

Đọc thêm