- Luật sư Nguyễn Quang Huy - Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời: Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đã tăng mức xử phạt tối đa và thời hạn tước giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn so với quy định trước đây.
Theo đó, mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối đa với từng loại phương tiện như sau: Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, sẽ bị phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở và bị tước Giấy phép lái xe đến 24 tháng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6- 8 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Trường hợp, xe máy kéo và xe chuyên dùng mức phạt vi phạm nồng độ cồn cao nhất là 16 - 18 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe cũng từ 22 - 24 tháng.
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, để ngăn chặn hành vi vi phạm, Cảnh sát giao thông được phép tạm giữ xe đối với các hành vi vi phạm tại các điều khoản của Nghị định này. Theo đó, tất cả hành vi vi phạm về nồng độ cồn đều bị tạm giữ xe tối đa sẽ là 7 ngày quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Trong trường hợp người có hành vi gây tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.