Quá trình xây dựng nguy hiểm
Golden Gate Bridge hay còn được gọi là cầu Cổng Vàng hoặc Kim Môn kiều là một cây cầu treo bắc qua Cổng Vàng, eo biển rộng một dặm (1,6 km) nối liền vịnh San Francisco và Thái Bình Dương. Cầu này nối thành phố San Francisco, bang California, Mỹ - mũi phía bắc của Bán đảo San Francisco - đến Quận Marin, bao gồm cả Quốc lộ Hoa Kỳ 101 và Quốc lộ 1 California qua eo biển. Cây cầu là một trong những biểu tượng được quốc tế công nhận nhất của San Francisco.
Khi được hoàn thành vào năm 1937, Golden Gate Bridge là cây cầu treo dài nhất trên thế giới, và đã trở thành một biểu tượng quốc tế của thành phố San Francisco, bang California, Mỹ với nhịp chính dài 4.200 feet (1.280 m) và tổng chiều cao 746 feet (227 m).
Trước khi có Cầu Cổng Vàng để đi lại giữa San Francisco và Hạt Marin ngày nay người ta vẫn phải di chuyển bằng phà là phương tiện chủ yếu. Thời điểm đấy người ta đã nghĩ đến cần có một chiếc cầu để nối San Francisco và vùng đất mới Hạt Marin, dự án này đã được ấp ủ từ rất lâu khoảng năm 1872 nhưng nó vẫn chưa được thực hiện.
Các chuyên gia xây dựng về cầu cũng cho rằng việc xây cầu là không thể vì mực nước ở đây rất sâu, sóng mạnh và xoáy, kèm theo gió biển giật đến 100km/h đồng thời là một trong những vùng ảnh hưởng của động đất nên việc xây dựng cầu là không khả thi kèm theo một khoản chi phí xây dựng rất lớn ước tính thời điểm đó lên đến 100 triệu USD Mỹ.
Năm 1906 một trận động đất ở San Francisco làm 3.000 người chết chỉ cách vị trí dự định xây cầu 13km. Chính vì những nguyên nhân này mà người ta phản đối việc xây dựng cầu.
Vẻ đẹp Cầu Vàng. |
Mãi tới năm 1929, dự án xây cầu mới chính thức được bắt đầu, phụ trách Thiết kế gồm Joseph Strauss, Irving Morrow và Charles Ellis. Vấn đề lớn nhất bây giờ là chi phí xây cầu sẽ được lấy từ đâu? Sự việc sụp đổ của chứng khoán Mỹ năm 1929 đã khiến vấn đề huy động kinh phí dành cho xây dựng cầu là không thể. Chính vì vậy, việc bán trái phiếu được phê duyệt và thời điểm đó là khoảng 30 triệu USD Mỹ.
Tuy nhiên vấn đề tiếp theo là không một tổ chức nào đứng ra mua số trái phiếu đó và phải đến tận năm 1930 nhà sáng lập Ngân hàng Mỹ Amadeo Giannini lúc này có trụ sở ở San Francisco đã đứng ra thay mặt ngân hàng đồng ý mua toàn bộ số trái phiếu của địa phương. Một công trình mang tính lịch sử, một di sản của San Francisco được bắt đầu từ đây.
Quá trình xây dựng Cầu Cổng Vàng rất gian nan và nguy hiểm. Được biết, kỹ sư trưởng Joseph Strauss lãnh đạo quá trình xây cầu từ đầu đến cuối. Cột trụ phía Nam được xây dựng dưới đáy biển sâu 33 mét. Giàn giáo xây dựng cột trụ này đã bị đổ hai lần: một lần do bị tàu vận tải đâm vào trong sương mù và một lần bị bão đánh sập.
Rất nhiều người tìm đến nơi đây để tự sát. |
Thêm nữa, do nước thủy triều chảy xiết trong eo biển, công việc dưới nước có thể chỉ trong thời gian thủy triều xuống thấp: bốn lần một ngày và mỗi lần chỉ kéo dài có... 20 phút. Để xây dựng móng cầu chịu được động đất và giông bão trên đáy biển đầy bùn, Joseph Strauss đã cho chế tạo một buồng thép không đáy khổng lồ và hạ xuống đáy biển.
Để ngăn không cho nước vào, buồng thép phải có áp suất cao hơn áp suất của nước ở độ sâu 33 m, khiến cho những người làm móng trụ cầu phải làm việc trong điều kiện vô cùng nguy hiểm, bị khó thở, chảy máu mũi, bị ngất và thậm chí bị liệt.
Sau hơn 4 năm lao động vô cùng gian nan vất vả, một cây cầu treo màu da cam dài 2,7 km sừng sững mọc lên, với dáng vẻ vô cùng duyên dáng thanh thoát mặc dù mang trên mình cả triệu tấn thép. Cầu được khánh thành vào 27/5/1937 một ngày trọng đại của San Francisco ngay cả đích thân thị trưởng của San Francisco lúc bấy giờ cũng đến tham dự.
Một công trình mang tính bước ngoặt trong ngành giao thông ở San Francisco và mở ra một chương mới đối với nền kinh tế vùng lúc này, hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ hơn, các nhà đầu tư cũng lần lượt kéo về mảnh đất San francisco để biến đô thị này trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tiểu bang California.
Cây cầu là một ví dụ điển hình cho kỹ thuật xây cầu, cả về những thách thức trong khâu thiết kế, thiết lập kết cấu và sức hút về tính thẩm mỹ. Golden Gate Bridge được Hội kỹ sư dân dụng của Mỹ bình chọn là một trong những kỳ quan hiện đại của thế giới.
Được mệnh danh là “bãi tự sát”
Đây là một điểm thu hút khách du lịch rất được yêu thích và thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim Hollywood. Tuy nhiên, xuyên suốt lịch sử, cây cầu này cũng liên quan đến những câu chuyện đáng sợ.
Có thể nói Cầu Cổng Vàng là một trong những công trình giao thông vĩ đại nhất xứ sở cờ hoa, nhưng nó lại có biệt danh là “bãi tự sát” với số lượng người tự tử đáng báo động. Tính từ thời điểm khánh thành cầu đến q nay đã có khoảng 1.700 người đã tìm đến tự tử tại đây. Mở đầu sau một ngày khi cầu được khánh thành đã có một vụ tự tử ở cầu. Con số này người ta cho rằng còn nhiều hơn so với thực tế được công bố bởi những nạn nhân xấu số có thể đã bị cuốn trôi ra Vịnh San Francisco và không được tìm thấy.
Trong năm 2013, số vụ tự tử tại cầu Cổng vàng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại với 46 người. Thậm chí, Hiệp hội những nhà tự tử học Mỹ đã yêu cầu báo chí không đề cập về những vụ tự sát tại cây cầu này để tránh thu hút những người chán sống tìm tới đây.
Mỗi năm có hàng chục người đến đây để tự sát. |
Đã có nhiều lời đồn về những vong hồn vất vưởng ở cầu, những người đã chết trong quá trình xây dựng cầu. Từng tồn tại rất nhiều những giải thích mang màu sắc tâm linh như việc cây cầu đã bị… một lời nguyền độc ác, bị “ám” bởi linh hồn của những người từng mất xác tại đây. Vấn đề tự tử tại Golden Gate Bridge đáng báo động đến mức cảnh báo của những nhà nghiên cứu về tự tử ở Mỹ rằng không nên công bố thêm về số vụ tự tử ở đây để tránh những người có ý định tự sát tìm đến.
Rất nhiều giải pháp ngăn chặn được đưa ra, kèm theo đó là sự tranh cãi về tính hiệu quả các giải pháp này. Giải pháp đầu tiên được đưa ra là tăng cường lực lượng tuần tra. Các vụ tự sát tại cầu Cổng Vàng đã giảm trong năm 2017 sau khi có thêm 5 sĩ quan tuần tra được thuê. Theo con số thống kê, đã có 33 vụ tự tử được xác nhận tại cầu vào năm này, giảm 6 vụ so với 39 vụ của năm 2016.
Hiện tại có 36 nhân viên ở đơn vị tuần tra cầu, mặc dù không phải tất cả đều tham gia nhiệm vụ tuần tra. Số nhân viên này thực sự đã có tác động nhiều hơn những con số được tiết lộ trên. Trong năm 2016, đã có 184 vụ can thiệp, ngăn cản thành công và trong năm 2017, số lượng can thiệp tăng lên 245 vụ, cho thấy ngày càng nhiều người tiếp cận cây cầu để tự gây hại cho bản thân. Nhiều nhân viên đã được coi là “người hùng” khi cứu được rất nhiều người định tự sát tại cây cầu này.