Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thời điểm đóng thầu lúc 13h30 ngày 6/8/2021 vừa qua chỉ có duy nhất nhà thầu là Samsung C&T Corporation sử dụng thiết bị của GE (General Electric) nộp hồ sơ.
Về yêu cầu liên quan đến kinh nghiệm nhà thầu, hồ sơ mời thầu đã yêu cầu loại tua-bin khí do nhà thầu chào cho dự án phải đã được cung cấp ít nhất hai tổ máy trên toàn cầu, trong đó có ít nhất một tổ máy đã đưa vào vận hành thương mại. Tua-bin khí dùng để tham chiếu kinh nghiệm phải giống với loại được đề xuất, trong đó tiêu chí phải có cùng tần số hay dải công suất là điểm "chốt chặn" mà nhiều nhà thầu đã phải lên tiếng kiến nghị.
Được biết, trên thế giới hiện có 3 nhà sản xuất có khả năng sản xuất và cung cấp thiết bị tua-bin khí cho dự án là: Siemens Energy, Mitsubishi và GE. Thông tin công khai của Siemens Energy cho biết tua-bin khí mới nhất 9000HL của họ được cải tiến liên tục trong 10 năm qua là một sự phù hợp tốt nhất trong đó, tua-bin khí 9000HL tần số 60Hz đã được đưa vào hoạt động từ tháng 5/2020.
Tua-bin khí 9000HL tần số 50 Hz đang trong giai đoạn xây dựng và sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào nửa đầu năm 2022. Do đó, nếu bắt buộc phải chứng minh kinh nghiệm bằng tua-bin khí loại 50Hz thì dù Siemens Energy muốn chào dòng máy mới nhất, tốt nhất cho dự án nhưng cũng không thể vì chưa đưa vào vận hành thương mại, không đáp ứng điều kiện của hồ sơ mời thầu.
Ngoài Siemens Energy, Mitsubishi Power cũng đã không nộp hồ sơ vì theo yêu cầu của gói thầu như hiện nay thì công ty này sẽ “bị loại khỏi cuộc đấu thầu và không có cơ hội tham gia vào dự án này”.
Như vậy, có thể thấy rằng lần đấu thầu này chỉ còn lại một nhà thầu đáp ứng điều kiện và nộp hồ sơ, điều đó dẫn đến việc khi không còn yếu tố cạnh tranh thì nhà thầu còn có thể tùy ý bỏ giá thầu. Không biết giá mà nhà thầu Samsung C&T Corporation sẽ là bao nhiêu, ngân sách của Nhà nước tiết kiệm được bao nhiêu so với dự toán của gói thầu?
Được biết trước đó khi thẩm định thiết kế cơ sở Dự án, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã lưu ý chủ đầu tư trong trường hợp đến thời điểm đấu thầu, nếu không có hoặc có ít các nhà sản xuất có thể đáp ứng điều kiện mời thầu, chủ đầu tư nên xem xét áp dụng các điều kiện quy đổi (như áp dụng các điều khoản tăng thời gian bảo hành, điều kiện về bảo hiểm gián đoạn trong vận hành và thay thế thiết bị, hoặc xem xét kinh nghiệm số giờ vận hành tương đương của chủng loại tua bin khí của thế hệ H, J/JAC trước đó) để làm cơ sở đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp.
Trong quá trình tư vấn làm rõ Hồ sơ mời thầu, đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu là Công ty CP Tư vấn Điện 2 (PECC2) cũng cho rằng với tình hình thị trường hiện tại và căn cứ theo các yêu cầu năng lực kinh nghiệm trong hồ sơ mời thầu dự án, dự kiến sẽ có ít hơn 4 nhà sản xuất (OEM) tua-bin có thể đáp ứng yêu cầu, việc này sẽ làm giới hạn khả năng lựa chọn được nhà OEM cho tua-bin khí tốt, giá thiết bị cạnh tranh, và đảm bảo lợi ích tốt nhất của Chủ đầu tư.
Do vậy, để đảm bảo tính cạnh tranh, PECC2 đã khuyến nghị Bên mời thầu có thể xem xét “mở rộng phạm vi yêu cầu năng lực kinh nghiệm đối với tua bin khí, cho phép các nhà thầu đệ trình hồ sơ chứng minh năng lực kinh nghiệm của cả hai dòng máy 50Hz và 60Hz để làm thông tin tham chiếu. Các tổ máy đã phát điện thương mại lên lưới cũng nên được chấp nhận dùng làm tham chiếu”.
Mới đây, PV Power đã có thông cáo báo chí phản hồi về một số thông tin liên quan đến dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. PV Power khẳng định, hồ sơ mời thầu gói thầu EPC của Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 được lập đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, công bằng, bám sát nội dung Thiết kế cơ sở được Bộ Công Thương thẩm định, Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, cũng như hoàn toàn tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu. “PV Power luôn đặt lợi ích của chủ đầu tư lên trên hết, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh của Hồ sơ mời thầu gói thầu EPC đã phát hành”, thông cáo báo chí nêu rõ.
Với khuyến cáo của Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn cũng như kiến nghị của các nhà thầu, nếu như PV Power vẫn giữ nguyên yêu cầu này tại Hồ sơ mời thầu, tạo ra tình huống chỉ có duy nhất một nhà thầu đáp ứng được yêu cầu và nộp hồ sơ chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Vậy nên, PV Power đã quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 17 ngày, tức là đến ngày 23/8/2021 với lý do để tăng thêm số lượng nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu
Hiện nay, pháp luật đã quy định rõ nguyên tắc lập Hồ sơ mời thầu là:
- “Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng” - Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
- “Việc đưa ra các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu phải trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng” - Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 11/2016/TT-BKHĐT ngày 26/7/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC).