Vì sao lăng mộ Tần Thủy Hoàng bất khả xâm phạm? (Kỳ 2): Bí ẩn của kỳ quan đội quân đất nung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đội quân đất nung là một phần quan trọng trong quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Khoảng 8.000 bức tượng có niên đại hơn 2.200 năm với kích cỡ bằng người thật đã được phát hiện tại đây.
Đội quân đất nung trong Khu di tích Lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Đội quân đất nung trong Khu di tích Lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Tần Thủy Hoàng là vị Hoàng đế nổi tiếng với lối cai trị tàn nhẫn. Tuy nhiên, ông cũng đóng góp rất nhiều cho đất nước, hai công trình để đời của ông là Vạn Lý Trường Thành và... khu lăng mộ của ông. Lăng mộ này được giữ bí mật tuyệt đối, nên tới hơn 2.000 năm sau, do tình cờ tìm được đội quân đất nung, các nhà khảo cổ mới đoán được khu mộ nằm ở ngọn đồi gần đó. Các nhà khảo cổ vẫn chưa dám khai quật khu mộ này do công nghệ kĩ thuật chưa thể đáp ứng được yêu cầu và họ không muốn phá vỡ cấu trúc trong đó.

8.000 chiến binh đất nung được tìm thấy

Sách cổ chép lại rằng, năm 1974, khi đang đào giếng, chiếc thuổng của ông nông dân Yang Zhifa ở miền Đông Trung Quốc đã đâm trúng một thứ bất ngờ trong đất: Đầu của một người đàn ông. Kiểm tra kỹ hơn, Yang Zhifa thấy vật thể đó là đất sét, không phải xương. Hóa ra, dưới vườn cây ăn trái của Yang Zhifa là một đội quân nhân tạo gồm hàng ngàn binh lính bằng đất nung với kích thước mô phỏng như người thật và hàng trăm con ngựa điêu khắc, cùng với xe ngựa và vũ khí bằng đồng.

Kỳ quan dưới lòng đất này được khai quật cách chưa đầy một dặm (1,6 km) về phía Đông của nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng - vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc và là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử của quốc gia này. Cho đến nay, quần thể chôn cất này được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Với diện tích lên đến 65 km2, đây được xem là khu phức hợp chôn cất lớn nhất thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại, 4 hố đã được khai quật: Hố đầu tiên (cho đến nay là lớn nhất) chứa bộ binh; hố thứ hai chứa cung thủ, chiến xa, bộ binh và kỵ binh, và có lẽ đại diện cho một đồn điền. Hố thứ ba, nhỏ hơn nhiều, chứa các quan chức cấp cao và hố thứ tư để trống (một số người cho rằng Tần Vương đã chết trước khi hoàn thành hố thứ tư).

Đến nay, 8.000 chiến binh bằng đất nung đã được tìm thấy nhưng các nhà khảo cổ nghi ngờ nhiều hố vẫn chưa được khám phá và con số có thể tăng lên nhiều. Đội quân đất nung này được xem là “kỳ quan của kỳ quan” và gây chấn động giới khảo cổ trên toàn thế giới bởi sự kỳ lạ và bí hiểm phi thường.

Bởi lẽ, sau khi được sơn bằng màu sắc sặc sỡ, các tượng đất nung tượng trưng cho nhiều vai trò và cấp bậc trong đội quân nhà Tần. Chưa hết, 8.000 tượng đất nung là 8.000 vẻ mặt và trang phục khác nhau. Chính điều này đã gây kinh ngạc tột độ cho các nhà khảo cổ học Trung Quốc nói riêng và giới khảo cổ thế giới nói chung.

Bởi việc tạo ra hàng nghìn bức tượng người lính với kích thước thật cùng các chi tiết tỉ mỉ khác biệt để bảo vệ lăng mộ của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc Tần Thủy Hoàng là một việc rất công phu, quy mô lớn, đòi hỏi nhiều bước và sự hợp tác chặt chẽ.

Nguồn tài nguyên khổng lồ và lao động thủ công cần thiết để sản xuất chúng cách đây 2.200 năm đã khiến đội quân đất nung trở thành biểu tượng toàn cầu về quân sự và thành tựu nghệ thuật của triều đại nhà Tần.

Tương truyền, sau khi thống nhất 6 nước, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa đã bắt đầu tiến hành xây dựng lăng mộ của mình. Hơn 100.000 người ở khắp nơi trên đất nước đã được huy động để xây lăng mộ cho ông trong suốt 39 năm. Theo truyền thuyết, Tần Thủy Hoàng từng có một giấc mơ rất đáng sợ.

Nhiều đêm ông mơ thấy oan hồn của kẻ thù đến đòi mạng khiến ông phải dùng kiếm để tự sát. Sau khi tỉnh lại, Thủy Hoàng đế đã vô cùng sợ hãi, ông lo khi mình băng hà, kẻ thù sẽ đến báo thù nên lập tức ra lệnh chôn một số lượng lớn tượng chiến binh mô phỏng theo các vị tướng lĩnh nhà Tần để theo bảo vệ khi hoàng đế đi sang thế giới bên kia.

Vào tháng 9/1987, đội quân đất nung được cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac ca ngợi là Kỳ quan thứ tám của thế giới. Ông nói: “Có bảy kỳ quan trên thế giới và việc phát hiện ra Đội quân đất nung, chúng tôi có thể nói, là kỳ tích thứ tám của thế giới”.

Giải mã đội quân đất nung

Việc chế tác hàng nghìn bức tượng là một kỳ công về cả hậu cần và tính nghệ thuật khi mà nhiều chiến binh cao tới 1,8m và nặng khoảng 204kg. Vẻ đẹp của đội quân đất nung trở nên ấn tượng hơn khi nhìn cận cảnh, cho thấy các chi tiết khác biệt của kiểu tóc, các đặc điểm trên khuôn mặt, các nếp gấp thực tế của quần áo và tàn tích của các chất màu từng được sử dụng trong quá trình nhuộm màu của họ.

Theo thống kê của Tencent, riêng phần áo giáp của những tượng đất nung này đã có tới gần 10 màu sắc, quần cũng có tới 7-8 màu nhưng trong đó 4 màu thường thấy nhất là xanh lá, đỏ thẫm, tím và xanh da trời. Để màu sắc tô trên thân tượng thêm nhẵn mịn và tinh tế, các thợ thủ công còn dùng bùn mịn quét lên bề mặt tượng để lấp đầy những lỗ nhỏ li ti. Bằng cách đó, khi màu tô lên sẽ mịn và đều hơn.

Các thợ thủ công còn dùng các màu sắc khác nhau để làm nổi bật cảm giác lập thể, sống động của phần áo giáp, râu, lông mày của mỗi bức tượng. Bởi vậy khi vừa tìm thấy, các nhà khảo cổ đều vô cùng kinh ngạc vì những bức tượng sống động như thật. Trên phần áo giáp và tay chân của bức tượng hiện nay vẫn còn sót lại một chút màu sắc khá bắt mắt. Các bức tượng người có lính bộ binh, cung thủ, các tướng lĩnh trong tư thế đứng thẳng hoặc cúi mình cầm cung, kích, giáo, mác, gươm bọc đồng... đây là những vũ khí được sử dụng ở Trung Quốc thời đó.

Ngoài tượng binh mã, tượng xe ngựa cũng có kích cỡ và tinh xảo như thật. Quần thể tượng được đặt trong 3 hầm mộ riêng biệt, hầm mộ thứ 4 là hầm trống. Người ta cho rằng hầm mộ thứ nhất với 6.000 pho tượng binh mã là đội quân chủ lực của Tần Thủy Hoàng.

Tuy nhiên, trong 8.000 bức tượng được khai quật lại có một chiến binh khác biệt có làn da màu xanh, được gọi là chiến binh mặt xanh. Điều này khiến giới khảo cổ hết sức hoang mang. Vào thời điểm đó, do chưa có công nghệ bảo quản nên giới chuyên môn còn chưa kịp nghiên cứu hóa giải bí ẩn trên thì tất cả các bức tượng đã bị oxy hóa thành màu nâu. Ứng dụng công nghệ tiên tiến của những năm gần đây, các chuyên gia đã phục chế lại được màu sơn và sơn lại cho chiến binh mặt xanh. Tuy nhiên để giữ được màu xanh này, bức tượng vẫn phải được bọc trong các lớp vải.

Sau khi khai quật được bức tượng này đã có rất nhiều ý kiến đưa ra nhằm lý giải tại sao phần da mặt của tượng lại có màu xanh, không giống như hàng ngàn bức tượng khác. Một số chuyên gia phỏng đoán rằng, vào thời Chiến Quốc, đây là hình tượng “thầy phù thủy” trong đội quân nên có hình dáng khác lạ, nhằm hù dọa kẻ thù. Theo các ghi chép trong sách sử, người Trung Quốc cũng từng sơn mặt binh lính nhiều màu trên chiến trận để dọa kẻ thù nên giả thuyết này cũng tương đối hợp lý.

Chiến binh đất nung duy nhất có khuôn mặt với màu xanh lục.

Chiến binh đất nung duy nhất có khuôn mặt với màu xanh lục.

Có ý kiến khác cho rằng bức tượng có mặt xanh nhưng tay vẫn có màu hồng nên có khả năng người thợ chế tác ra chiến binh đất nung này bị mù màu và pha nhầm màu trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên quá trình chế tạo tượng cho vua Tần được quản lý rất nghiêm ngặt nên trường hợp này rất khó xảy ra. Ngoài ra, cũng có chuyên gia giải thích rằng màu xanh lá cây cũng là một cách để thể hiện màu da và bản thân nó không có ý nghĩa đặc biệt.

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa đưa ra lý do thuyết phục vì sao chiến binh đất nung này lại có mặt màu xanh. Hiện nay, Trung Quốc cũng đã ban hành các chính sách liên quan để cấm đưa chiến binh đất nung mặt xanh ra nước ngoài triển lãm. Trung Quốc cũng giới hạn số lần trưng bày bức tượng quý này tại bảo tàng trong nước. Tính đến nay, tượng mới được trưng bày 3 lần và hiện đang nằm trong Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây với hệ thống bảo quản và bảo vệ nghiêm ngặt.

Về phương pháp đằng sau sự sáng tạo của người xưa, các học giả từ lâu đã tranh luận không ngừng và đã thực hiện các thực nghiệm để cố gắng thiết kế ngược lại quy trình. Kỳ tích càng ấn tượng hơn trong bối cảnh Tần Thủy Hoàng đang trị vì. Ngay cả khi giả sử rằng ông đã ra lệnh xây dựng nó trước khi thống nhất Trung Quốc và tự xưng là Hoàng đế vào năm 221 trước Công nguyên thì cả một quần thể chôn cất khổng lồ này chỉ có vài năm để hoàn thành trước khi ông qua đời, vào năm 210 trước Công nguyên - chắc chắn đó là khối lượng công việc khổng lồ.

Tượng binh mã không đội mũ sắt

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những bức tượng binh mã nơi đây mặc dù đã bị mai một theo năm tháng, thế nhưng kết cấu cũng như hình dạng về cơ bản vẫn được bảo toàn tương đối hoàn hảo. Tuy nhiên, điểm khiến nhiều người thắc mắc lại là những bức tượng này không được trang bị mũ sắt. Không ít chuyên gia đã khẳng định, tượng binh mã trong lăng Tần Thủy Hoàng được tạo tác dựa trên nguyên mẫu người thật.

Vậy việc tượng không có mũ sắt cũng tương đương với việc binh lính nước Tần năm xưa ra trận mà không có món đồ bảo vệ này liệu có ẩn chứa bí mật gì hay không? Trên thực tế, một số bức tượng có đội loại mũ tròn với kích thước tương đối nhỏ. Tuy nhiên, theo giải thích của các chuyên gia khảo cổ, đây là một loại khăn che đầu được làm từ vải bố tương đối phổ biến thời bấy giờ. Ngoài ra, một số bức tượng của các tướng lĩnh cấp cao hơn sẽ được đội loại mũ được làm từ da trâu, còn đa số các binh sĩ thông thường đều chỉ cuốn tóc thành búi ở trên đầu mà thôi.

Thế nhưng bất luận là tướng lĩnh hay binh sĩ, những bức tượng được tìm thấy trong các đường hầm binh mã tại lăng Tần Thủy Hoàng đều không đội mũ sắt. Theo chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi, nguyên nhân chủ yếu khiến các bức tượng binh mã trong lăng Tần Thủy Hoàng không được trang bị mũ sắt nằm ở chỗ: Người nước Tần vốn nổi tiếng với tinh thần thượng võ. Cụ thể, Tư Mã Thiên từng chép trong cuốn “Sử ký” rằng: “Tần, đới giáp bách vạn”, nghĩa là nước Tần có quân đội lên tới cả triệu người có khoác khôi giáp.

Tuy nhiên, theo lý giải của các chuyên gia, khôi giáp ở đây là chỉ những bộ giáp mặc trên người chứ không bao gồm mũ sắt để bảo vệ phần đầu. Mỗi nhóm binh chủng khác nhau sẽ được trang bị các loại khôi giáp khác nhau. Vào thời bấy giờ, các trang bị này cũng chỉ được làm từ da động vật. Một nhà tư tưởng lớn thời Chiến quốc là Hàn Phi Tử cũng từng ghi lại cảm nhận về lần đầu tiên tiếp xúc với người Tần trong một danh tác của mình. Ông nói rằng người nước Tần mỗi khi nghe tới việc đánh trận thì liền dậm chân, vội vã và hăm hở như thể không đợi được, căn bản không quan tâm tới vấn đề sinh tử.

Tương truyền rằng, quân lính nước này mỗi khi ra trận đều để đầu trần, anh dũng xông lên phía trước, nếu so sánh quân đội 6 nước với quân Tần thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Bọn họ tay trái nắm đầu người, tay phải bắt tù binh, không ngừng đuổi giết đối thủ của mình... Không chỉ dừng lại ở đó, “Sử ký” của Tư Mã Thiên cũng từng miêu tả: “Trên chiến trường, quân Tần vậy mà lại để mình trần, ngay tới khôi giáp cũng cởi bỏ”.

Có thể nói, việc không đội mũ sắt hay cởi bỏ áo giáp trên chiến trường cũng được xem là một cách để áp đảo khí thế quân địch khi ra trận. Đây được xem là một trong những biểu hiện rõ nhất về tinh thần thượng võ của người nước Tần. Vì thế, việc những binh sĩ nước Tần không đội mũ giáp khi ra trận cũng là điều rất có cơ sở.

Một nguyên nhân khác liên quan tới việc quân Tần không đội mũ giáp khi ra trận còn xuất phát từ động cơ chiến đấu của họ. Sở dĩ binh tướng nước Tần anh dũng giết giặc trên chiến trường mà không màng tới sinh tử của bản thân là có liên quan tới chế độ luận công ban thưởng thời bấy giờ. Theo đó, mỗi binh sĩ nước này chỉ cần lấy được 1 thủ cấp của quân địch là có thể thăng 1 cấp tước vị, đi kèm với đó là những phần thưởng về đất đai và nô bộc. Như vậy một khi lấy được càng nhiều thủ cấp, cơ hội thăng quan tiến chức với những binh lính này sẽ càng cao.

Không dừng lại ở đó, công trạng của một người còn có thể liên quan tới vinh nhục cũng như tính mạng của các thành viên khác trong gia tộc. Ví dụ như đối với một người lính lấy được 2 thủ cấp của quân địch, nếu có cha mẹ là phạm nhân thì họ sẽ lập tức được phóng thích. Trong trường hợp vợ của người này có xuất thân là nô lệ thì cũng sẽ được trở thành dân thường. Không chỉ vậy, công trạng chiến đấu còn có thể được truyền lại cho đời sau. Cụ thể, nếu gia đình nào có cha chết trận, công lao của đời cha sẽ được truyền lại cho đời con.

Điều này đồng nghĩa với việc ở nước Tần thời bấy giờ, một người lập công thì cả nhà sẽ được hưởng lộc. Vì thế có thể nói, gia phong tấn tước chính là động lực chủ yếu để binh sĩ Tần quốc anh dũng giết giặc trên chiến trường mà không màng tới sinh tử. Và theo sử liệu ghi lại, cho tới thời điểm thống nhất 6 nước, số lượng những người vong mạng dưới tay đội quân nước này ước chừng lên tới con số 160 vạn.

Từ những minh chứng trên đây, có thể thấy với một đội quân thượng võ và anh dũng như quân Tần, việc đội mũ sắt để bảo vệ bản thân khi ra chiến trường dường như là điều không cần thiết. Và đúng như mong muốn của Tần vương, đội quân đất nung anh dũng của Ngài sẽ tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tần Thuỷ Hoàng ở thế giới bên kia.

(Còn tiếp)

Đọc thêm