Bị bạo lực trầm trọng nhưng rất khó ly hôn
Rụt rè cầm lá đơn tìm đến Trung tâm tư vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), cô gái trẻ Trần Thị Kiều Anh, 18 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh cho biết, ba mẹ cô khoảng hai năm trở lại đây thường xuyên mâu thuẫn, bất đồng quan điểm với nhau. Ba cô thường hay rượu chè và cờ bạc dẫn tới gia đình mắc nợ người ta rất nhiều.
Gần đây nhất, sau khi ba cô uống rượu say thì về nhà chửi mắng, mẹ cô có nói lại, lời qua tiếng lại dẫn tới hai người cãi vã nhau. Do quá nóng tính nên ba cô đã đánh đập vợ, làm mẹ cô bị thương khá nặng ở vùng mặt và tay chân. Bên cạnh đó, ba cô còn dùng những lời xúc phạm vợ và có đe dọa sẽ đánh đập nữa nếu tình trạng mâu thuẫn này còn xảy ra.
Mẹ cô vì muốn bảo vệ sự an toàn cho mình và các con đã đệ đơn ra tòa xin ly hôn. Tuy nhiên, bên cạnh việc ba cô không đồng ý ký vào đơn, thì tòa cũng yêu cầu mẹ cô cung cấp bằng chứng của bạo lực gia đình (BLGĐ) – vốn là nguyên nhân chính để ly hôn trong lá đơn của mẹ cô.
Nhưng theo Kiều Anh thì khi mẹ cô bị thương khá nặng ở vùng mặt và tay chân do bị chồng đánh, mẹ con cô có đến viện cấp cứu đơn thuần chứ không xác nhận vết thương do đâu mà có. “Như vậy có nghĩa là ba mẹ cháu sẽ không bao giờ ly hôn được với nhau và mẹ cháu sẽ mãi sống khổ sở phải không ạ” – Kiều Anh đặt câu hỏi.
Trường hợp của Kiều Anh không phải là hiếm khi liên quan đến vấn đề nhiều phụ nữ đã và đang thiệt thòi trong các vụ án ly hôn.
Phát biểu tham luận tại hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ), bà Bùi Thị Hoà - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã cho biết từ thực tiễn xử lý đơn thư của phụ nữ gửi đến Hội LHPN Việt Nam và các trường hợp phụ nữ là nạn nhân BLGĐ đến tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên của Hội cho thấy, Luật HNGĐ và các văn bản luật liên quan còn nhiều khoảng cách, kẽ hở giữa luật và cuộc sống khi giải quyết các vụ án ly hôn, đẩy phụ nữ và trẻ em đứng trước nguy cơ rủi ro, mất an toàn cao hơn.
86,23% án ly hôn có nguyên nhân do BLGĐ
Theo bà Hòa, phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong quá trình ly hôn, đặc biệt những vụ việc mà phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ. Khoản 1 Điều 56 quy định BLGĐ là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Trên thực tế, một số vụ án ly hôn Tòa án chưa xem xét thỏa đáng lý do phụ nữ bị BLGĐ là một trong những căn cứ cho ly hôn và các thủ tục ly hôn chưa thực sự hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân BLGĐ.
Nhiều trường hợp nộp hồ sơ ly hôn không được chấp nhận do thiếu giấy tờ hoặc giấy tờ đang bị người chồng giữ. Một số Tòa án yêu cầu đương sự phải đưa ra bằng chứng bị chồng bạo lực ngay cả khi đã nộp Giấy xác nhận đang phải tạm lánh tại Nhà Bình yên.
Hòa giải cũng đang là rào cản trong một số vụ án ly hôn do phụ nữ là nạn nhân BLGĐ đứng đơn. Cá biệt có những ca, Tòa tiến hành hòa giải 16 lần để thuyết phục nạn nhân chuyển quyền nuôi con cho bố dù đứa trẻ dưới 3 tuổi.
“Đa số phụ nữ là nạn nhân BLGĐ khi ly hôn thường gặp rất nhiều khó khăn kinh tế, chỗ ở, việc làm… Họ thường rơi vào trường hợp “không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” theo Khoản 3 Điều 81 Luật HNGĐ. Vì vậy, họ mất luôn quyền trực tiếp nuôi con.
Trong một gia đình hằng ngày các con phải chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ thì chính những đứa trẻ đó cũng là nạn nhân trực tiếp của BLGĐ. Những trường hợp đó mà Tòa án lại quyết định giao con cho người gây bạo lực trực tiếp nuôi con thì hoàn toàn không phù hợp” – bà Hòa nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hòa, Luật HNGĐ quy định rõ “bạo lực gia đình” hoặc “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn nếu nó làm cho hôn nhân lâm vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
Đây đều là các quy định mang tính khái quát cao, nếu không có hướng dẫn sẽ rất khó áp dụng đúng, chính xác và thống nhất khi giải quyết ly hôn. Hành vi BLGĐ được coi là căn cứ để giải quyết ly hôn cũng chưa rõ, thiếu các căn cứ để xác định “vợ, chồng có hành vi BLGĐ” hoặc “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng”.
Bên cạnh đó, thời gian theo đuổi vụ án ly hôn có nguyên nhân do BLGĐ thường làm trầm trọng hơn tình trạng của nạn nhân. Theo thống kê của TAND Tối cao, có 86,23% án ly hôn có nguyên nhân do BLGĐ, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Các quy định về thời gian giải quyết một vụ ly hôn có nguyên đơn là nạn nhân BLGĐ theo thủ tục tố tụng dân sự hiện nay là quá dài. Đấy là chưa kể trường hợp vụ án rơi vào tình trạng phải tạm đình chỉ.
Trụ cột gia đình không đồng nghĩa với gia trưởng, ích kỷ
Trên cơ sở Luật HNGĐ, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống BLGĐ về việc vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cũng như trách nhiệm phòng ngừa BLGĐ của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình hướng dẫn: “Trong gia đình ngày nay, vợ chồng đều bình đẳng. Nếu người chồng chỉ muốn thỏa mãn “cái tôi”, coi vợ phải phục tùng chồng, không cho vợ bày tỏ quan điểm, chính kiến, không lắng nghe và tôn trọng vợ thì người chồng không chỉ xúc phạm nhân cách của vợ mà còn tự phá hoại hạnh phúc của chính mình và gia đình.
BLGĐ là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại đến thể chất, tinh thần, kinh tế của vợ/chồng trong gia đình. Những số liệu về BLGĐ gần đây ở Việt Nam cho thấy có tới 70% số vụ BLGĐ có đối tượng gây ra là nam giới và thường nạn nhân là phụ nữ – người vợ. Điều này cho thấy BLGĐ đối với phụ nữ phổ biến hơn đối với nam giới và có nhiều người chồng đã lựa chọn cách hành xử này trong mối quan hệ vợ chồng.
Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng hạnh phúc, êm đẹp mà cũng trải qua những sóng gió, khó khăn, bất đồng. Không phải ai cũng có những kỹ năng tốt để xử lý cơn nóng giận hoặc đối mặt với khó khăn một cách bình tĩnh, tuy nhiên người chồng – vốn được coi là trụ cột gia đình, chỗ dựa vững chãi của người vợ không nên hành xử cộc cằn, thô lỗ, bạo lực mà hãy cố gắng trao đổi, xử lý mọi khúc mắc theo chiều hướng tích cực”.