Thông báo bất ngờ
Truyền thông Mỹ dẫn thông báo của Cơ quan di trú liên bang (ICE) ngày 6/7 nêu rõ sinh viên nước ngoài sẽ không được phép ở lại Mỹ nếu toàn bộ học kỳ mùa Thu tới của họ được chuyển sang hình thức học trực tuyến do tác động của dịch Covid-19.
Theo luật, du học sinh tại Mỹ sẽ chỉ được lấy tối đa là 3 tín chỉ trực tuyến (tương đương với một lớp) trong một học kỳ để có thể duy trì tình trạng di trú hợp pháp. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, hàng loạt trường đại học đã cho sinh viên học từ xa để tránh nguy cơ lây bệnh.
Theo hướng dẫn mới của ICE, trong học kỳ mùa Thu tới, việc học online toàn phần sẽ chấm dứt. Quy định này sẽ ảnh hưởng đến các sinh viên nước ngoài thuộc diện F-1 (theo học nghiên cứu, học thuật) và M-1 (theo học nghề) học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. “Các sinh viên đang ở Mỹ theo học các chương trình học trực tuyến hoàn toàn phải rời khỏi Mỹ hoặc có biện pháp khác như đổi sang một trường giảng dạy trực tiếp để được ở lại cư trú hợp pháp.
Nếu không, họ có thể phải đối mặt với các hậu quả về nhập cư, trong đó có khả năng bắt đầu các thủ tục yêu cầu về nước”, thông báo của ICE nêu rõ. Quy định này không ảnh hưởng tới những sinh viên tới lớp học trực tiếp, hoặc có kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến (online).
|
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ xoay sở để tránh bị trục xuất. |
Theo thống kê, trong năm tài khóa 2019, Mỹ đã cấp 388.839 thị thực F và 9.518 thị thực M. Như vậy, quy định mới nói trên sẽ ảnh hưởng đến hàng chục ngàn sinh viên ngoại quốc đang theo đuổi các chương trình đại học ở Mỹ hoặc tham gia những khóa huấn luyện tu nghiệp, cũng như các chương trình đào tạo nghề nghiệp.
Thông báo của ICE cũng nêu rõ Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không cấp thị thực nhập cảnh cho những sinh viên ghi danh vào trường hay những chương trình hoàn toàn học qua mạng trong khóa học mùa Thu. Trong trường hợp đã được cấp visa, các du học sinh theo học những trường chỉ có lớp trực tuyến trong mùa Thu tới sẽ bị chặn tại cửa khẩu và buộc trở về. Hiện chưa rõ bao nhiêu sinh viên nước ngoài đang học tập tại Mỹ theo diện visa F-1 sẽ bị ảnh hưởng.
Thông báo mới ICE được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Trump đang thúc giục các tiểu bang mở cửa lại hệ thống trường học trong kỳ mùa Thu tới, bất chấp việc số ca nhiễm Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với hơn 130.000 ca tử vong liên quan đến dịch Covid-19, Mỹ hiện là nước chịu tác động lớn nhất của đại dịch toàn cầu này. Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh đóng băng việc cấp thẻ xanh - loại thẻ định cư dài hạn tại Mỹ - và một số thị thực việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ đến cuối năm.
Lệnh trên được cho là sẽ khiến các hệ thống trường đại học ở Mỹ gặp khó khăn trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Nhiều trường tại Mỹ chủ yếu dựa vào học phí từ sinh viên quốc tế - những người phải trả học phí cao hơn sinh viên nội địa. Thống kê của tổ chức Dữ liệu giáo dục cho biết, có hơn 1,1 triệu sinh viên nước ngoài theo học tại Mỹ năm 2019.
Riêng trong năm 2018, các sinh viên người nước ngoài trả tới 45 tỷ USD để ghi danh tại các học đường của Mỹ. Vì vậy, quyết định mới của chính phủ Mỹ khiến nhiều trường rơi vào thế bị động. Ngay sau thông báo của ICE, ngày 7/7, ông Trump tuyên bố sẽ gây sức ép với thống đốc các bang để mở cửa trở lại các trường học vào mùa Thu tới.
Tổng thống Mỹ cũng cho rằng vấn đề đóng cửa hay mở cửa trường học đang bị một số cá nhân chính trị hóa. “Họ nghĩ rằng nó sẽ tốt cho họ về mặt chính trị, nên họ đóng cửa trường học”, ông Trump nói trong cuộc thảo luận tại Nhà Trắng về kế hoạch cho năm học mới đồng thời chỉ trích quyết định của Đại học Harvard chuyển tất cả các khóa học sang hình thức trực tuyến trong năm học 2020-2021.
Chỉ trích mạnh mẽ
Quy định này đã ngay lập tức vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều phía. Các chính trị gia tại Mỹ đã lên tiếng chỉ trích quy định mới. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cho rằng đây là quyết định “tàn bạo”. Theo ông Sanders, quy định này đẩy các sinh viên người nước ngoài đang ở tại Mỹ vào cảnh “bị đe dọa”, khi chỉ có một lựa chọn, hoặc là đánh cược tính mạng của mình để đến lớp học trực tiếp hoặc sẽ bị trục xuất.
Còn chuyên gia Aaron Reichlin-Melnick thuộc nhóm cố vấn Hội đồng Nhập cư Mỹ nhận định, quy định mới trên gần như chắc chắn sẽ mở ra một cuộc chiến pháp lý. Quả thực, hai ngày sau thông báo của ICE, Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã nộp đơn lên một tòa án liên bang, yêu cầu tòa ra phán quyết tạm ngưng thực thi quy định mới buộc các sinh viên nước ngoài phải về nước nếu trường họ học không tổ chức việc giảng dạy trực tiếp ở lớp.
Trước đó, Hiệu trưởng trường Đại học Harvard trong một tuyên bố tối 6/7 bày tỏ quan ngại trước hướng dẫn mà ICE đưa ra cùng ngày. Theo vị này, quy định trên áp đặt một cách tiếp cận thô kệch, quá chung chung cho một vấn đề phức tạp, buộc các học sinh quốc tế, đặc biệt là những người đang theo học các lớp trực tuyến phải lựa chọn giữa việc rời khỏi nước Mỹ hoặc chuyển trường.
Chủ tịch của liên đoàn giáo dục lớn nhất Mỹ cho rằng, thay vì giữ cho các học sinh, sinh viên an toàn, ông Trump chỉ quan tâm tới việc lấy điểm cho cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Tiểu bang California ngày 9/7 cũng đã đệ đơn kiện chính phủ của Tổng thống Trump về quy định mới nói trên, cho rằng quy định này vi phạm luật liên bang đã có từ nhiều năm nay liên quan tới cách các cơ quan chính quyền liên bang đưa ra các luật lệ trong nước.
Bà Theresa Cardinal Brown - Giám đốc chương trình di dân tại Trung tâm chính sách lưỡng đảng - cho rằng các trường đại học phải chọn giải pháp cho sinh viên học trên mạng vì tình trạng dịch bệnh lây lan chứ không phải là hành vi lừa đảo. “Khó khăn lớn cho các sinh viên người nước ngoài là nước của họ có thể sẽ không chịu nhận người về từ Mỹ - nơi bệnh dịch hoành hành mạnh nhất thế giới hiện nay”, bà nói.
Theo một giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm tại Mỹ, quy định trên sẽ có nhiều hệ lụy đối với các sinh viên quốc tế không được trở lại hoặc lưu lại Mỹ nếu trường đại học của họ giảng dạy online 100%. Một trở ngại trong số đó là việc chênh lệch múi giờ. “Không ai biết chắc liệu khi về nước các em có đủ cơ sở vật chất và liệu có thể có mặt đúng giờ để học không khi sự cách biệt múi giờ có thể là rất lớn và nếu như thế chỉ có thể ghi lại bài giảng cho sinh viên xem chứ không dạy trực tiếp được. Và việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học do mất đi tương tác”, vị giảng viên nhận định.