Vì sao Thái Lan hoãn thương vụ mua 2 tàu ngầm của Trung Quốc?

(PLVN) - Sau những phản đối mạnh mẽ từ người dân, Chính phủ Thái Lan đầu tuần qua đã quyết định hoãn việc mua 2 tàu ngầm trị giá 724 triệu USD từ Trung Quốc.
Tàu ngầm của Trung Quốc.
Tàu ngầm của Trung Quốc.

Quyết định bất ngờ

Theo AFP, theo thỏa thuận năm 2015, Thái Lan là một trong những nước đầu tiên mua khí tài hải quân của Trung Quốc. Thái Lan sẽ mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc, với chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào năm 2023. Năm 2017, giới chức Thái Lan đã phê chuẩn việc mua chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số 3 tàu ngầm nói trên với số tiền là 13,5 tỷ baht (tương đương hơn 434 triệu USD). Tuy nhiên, việc mua thêm 2 tàu ngầm S26T lớp Nguyên chạy bằng nhiên liệu diesel còn lại đã gây ra nhiều tranh cãi. 

Cuối cùng, đơn đặt hàng thêm 2 chiếc tàu ngầm nữa của Trung Quốc với giá 22,5 tỷ baht (723,9 triệu USD) đã được một tiểu ban của Quốc hội Thái Lan phê duyệt với tỉ lệ phiếu bầu sát sao tại một phiên họp diễn ra hôm 22/8. Cuộc họp lẽ ra đã không thể đi được đến kết luận vì ban đầu tỉ lệ phiếu ủng hộ và phiếu chống đối với đơn hàng nói trên là 4-4. Tuy nhiên, lá phiếu từ Chủ tịch Ủy ban, vốn là một thành viên của Đảng Palang Pracharat cầm quyền, đã cho phép thỏa thuận này được chuyển đến ủy ban ngân sách của Quốc hội Thái Lan. 

Động thái này đã vấp phải sự phản đối của công chúng trong bối cảnh Thái Lan đang phải vật lộn với nền kinh tế đang đi xuống do đại dịch Covid-19. Trên trang mạng xã hội Twitter, những cụm từ phản đối việc mua bán nói trên đã trở thành xu hướng lớn. Nhiều người đặt những thẻ như: Các tàu ngầm đó để làm gì? Người dân không muốn tàu ngầm…

Còn ngoài đời thực, một số người đã tiến hành biểu tình, cho rằng yêu cầu chi tiền cho việc mua tàu ngầm là một ví dụ cho thấy chính phủ đã bỏ qua lợi ích công cộng để ủng hộ các dự án quân sự tốn kém.

Trước những phản ứng giận dữ từ dư luận, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri ngày 31/8 thông báo Thủ tướng Prayut Chan-ocha (cũng là Bộ trưởng Quốc phòng của Thái Lan) đã yêu cầu hải quân xem xét trì hoãn việc mua thêm 2 tàu ngầm từ Trung Quốc.

Theo lý giải của người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, Thủ tướng nước này đã dành ưu tiên cho mối quan tâm của công chúng. Bản thân ông Chan-ocha khẳng định thương vụ mua bán tàu ngầm với Trung Quốc sẽ vẫn được tiến hành vì những tàu ngầm này là rất quan trọng đối với lợi ích quốc phòng lâu dài của Thái Lan. “Chúng ta không thể dừng lại, đây là một phần của kế hoạch phát triển lực lượng”, ông Prayuth nói. Thủ tướng Thái Lan cũng cho hay giới chức Thái Lan phải đàm phán với Trung Quốc.

Một số nguồn tin cho hay, Hải quân Hoàng gia Thái Lan cùng ngày đã đề nghị ủy ban ngân sách của Quốc hội Thái Lan cắt khoản chi cho việc mua tàu ngầm xuống bằng 0 trong năm tài khóa hiện nay. Chính phủ Thái Lan trước đó đã đề nghị cấp 3,375 tỷ baht (108 triệu USD) trong ngân sách năm 2021 để chi trả khoản đầu tiên trong số 7 khoản thanh toán trả góp hàng năm cho thương vụ mua bán trên. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất, yêu cầu của Chính phủ với Quốc hội để đưa khoản tiền này vào ngân sách quốc gia cho năm tài chính 2021 đã được rút lại.

Việc chi tiền để mua các tàu ngầm này đã trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng tại Thái Lan. Các nhà phê bình cho rằng việc mua bán này không thể biện minh được trong khi đất nước đang gánh một gánh nặng kinh tế lớn từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Nền kinh tế Thái Lan đang trải qua một trong những giai đoạn tồi tệ nhất trong hơn 20 năm, giảm 12,2% trong quý thứ hai do các lĩnh vực hàng đầu là du lịch và xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. 

Trước tình hình này, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt gói kích cầu du lịch trong nước mang tên ‘We Travel Together’, dự kiến sẽ tạo ra 2 triệu chuyến đi nội địa trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10, giúp tạo thu nhập cho hàng loạt doanh nghiệp như khách sạn, nhà hàng, hãng hàng không và đại lý du lịch.

Thương vụ mua bán tàu ngầm với phía Trung Quốc cũng đe dọa tạo ra những rạn nứt trong chính phủ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Prayuth, khi một đối tác lớn trong liên minh đã đe dọa sẽ phản đối việc đưa việc mua bán vào ngân sách. Trong thông báo về việc hoãn thương vụ mua bán tàu ngầm với phía Trung Quốc, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết, số tiền dự kiến cần để chi trả cho việc mua bán thay vào đó sẽ được sử dụng cho các mục đích khác, chẳng hạn như chương trình cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Lý do không thỏa đáng?

Nghị sĩ Thái Lan Yuttapong Jarassathian - thành viên của Đảng Pheu Thai và là một trong những người đã bỏ phiếu phản đối việc cấp ngân sách cho thương vụ mua tàu ngầm cho rằng một biên bản ghi nhớ được trao đổi về đơn đặt hàng tàu ngầm đầu tiên giữa ông Prayuth và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lúc đó là ông Thường Vạn Toàn không nêu rõ rằng Thái Lan có nghĩa vụ mua thêm 2 tàu ngầm này. 

“Thủ tướng phải lựa chọn giữa các tàu ngầm và sự sống còn về kinh tế của người dân”, vị nghị sỹ nói thêm. Ông Yuttapong là một trong 24 nghị sĩ đối lập trong tiểu ban của Quốc hội Thái Lan đang chịu trách nhiệmkiểm tra lại ngân sách dành cho hải quân trong năm tài chính 2021-2022. Đây chính là tiểu ban đã chấp thuận cho mua 2 tàu ngầm S26T lớp Nguyên trị giá 22,5 tỷ baht vào tháng 8 vừa qua.

Theo nhà bình luận quân sự Song Zhongping, có thể có “nhân tố Mỹ” trong việc hoãn thương vụ mua 2 tàu ngầm lần này. “Mỹ và Thái Lan là đồng minh theo hiệp ước. Khi đối đầu Trung - Mỹ tiếp diễn, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Hơn nữa, Mỹ còn là một nhà cung cấp vũ khí lớn cho Thái Lan. Nhân tố Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng ở đây”, ông Song nhận định. 

Thương vụ Thái Lan mua tàu ngầm của Trung Quốc được thông báo vào tháng 6/2015, sau khi Thủ tướng Prayut Chan-ocha, khi đó đang là người đứng đầu quân đội, nắm quyền sau cuộc đảo chính. Cuộc đảo chính đã dẫn tới việc quan hệ giữa Thái Lan với Mỹ trở nên căng thẳng. 

Từ khi ông Chan-ocha lên điều hành Chính phủ Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Thái Lan và Trung Quốc được đẩy mạnh, đưa Bắc Kinh trở thành một nhà cung cấp vũ khí quan trọng của Bangkok. Sau cuộc bầu cử năm ngoái, ông Prayuth tiếp tục nắm quyền. Lục quân Thái Lan sau đó đã lên kế hoạch mua 14 xe tăng hạng nặng VT4 của Trung Quốc. Năm 2016, lực lượng này cũng đã mua 28 chiếc như vậy. Thái Lan còn có những hợp đồng mua vũ khí đáng kể khác từ Trung Quốc và thể hiện quan tâm đến việc tập trận và huấn luyện chung.

Đại dịch Covid-19 đã khiến các chính phủ châu Á - Thái Bình Dương khác phải suy nghĩ lại về chi tiêu quốc phòng của họ. Vào tháng 6, Nhật Bản đã quyết định ngừng triển khai lá chắn tên lửa Aegis Ashore do Mỹ sản xuất sau khi giá của nó tăng từ 2,15 tỷ USD lên 4 tỷ USD. Quyết định này có thể sẽ giải phóng nguồn vốn để phục hồi kinh tế.

Đọc thêm