Con người của chiến tranh và hòa bình
Anwar El-Sadat cất tiếng khóc chào đời đúng vào 25/12/1918 tại tỉnh Minoufiyya, bên dòng sông Nile lịch sử. Sau đó, chàng thanh niên Sadat quyết định rời chốn quê nghèo để lên thành phố Cairo học tập.
Năm 1936, anh vào đại học ngành thương mại và luật, nhưng chỉ được một thời gian ngắn sau đó, chàng trai nhiệt huyết và “lúc nào cũng nhiều năng lượng này” chuyển sang Học viện Quân sự Ai Cập với những hoài bão riêng của mình. Khi trở thành sĩ quan, Sadat bị tống giam năm 1942 vì tội âm mưu hợp tác với phát xít Đức. Ngay khi được ra tù, Sadat lại tham gia vào vụ ám sát 2 chính trị gia có quan điểm thân Anh là Mostafa El-Nahas và Amin Asman vào năm 1946 nên bị tống giam lần thứ hai. Lần này Anwar Sadat phải nhận mức án nặng hơn trước, chàng thanh niên này ngồi “bóc lịch” 30 tháng.
Sau 2 lần vào tù, Sadat đã bị tước sạch quân hàm và phải làm nhiều nghề nặng nhọc để kiếm sống như cửu vạn ở nhà ga, công nhân đào mương hay làm nghề vận chuyển phế thải. Năm 1951, Anwar Sadat được phục chức trong quân đội và tham gia phong trào đòi thực dân Anh trả lại độc lập cho Ai Cập do Gamal Abdu Nasser lãnh đạo. Sadat trở thành nhân vật ủng hộ rất tích cực cho cuộc đảo chính của Nasser năm 1952 và âm mưu truất phế nhà lãnh đạo Mohamed Neguib diễn ra sau đó mấy năm.
|
Bức ảnh ghi lại cảnh hỗn loạn khi Tổng thống Sadat bị bắn gục |
Sau khi chính quyền hoàn toàn về tay Nasser, sự nghiệp chính trị của Anwar Sadat cũng lên rất nhanh chóng vì nhiều thuận lợi. Bản thân Sadat đã trải qua nhiều chức vụ khác nhau trước khi đi theo con đường chính trị cho riêng mình. Sau một năm làm Tổng biên tập tờ nhật báo nổi tiếng Al-Gumhurieh, Sadat được cử làm Quốc vụ khanh năm 1954. Một năm sau đó, ông lại được bầu làm Tổng thư ký Tổ chức hội nghị Hồi giáo, rồi Chủ tịch Quốc hội Ai Cập. Sadat 2 lần được giao giữ chức Phó Tổng thống vào giai đoạn 1964-1966 và 1969-1970.
Sau khi Nasser qua đời, Anwar Sadat được bầu làm Tổng thống Ai Cập vào ngày 15/10/1970. Được coi là một trong những nhân vật thân cận nhất của Tổng thống Gamal Abdu Nasser, nhưng sau khi cầm quyền, Anwar Sadat lại tỏ rõ là một người có quan điểm khác biệt đến đối lập. Chính sách của ông đã khiến Matxcơva nói riêng và khối Cộng sản nói chung bị bất ngờ. Trong khi Nasser có xu hướng rời xa phương Tây và hợp tác với Liên Xô, thì Sadat lại ra quyết định sa thải 20.000 sĩ quan quân sự của Matxcơva làm việc tại Ai Cập sau 2 năm ông lên nắm quyền.
Năm 1973, Tổng thống Sadat đã trở thành một trong những người chủ trương tiến hành cuộc chiến chống lại Israel (Chiến tranh Yom Kippur). Dù kết qủa của cuộc phiêu lưu quân sự này đã không được như nhà lãnh đạo Cairo mong muốn, nhưng đây vẫn được coi là một chiến thắng của Sadat. Cuộc chiến đã chứng tỏ một điều rằng, nền quân sự của các nước Ảrập ít nhất đã đủ mạnh để đương đầu với mối đe doạ từ Israel, vốn được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ.
Buổi diễu binh kinh hoàng
Cũng chính vì nắm được truyền thông, Sadat đã thổi bùng lên ngọn lửa “dân tộc” của người dân Ai Cập. Vì thế, ngày 6/10/1973, ngày nhân dân Ai Cập mãi mãi khó có thể quên được. Ngày hôm đó, ngay từ sáng sớm, quân đội Ai Cập bỗng nhiên vượt qua kênh đào Suez, tấn công mãnh liệt quân Israel đóng ở bán đảo Sinai. Trận đánh này đã đập tan huyền thoại quân đội Israel “bách chiến bách thắng”, “vô địch thiên hạ” vốn được rêu rao khắp nơi trước đó.
Điều này đã khiến uy tín Ai Cập trên trường quốc tế nâng cao nhanh chóng. Từ đó, ngày 6/10 trở thành một ngày lễ quan trọng. Hàng năm, cứ đến ngày này, nhân dân Ai Cập đều tổ chức lễ duyệt binh lớn ở Nasser để kỷ niệm thắng lợi của cuộc chiến tranh này.
Chỉ trong một đêm, Sadat từ người tổ chức và chỉ huy chiến dịch này đã trở thành người anh hùng cúa thế giới Arab. Nhưng điều khiến mọi người không ngờ, cũng ngày 6/ 10 của 8 năm sau, Tổng thống Sadat bị ám sát. Ngày hôm đó, giống như mọi năm, Ai Cập tổ chức lễ duyệt binh ở Nasser cách Thủ đô Cairo không xa, kỷ niệm tám năm ngày chiến thắng. 11h sáng, Tổng thống Sadat mặc quân phục nguyên soái lục quân màu xanh viền vàng ngồi ở giữa hàng đầu trên lễ đài để xem duyệt binh.
|
Đến nay nguyên nhân cái chết của ông Sadat vẫn còn là ẩn số |
Người ngồi bên trải Sadat, Phó tổng thống Mubarak; người ngồi bên phải, tướng Gazale - Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập. Khi cuộc diễu binh đang tiến hành, một chiếc xe tải kéo khẩu pháo chống tăng đường kính nòng 130mm đột ngột dừng lại. Từ trên xe, 4 người nhảy xuống. Mọi người đều nghĩ rằng xe tải có điều gì đó trục trặc nên 4 người này xuống xe để sửa chữa.
Khi bọn chúng đi đến gần lễ đài, Tổng thống Sadat còn quan tâm đứng lên. Một trong 4 tên đột nhiên ném một quả lựu đạn vào Sadat, còn 3 tên kia bắt đầu rút súng nhả đạn vào phía Tổng thống. Một viên đạn bắn trúng cổ, Sadat vĩ đại đã chết dưới họng súng của chính đồng bào mình. Một tên hung thủ bị bắn chết tại chố, còn ba tên kia bị thương và bị bắt sống. Sau khi điều tra, bọn chúng đều khai nhận là những phần tử Hồi giáo cực đoan.
Ai là chủ mưu?
Sau khi xảy ra sự kiện ám sát này, do một số nhà lãnh đạo quân sự hy vọng nắm quyền khống chế xét xử hung thủ. Cho nên khi tòa án quân sự xét xử, chỉ thẩm vẩn đơn giản một số chi tiết cụ thể của vụ án, không hỏi đến vấn đề khác. Đến nay, mọi người vẫn không biết kẻ chủ mưu đằng sau vụ ám sát là ai, hay chỉ là hành động cá nhân của 4 phần tử Hồi giáo cực đoan?
Có người nhận định, hung thủ chính là Thượng úy Halead, thành viên nhóm “Anku” trong tổ chức những người theo giáo nghĩa gốc gọi là “Lực lượng nổi dậy Islam”. Tổ chức này đã ra lệnh cho Halead cùng 3 người nữa thực hiện vụ ám sát này. Vũ khí do cấp trên của Halead cung cấp. Halead vốn chuẩn bị về quê, song đã ở lại tham gia duyệt binh.
Ông ta khai rằng: “Ban đầu, tôi không muốn tham gia duyệt binh nhưng sau này tôi đồng ý. Bởi tôi bỗng nghĩ đây là ý Trời. Tôi đi tham gia duyệt binh là chấp hành một sứ mệnh thiêng liêng mà tôi được giao phó”. Có người lại cho rằng, hành động của hung thủ chỉ xuất phát từ mục đích cá nhân.
Trước ngày ám sát không lâu, để trấn áp những người phê phán mình, Tổng thống Sadat đã mở chiến dịch vây quét, bắt giam hơn 3.000 người. Anh trai của Halead cũng bị bắt. Đây có thể là động cơ chính dẫn đến việc Halead tham gia vụ việc. Khi chĩa súng vào Sadat, Halead còn hô to với Phó Tổng thống Mubarak và tướng Gazale “Hãy tránh ra! Tao chỉ xử một mình tên này”. Điều này rất rõ ràng, ý chỉ nhằm vào Tổng thống Sadat để báo thù cá nhân...
(Còn tiếp)