Nở rộ ứng dụng làm việc, học tập trực tuyến trong mùa dịch
Nhiều ứng dụng làm việc, dạy học trực tuyến đã tăng mạnh về tỷ lệ người dùng từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay, đặc biệt trong những ngày nhiều nước, trong đó có Việt Nam, thực hiện cách ly xã hội. Nổi bật trong số này là ứng dụng Zoom, đã có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, khi nhiều người phải làm việc tại nhà. Zoom là phần mềm hội nghị trực tuyến đa điểm phổ biến nhất thế giới hiện nay, có thể tạo cuộc gọi nhóm online tối đa 100 người.
Khi Covid-19 bùng phát, hơn 20 quốc gia với 90.000 trường học sử dụng phần mềm này để giảng dạy trực tuyến, bao gồm có cả Việt Nam. Ưu điểm của Zoom là hỗ trợ nhiều nền tảng khác nhau, từ Windows, Android, iOS đến Linux... Ở Việt Nam, CMS (thành viên Tập đoàn CMC) là đối tác cung cấp bản quyền phần mềm Zoom tại Việt Nam. Theo thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm, ứng dụng này đã tăng 67% do các trường học, tổ chức và doanh nghiệp áp dụng Zoom cho làm việc, hội họp và đào tạo từ xa để đối phó với đại dịch Covid-19.
|
Phần mềm Zoom được đánh giá là tiện ích và được nhiều người sử dụng |
Hiện ứng dụng cho phép tải và sử dụng miễn phí, nhưng bản dùng miễn phí thường gặp một số trục trặc, gián đoạn. Tuy nhiên, các gói Pro, Business, Enterprise cho phép người dùng tổ chức hội họp, giảng dạy và học tập liên tục tới 24 giờ, không bị gián đoạn hay ảnh hưởng tới chất lượng hội nghị trực tuyến. Đại diện CMS cho biết, với các tính năng mở rộng như Zoom Room, Zoom Connector hoặc Webinar, doanh nghiệp hay trường học có thể duy trì cuộc họp/lớp học ngay cả khi người khởi tạo mất kết nối internet, cho phép kết nối mạnh mẽ với các hệ thống hội nghị truyền hình khác hoặc tổ chức hội thảo lên tới 10.000 người xem và 100 người tham gia video tương tác… Hàng nghìn trường học, trung tâm giáo dục đang sử dụng Zoom để duy trì việc dạy và học cho giáo viên, học sinh sau hơn 2 tháng nghỉ dịch.
Ngoài ra, tại nước ta, nhiều ứng dụng trực tuyến khác cũng đã tăng mạnh về số lượng người dùng trong mùa dịch như VNPT Office và VNPT Meeting, bên cạnh các ứng dụng truyền thống như Skype... Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), lưu lượng dữ liệu tháng 3 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2, tập trung chủ yếu từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến...
Nhiều nước cấm sử dụng vì quá nhiều lỗi bảo mật
Được một lượng lớn người dùng tải về, thậm chí đã vượt mốc 200 triệu người dùng hàng ngày trong tháng 3/2020, giá cổ phiếu Zoom đã tăng gấp đôi từ cuối tháng 1. Nhưng Zoom đang dần mất điểm trong mắt khách hàng của mình với hàng loạt lùm xùm phát sinh. Điển hình, mới đây, trang công nghệ Motherboard đã phát hiện một thông tin bất ngờ trên công cụ gọi điện video và họp trực tuyến Zoom, khi phiên bản ứng dụng Zoom dành cho nền tảng iOS âm thầm thu thập thông tin người dùng ngay khi họ mở ứng dụng này.
Các thông tin của người dùng do Zoom thu thập, bao gồm múi giờ, thành phố, thông tin thiết bị đang sử dụng... sau đó các thông tin này sẽ được gửi cho Facebook mà người dùng không hề hay biết. Điều đáng nói là với cả những người không có tài khoản Facebook, Zoom cũng sẽ thu thập thông tin của họ rồi gửi cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
|
Sau Mỹ, Singapore đã cấm sử dụng Zoom vào việc dạy và học |
Phát hiện của Motherboard đã khiến nhiều người dùng Zoom trên iOS cảm thấy lo lắng bởi thông tin của họ bị thu thập một cách âm thầm và trái phép. Ngay sau khi thông tin này được công bố, Zoom đã thừa nhận việc thông tin trên thiết bị của người dùng bị gửi đến cho Facebook nên đã phát hành bản nâng cấp cho ứng dụng của mình trên iOS để bỏ đi tính năng thu thập thông tin của người dùng.
Zoom lý giải, sở dĩ ứng dụng này thu thập thông tin của người dùng vì Zoom đã tích hợp tính năng đăng nhập bằng tài khoản Facebook vào ứng dụng của mình và Facebook đã tự ý thu thập thông tin người dùng thông qua tính năng Facebook SDK chứ không phải Zoom chủ đích muốn gửi thông tin người dùng cho Facebook.
“Chúng tôi sẽ gỡ bỏ Facebook SDK và thiết lập lại tính năng đăng nhập để người dùng vẫn có thể đăng nhập bằng Facebook thông qua trình duyệt của họ. Người dùng cần phải nâng cấp ứng dụng của họ lên phiên bản mới nhất. Chúng tôi chân thành xin lỗi vì sự việc và cam kết bảo vệ dữ liệu của người dùng chúng tôi”, đại diện của Zoom cho biết trong thông cáo đưa ra.
|
Ông Eric Yuan - Người sáng lập, CEO của Zoom xin lỗi khách hàng vì sự cố lộ bí mật thông tin |
Có điều, “đời không như mơ” khi vừa qua Zoom bị cấm sử dụng để giảng dạy vì vấn đề bảo mật và quyền riêng tư tại Singapore trong thông báo ngày 9/4 của Bộ Giáo dục quốc đảo Sư tử. Bộ Giáo dục yêu cầu giáo viên tuân thủ quy định bảo mật khi sử dụng phần mềm trực tuyến ảo như cài đặt mật khẩu, không chia sẻ đường dẫn với người ngoài. “Thời gian tới, giáo viên sẽ sử dụng tài liệu giảng dạy trên cổng thông tin học tập trực tuyến của chính phủ, Singapore Student Learning Space”, ông Aaron Loh, người quản lý phòng Công nghệ Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục Singapore, nói.
Bộ sẽ hướng dẫn phụ huynh cách xây dựng môi trường học an toàn tại nhà, yêu cầu các trường thiết lập quy định học trực tuyến. Trường hợp học sinh không tuân thủ quy định, nhà trường cần tư vấn và giải thích cho các em. Nếu cần thiết, có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật. Sở dĩ có cấm đoán trên là bởi một phụ huynh phát hiện con gái lớp 1 của chị đang học Địa Lý trên phần mềm Zoom, màn hình bỗng xuất hiện những hình ảnh khiêu dâm. Giáo viên liền kết thúc buổi học nhưng nhiều học sinh trong lớp đã nhìn thấy.
Trước đó, ngày 5/4, Sở Giáo dục thành phố New York (Mỹ) cũng đã yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn không sử dụng phần mềm Zoom vì lo ngại các cuộc tấn công vào an ninh và quyền riêng tư cá nhân mang tên “Zoombombing”. Ông Danielle Filson, phát ngôn viên của Sở phát biểu với trang CNN: “Cần dừng việc sử dụng Zoom càng sớm càng tốt. Các trường có thể sử dụng phần mềm học từ xa khác để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho học sinh và giáo viên”.
“Các trường nên chuyển sang dùng Microsoft Teams. Đây là phần mềm có tính năng tương tự và bảo mật tốt hơn Zoom”. Thậm chí, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) còn lên tiếng cảnh báo về “Zoombombing”. Thuật ngữ này đề cập đến việc một số hacker đã truy cập vào các phòng học trực tuyến trên phần mềm Zoom qua đường dẫn chia sẻ công khai trên các trang web, mạng xã hội hoặc đoán mã ID chứa từ 9 đến 11 chữ số. Khi vào được lớp học ảo, họ đưa ra tuyên bố đe dọa, phân biệt chủng tộc hoặc hình ảnh khiêu dâm, từ ngữ tục tĩu gây ảnh hưởng đến tâm lý và nhận thức của học sinh.
Trước hàng loạt sự cố trên, ông Eric Yuan, người sáng lập - CEO của Zoom lại phải gửi lời xin lỗi đến người dùng về các vấn đề bảo mật an ninh. Ông cho biết, ứng dụng Zoom sẽ sớm được khắc phục những vấn đề bảo mật, thay vì tiếp tục bổ sung các tính năng mới. “Chúng tôi xin lỗi vì chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của cộng đồng và của chính chúng tôi về các vấn đề bảo mật. Một lần nữa, chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành”, ông Yuan phát biểu.