Vì sao vẫn tồn tại nhiều 'điểm đen' trong mùa mưa tại Hà Nội?

(PLO) - Cách đây ít ngày, trận mưa đầu mùa đã khiến nhiều trục đường của Thủ đô ngập sâu trong nước. Đáng nói, tình trạng úng ngập cục bộ vẫn xảy ra dù Hà Nội đã đầu tư nguồn kinh phí rất lớn cho công tác tiêu thoát nước. Thực tế này cho thấy cần phải có những giải pháp hiệu quả hơn nhằm khắc phục tình trạng này. 
Thành phố ngập nặng sau mưa lớn do năng lực hệ thống thoát nước không đuổi kịp sự phát triển của đô thị.

Tồn tại nhiều “điểm đen” 

Câu chuyện úng ngập tại Thủ đô mỗi khi mùa mưa đến không phải đến bây giờ mới được đề cập. Những bất tiện do ngập úng gây ra và cả những thiệt hại về kinh tế khi giao thông ùn tắc, công việc ngừng trệ, kinh doanh tê liệt, tài sản, xe cộ hỏng hóc... chưa được các cơ quan chức năng thống kê, tuy nhiên nỗi lo bị ngập của người dân luôn thường trực mỗi khi trời mưa to thì không thể đong đếm được. Ngập úng không chỉ nằm trong phạm vi “lõi” nội thành mà giờ đây ở những điểm rìa, hạ tầng phát triển mạnh cũng xảy ra ngập. 

Khu vực Hà Đông là một ví dụ. Theo tìm hiểu, đây là một trong những vùng trũng và mức độ ngập nặng nề nhất. Bà Mai Hương ở phường Văn Quán cho biết, cứ sau mỗi trận mưa to là khu vực lại có hiện tượng ngập, ảnh hưởng đến người dân. “Khu nhà tôi ở cũng vừa mới đầu tư lại hệ thống thoát nước mới hơn 1 năm mà vẫn không thấy cải thiện, thậm chí tình trạng ngập còn nặng hơn” - bà Hương chia sẻ. 

Cùng chung nỗi bức xúc trên, anh Nguyễn Mạnh Dương (quận Thanh Xuân) chia sẻ, cơ quan nằm trên trục đường Nguyễn Xiển. Dù là một trong những trục giao thông chính nhưng đường Nguyễn Xiển chỉ cần mưa kéo dài khoảng 30 phút là xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Hệ lụy nhãn tiền là việc đi lại của người và phương tiện lưu thông qua đây hết sức khó khăn. “Nhiều khi thấy mưa lớn là mình phải ở nhà vì biết ra đường ngập lụt cũng không đi nổi” – anh Dương cho biết. 

Theo tìm hiểu, những năm gần đây, trước khi bước vào mùa mưa bão, Hà Nội thường công bố “kịch bản”, phương án, tình huống phòng chống ngập lụt cho thành phố trước những trận mưa vừa, mưa to và mưa rất to. Cụ thể, năm 2018, TP Hà Nội đã đưa ra 3 phương án giải quyết các tình huống khi mưa. Tình huống 1 mưa vừa, lượng mưa nhỏ hơn hoặc bằng 50mm/2h; tình huống 2, mưa to, lượng mưa từ 50 - 100mm/2h; tình huống 3, mưa to, lượng mưa trên 100mm/2h… các tình huống trên được đưa ra cùng với các phương án, biện pháp xử lý cụ thể nhằm chủ động ứng phó với tình trạng úng ngập. Đồng thời, TP cũng áp dụng đồng bộ các giải pháp chống úng ngập như đầu tư, cải tạo, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống tiêu thoát nước trên toàn địa bàn.

Khách quan nhìn nhận, nhờ có những phương án cụ thể nên tình trạng ngập úng và nhiều điểm úng ngập của Hà Nội cũng đã được cải thiện đáng kể, số lượng các điểm úng ngập trên địa bàn cũng đã giảm xuống. Ngoài ra, hàng năm Hà Nội đã dành sự đầu tư lớn về kinh phí cùng nguồn lực để xử lý úng ngập. Chẳng hạn, theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống thoát nước khu vực nội thành gồm 12 quận với diện tích 300km2, chủ yếu là hệ thống thoát nước chung bao gồm: hệ thống cống, kênh mương cùng 122 hồ điều hòa, 10 trạm bơm thoát nước chính, cùng 5 nhà máy xử lý nước thải. Hiện hệ thống thoát nước của Hà Nội được chia làm lưu vực chính: Tô Lịch, tả Nhuệ, hữu Nhuệ, sông Cầu Bây, Hà Đông. Ngoài ra, còn có các tiểu lưu vực tại các thị trấn trên địa bàn các huyện: Thạch Thất, Sơn Tây, Mê Linh, Thanh Oai… Hệ thống thoát nước ở các khu vực trên đều được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ.

Dẫn như vậy để thấy rằng chuyện xử lý úng ngập luôn được các cấp, ngành và đơn vị liên quan thuộc Hà Nội quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá nhiều điểm úng ngập cục bộ vẫn tồn tại và giải pháp xử lý tận gốc vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ. 

Đâu là giải pháp?

Thực tế, tình trạng cứ mưa là ngập đã diễn ra suốt nhiều năm bất chấp những nỗ lực “giải cứu” của các cơ quan chức năng. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, để chữa trị tận gốc tình trạng ngập lụt ở Hà Nội, trước hết các nhà quản lý cần sớm khắc phục tình trạng phát triển đô thị tùy tiện, thiếu quy hoạch như hiện nay. Đồng thời với việc tăng cường cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn Thủ đô.

Nói cách khác, nguyên nhân dẫn đến tình trạng úng ngập trên các tuyến phố của Thủ đô mỗi khi mưa đến là do năng lực hệ thống thoát nước không đuổi kịp sự phát triển của đô thị. Ngoài ra, không ít chuyên gia cũng cho rằng, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, với sự xuất hiện của hàng loạt khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng thay thế dần những diện tích của ruộng đồng trước đây đã làm cho tỷ lệ không gian xanh bình quân đầu người bị sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, trong quá trình đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư thường không đầu tư hạ tầng thoát nước đầy đủ và cũng không dành tỷ lệ đất phát triển công viên, cây xanh theo đúng quy định. Điều này dẫn đến tình trạng nhiệt độ trong đô thị tăng cao, cùng với tình trạng ngập úng đô thị diễn ra thường xuyên.

Đề xuất hướng xử lý tình trạng ngập úng cục bộ, trả lời báo chí TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, việc trước tiên cần phải làm là cập nhật quy hoạch thoát nước, kết hợp với thực hiện quy hoạch đô thị. Quy hoạch thoát nước phải được thực hiện và kết nối với quy hoạch chung. Ngoài ra các đơn vị phụ trách công tác tiêu thoát nước cũng cần dùng các biện pháp hiện đại hơn trong việc quản lý hệ thống cống thoát nước của đô thị.

“Thành phố cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này bởi đây là vấn đề dân sinh bức xúc trong nhiều năm qua. Về phía người dân phải có ý thức bảo vệ hệ thống hạ tầng, giữ gìn sạch sẽ; người dân nên vì lợi ích của chính mình chứ không nên vì một chút tiện lợi và ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước và mỹ quan chung của đô thị” - TS Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.

Đọc thêm