Vì sao việc quản lý thực phẩm chức năng Hoa Kỳ vẫn còn “lỗ hổng“?

(PLVN) - Như đã nói, các quy định pháp luật của Mỹ về thực phẩm chức năng còn có một số điểm lỏng lẻo, dẫn tới việc có thể bị lợi dụng. Vấn đề này được nhiều người cho là có một phần nguyên nhân từ việc vận động hành lang của các nhà sản xuất thực phẩm chức năng.
Vì sao việc quản lý thực phẩm chức năng Hoa Kỳ vẫn còn “lỗ hổng“?

Quy định lỏng lẻo

Như đã nói ở số báo trước, các loại thực phẩm chức năng  có thể lưu hành tại Mỹ mà không cần có sự chấp thuận của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Các sản phẩm này chỉ được quản lý tương tự các loại thực phẩm khác, có điều là loại thực phẩm đặc biệt có liên quan đến sức khỏe. Khác với các loại thuốc, các nhà sản xuất phải chứng minh an toàn và hiệu quả trước khi sản phẩm mới tiếp cận thị trường, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng lại không cần phải như vậy. Quy định trên được nhiều người cho là một lỗ hổng dẫn đến một số những bất cập trong việc quản lý thực phẩm chức năng, tạo điều kiện để một số nhà sản xuất “làm láo”.

Trên thực tế, quy định này bắt đầu khi Thượng nghị sĩ Orrin Hatch và Tom Harkin đồng bảo trợ cho Đạo luật giáo dục và Y tế thực phẩm chức năng (DSHEA) năm 1994. Đạo luật này đã loại bỏ thẩm quyền của FDA trong việc cấm các chất phụ gia thực phẩm không được phê duyệt. Thay vào đó, đạo luật này cho phép các công ty bán sản phẩm ra thị trường mà không cần việc kiểm nghiệm và phê duyệt của FDA.

Nhiều người đặt câu hỏi ở đây là tại sao khi soạn luật, các nhà lập pháp trên lại không nghĩ đến việc phải kiểm tra về độ an toàn cũng như tính hiệu quả của một loại thực phẩm chức năng trước khi nó được đưa ra thị trường? Tại sao các ông Harkin và Hatch lại không muốn cơ quan chức năng thực hiện các quy định đó với ngành công nghiệp thực phẩm chức năng ? Câu hỏi thực ra cũng khá dễ để lý giải nếu biết được rằng trong năm 1994, các ông Hatch và Harkin là 2 người nhận nhiều tiền tài trợ nhất từ ngành công nghiệp thực phẩm chức năng.

Một hình ảnh quảng cáo thực phẩm chức năng giảm cân siêu tốc
Một hình ảnh quảng cáo thực phẩm chức năng giảm cân siêu tốc 

Năm 2010, tình hình diễn tiến tương tự khi ông Harkin thay mặt ông này và ông Hatch đệ trình một dự thảo luật, theo đó đảm bảo rằng DSHEA vẫn được thực thi và ủng hộ. Tại thời điểm đó, vẫn các ông Harkin và Hatch là những người nhận được nhiều tiền nhất từ các nguồn quỹ của ngành công nghiệp TPCN. Nhận thấy được những điểm bất hợp lý này, năm 2011, Thượng nghị sỹ Dick Durbin đã đệ trình một dự thảo luật sửa đổi có tên Đạo luật dán nhãn thực phẩm chức năng nhằm khắc phục những điểm bất cập trong quy định của luật cũ.

Dự thảo luật này yêu cầu rằng các loại thực phẩm chức năng phải dán nhãn cảnh báo về những tác dụng phụ nguy hiểm tiềm ẩn của các loại thực phẩm chức năng và yêu cầu nhà sản xuất thực phẩm chức năng phải đăng ký các sản phẩm thực phẩm chức năng với FDA.

Song, năm 2012, các ông Hatch và Harkin đã tích cực tìm cách ngăn cản việc dự luật của ông Durbin được thông qua và đã thành công. Việc này không có gì đáng ngạc nhiên nếu tính đến việc các ông Harkin và Hatch ở năm 2012 lại 1 lần nữa là những người nhận nhiều tiền ủng hộ nhất từ ngành công nghiệp thực phẩm chức năng . Chính vì vậy nên theo quy định hiện nay, FDA chỉ đánh giá sự an toàn của các loại thực phẩm chức năng thông qua nghiên cứu và theo dõi các tin báo về những tác dụng phụ xấu của sản phẩm sau khi mặt hàng đã được tung ra thị trường.

Điều này có nghĩa là FDA chỉ đánh giá một sản phẩm sau khi sản phẩm này được tung ra thị trường và thường chỉ sau khi sản phẩm được báo cáo đưa ra thông tin sai lệch hoặc cực kỳ sai lệch, hoặc trong một số trường hợp thậm chí là việc sử dụng sản phẩm gây bệnh và/hoặc gây tử vong cho người sử dụng như thực phẩm chức năng ăn kiêng Ephedra – sản phẩm được báo cáo đã gây ra 155 trường hợp tử vong và 16.000 trường hợp ghi nhận tác dụng phụ.

FDA cũng cho biết đã phát hiện hơn 100 loại thực phẩm chức năng giảm cân có chứa các thành phần không được công bố, ví dụ như Sibutramine - vốn là loại thuốc tây phải được bán theo toa có thể tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ - đã được tìm thấy trong các sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân. Hay một trường hợp khác là sản phẩm thực phẩm chức năng phổ biến một thời HCG Fusion - một loại thực phẩm chức năng nhằm giảm cân nhanh chóng - đã được chứng minh gây ra những vấn đề lớn.

Năm 2011, FDA tuyên bố các sản phẩm HCG là lừa đảo và bất hợp pháp, cấm phân phối tại nhà và không cần kê đơn. Tuy nhiên, gần 4 năm sau, mọi người vẫn có thể mua sản phẩm này qua mạng internet và tại một số cửa hàng bán lẻ nhất định. Một số chuyên gia cho rằng, bằng cách đưa ra luật về quản lý theo hướng có lợi cho các loại thực phẩm chức năng, ông Hardy phá vỡ bàn tay sắt trong giám sát các sự kiện bất lợi của FDA.

Theo quy định của FDA, nếu một công ty tiếp tục tiếp thị sản phẩm với những tuyên bố không thể chấp nhận được thì cơ quan này có thể xem xét trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, họ có thể tiến hành thanh tra công ty. Dựa trên những phát hiện của cuộc kiểm tra đó, lực lượng chức năng có thể có một cuộc họp với công ty. Nếu công ty tiếp tục bán các sản phẩm vi phạm thì các hành động khác có thể được xem xét, như lệnh cấm bán hay thu giữ sản phẩm… Quy định này bị nhiều người cho là quá dễ dãi và mang tính chủ quan.

Cơ chế nào bảo vệ người tiêu dùng?

Trong 2 thập kỷ qua, các trung tâm kiểm soát chất độc của Mỹ đã nhận được khoảng 275.000 báo cáo – tức cứ khoảng 24 phút một lần – về những trường hợp người sử dụng có phản ứng xấu với các loại thực phẩm chức năng. Nghiên cứu trên đã phát hiện những bằng chứng cho thấy các loại thuốc và bột đó không hiệu quả và đôi khi nguy hiểm. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là người Mỹ sử dụng nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng không tốt hay dễ bị tác dụng phụ khi dùng thuốc. Bởi, khác với nhiều nơi khác, người Mỹ khá khó tính trong việc lựa chọn sản phẩm.

Để loại trừ nguy cơ sử dụng phải sản phẩm chất lượng thấp, họ thường chỉ tin dùng các sản phẩm thực phẩm chức năng đã được các phòng thí nghiệm danh tiếng kiểm tra và chứng nhận chất lượng. Tại Mỹ, 3 tổ chức chứng nhận thực phẩm chức năng độc lập là ConsumerLab.com, NSF International và Dược điển Mỹ (USP) được xem là các đơn vị bảo chứng cho chất lượng sản phẩm.

Các tổ chức này sẽ tiến hành đánh giá độ tinh khiết, hiệu lực, thành phần và các tiêu chuẩn khác của sản phẩm với những kiểm nghiệm độc lập, nghiêm ngặt nhằm đưa những sản phẩm thực phẩm chức năng tốt đến gần hơn với người tiêu dùng. Các sản phẩm được 3 tổ chức trên chứng nhận thường chắc chắn sẽ được người tiêu dùng đón nhận. Việc sản phẩm được thử nghiệm trong những phòng thí nghiệm độc lập hay không cũng là một vấn đề người dân Mỹ được khuyến cáo chú ý trước khi chọn sử dụng một loại thực phẩm chức năng nào đó bằng cách kiểm tra các thực phẩm chức năng và báo cáo kết quả.

Đơn cử, Dược điển Mỹ (USP) đã thiết lập một chương trình tự nguyện để kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của một cơ sở hoặc công ty. Những công ty vượt qua sự kiểm tra này có thể được xác minh bằng con dấu xác nhận “USP Verified” màu vàng và đen trên nhãn hiệu của họ. Có ít hơn 1% các thực phẩm chức năng trên thị trường có gắn xác nhận này. Trung tâm hợp tác về An toàn Thực phẩm và Nước uống NSF (thuộc Tổ chức Y tế Thế giới) cũng tiến hành một chương trình tương tự nhắm đến các thực phẩm chức năng thể thao.

Tại Mỹ, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng bị cấm đưa ra những tuyên bố vô căn cứ về lợi ích sức khỏe của sản phẩm. Đó là lý do vì sao những công bố của nhà sản xuất thường tránh những từ như “chữa bệnh” để chuyển thành “hỗ trợ hệ miễn dịch”. Dù vậy nhưng không khó khăn gì để tìm ra các sản phẩm với những lời khẳng định quá trớn. Trước khi mua thực phẩm chức năng , người tiêu dùng Mỹ được khuyên xem xét lại những thông tin được cung cấp.

Theo FDA, người tiêu dùng nên cẩn thận với những sản phẩm được quảng bá là có khả năng chữa bệnh ngay lập tức. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng những sản phẩm như vậy chủ yếu được chứng thực mang tính cá nhân, không đáng tin cậy. Chúng cũng có thể sử dụng những thuật ngữ y tế đáng ngờ. Và chỉ vì một sản phẩm nào đó được dán nhãn là “tự nhiên” cũng không có gì bảo đảm rằng chúng là an toàn.

Đọc thêm