* Nữ quỷ Medusa nhìn vào đâu khiến tất cả đều hóa đá trong thần thoại Hy Lạp
* Bí ẩn con ngựa gỗ chứa đầy binh lính trong trận chiến thành Troy của Thần thoại Hy Lạp
* Nữ nhân giúp đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu trong thần thoại Hy Lạp
Đánh cắp lửa của thần Zeus
Prometheus là con trai của thần Titan Iapetus và nữ thần Clymene. Anh em của ông gồm: Atlas, Menoetius và Epimetheus. Chính Prometheus đã dùng đất sét để nặn ra đàn ông (loài người lúc này chỉ toàn là đàn ông). Dù một số nhà thơ khác như Plato nói rằng các vị thần chung nhau nặn ra đàn ông chứ không phải riêng Prometheus, nhưng Prometheus được giao trách nhiệm dạy dỗ họ khôn lớn.
Vốn dĩ Prometheus rất khoái các tác phẩm của mình, nên dạy họ đủ thứ từ thiên văn, khoa học đến nông nghiệp, chăn nuôi,… Ông còn thu hết những điều ác độc, các loại bệnh tật và những thứ khiến loài người phải làm việc cật lực… rồi nhét chúng vào một cái hộp, để loài người luôn được sung sướng, không phải lo nghĩ gì cả. Sau đó, ông đem cái hộp này đến nhờ em trai Epimetheus giữ.
Thấy Prometheus ưu ái, toàn tâm toàn ý chăm bẵm loài người, Zeus bực lắm. Ông vua này lập luận “chính thần thánh đã tạo ra con người” để bắt loài người phải cống nạp, tế lễ cho họ hàng các vị thần.
Prometheus – vốn thuộc loại cứng đầu, không sợ ai, đã chỉ cho đám “con cái” một mẹo: chuẩn bị hai thau đựng đồ cúng, thau thứ nhất đựng một cái bao tử bò, nhưng bên trong bao tử thì nhét những miếng thịt ngon lành. Thau thứ hai đựng đầy các khúc xương khô khốc lởm chởm, nhưng hãy dùng những miếng mỡ béo ngậy ở trên để che khuất mấy khúc xương này đi.
|
Chiếc hộp bí ẩn được Pandora mở ra. |
Chuẩn bị xong, Prometheus gọi Zeus ra, nói Zeus chọn. Đây, hai phần đồ cúng đây, ông chọn phần nào? Nếu Zeus chọn phần thứ nhất thì hàng năm loài người sẽ cúng phần thứ nhất, giữ lại phần thứ hai cho mình, và ngược lại. Zeus ham ăn, thấy phần thứ hai béo béo, đầy mỡ. Trong khi phần thứ nhất chỉ có cái bao tử, nên ông chọn phần thứ hai.
Như vậy là loài người có thịt để ăn, trong khi thần thánh chỉ được ăn mỡ và xương. Zeus tức giận, nên trả thù: ông thu hồi hết toàn bộ lửa của cõi trần. Không có lửa, dân chúng chỉ còn biết chờ chết. Prometheus thấy tội cho đàn con, nên ông lén lấy một cái ống rỗng, chọc vào đống lửa mà Zeus giấu trên Olympia, sau khi cái ống bốc cháy thì ông đem nó xuống trần thế và mang lại lửa cho loài người (một số bản dịch thì dịch rằng Prometheus dùng một thân cây thì là khổng lồ để lấy lửa).
Thấy Prometheus liên tục chơi xỏ mình, Zeus tức quá liền ra lệnh cho thần rèn què Hephaestus đúc gông cùm và trói Prometheus trên một ngọn núi ở vùng Scythia. Nhưng thần thọt này vốn yếu, hai chân đứng còn không vững nên Zeus kêu thần Cratos (sức mạnh) và thần Bia (sức lực) hỗ trợ thần rèn để xích Prometheus (Cratos và Bia cũng là em trai của thần Nike – thần chiến thắng).
Mỗi ngày, Zeus phái con đại bàng sà xuống moi gan Prometheus. Vì Prometheus là thần bất tử, nên ông không chết, gan của ông tự mọc lại sau khi bị đại bàng ăn sống. Vụ tra tấn này cứ thế tiếp diễn trong nhiều năm liền.
May mắn thay, ông nhìn thấy được tương lai và ngày đẹp trời nọ, ông hô rằng: một trong những đứa con của Zeus sẽ mạnh hơn Zeus, và sẽ lật đổ ông. Zeus nghe thấy lời tiên tri, sợ quá, liền phái sứ giả Hermes xuống tra khảo: Ai? Ai sẽ lật đổ ta? Nhưng Prometheus nín thin, không nói năng gì.
Biết rằng mình phải thả Prometheus ra thì ông ấy mới khai, nhưng Zeus lỡ hứa sẽ trừng trị ông vĩnh viễn rồi, giờ không thể làm trái quy tắc. Ông sai Hermes nhắn với đứa con Hercules bắn chết con đại bàng để cứu Prometheus và dặn đừng nói cho người nào biết rằng chính Zeus đã hạ lệnh.
Hermes gật đầu, đi tìm Hercules để truyền chỉ. Vị thần sức mạnh giết đại bàng rồi gỡ cùm thả Prometheus tự do. Các vị thần của Olympia lại nghĩ rằng Hercules là chủ mưu nên nhắm mắt bỏ qua, theo họ thì Hercules sớm muộn gì cũng sẽ chết và xí xóa tội lỗi của Prometheus.
Vui vẻ rồi, Prometheus khai: đứa con của Metis sẽ mạnh hơn Zeus. Thế là ông nuốt chửng thần Metis này. Cũng vì thế nên thần thông thái Athena chào đời bằng cách chui từ đầu Zeus ra.
Truyền thuyết về chiếc hộp Pandora
Pandora là một lời nguyền về nhân loại như là quả báo sau khi Prometheus lấy trộm lửa và đưa nó cho con người.
Theo truyền thuyết, Zeus đã nhờ Hephaetus dùng đất sét để nặn ra một giống người khác, có ngực có eo (thế là đàn bà chào đời). Zeus đặt tên nàng mới này là Pandora, và dĩ nhiên, nàng nhìn tuyệt đẹp. Ông còn kêu con gái cưng Athena tới để ban cho nàng một trí tuệ vừa ưu việt vừa… xảo trá. Nhà thơ Hesiod còn nói thêm rằng, chính vì đàn bà xuất hiện mà trần thế bắt đầu loạn hết cả lên.
Thần Hermes làm Pandora đáng yêu như một nữ thần kèm theo món quà của vị thần này là những lời nói dối. Athena mặc quần áo màu bạc và dạy cô dệt. Hephaestus thì trao vương miện cho cô với một con thú bằng vàng và động vật biển tuyệt vời. Thần Aphrodite trút bỏ ân sủng để đem lại những điều tuyệt vời nhất cho cô. Pandora là người phụ nữ đầu tiên, cô dâu đầu tiên. Tên của cô ấy có nghĩa là "cô ấy tặng tất cả quà tặng" và "cô ấy được tặng tất cả quà tặng".
Zeus gửi Pandora cho Hermes và kêu người con sứ giả đem trao nàng cho Epimetheus, em trai của Prometheus. Ai cũng biết, Prometheus có tài tiên tri, nên đã dặn em mình: “Không được nhận bất cứ món gì Zeus tặng”. Nhưng Pandora đẹp quá, lại thông minh, nên Epimetheus quên mất lời dặn, đem Pandora về nhà và cưới nàng làm vợ.
Chuyện gì đến cũng phải đến, Pandora tìm thấy chiếc hộp mà Prometheus nhờ người em giấu kỹ. Epimetheus dặn vợ “Tuyện đối không được mở ra”. Nhưng điều này khiến nàng tò mò hơn gấp bội .Thế là nàng lén chồng nhấc nắp hộp lên để nghía xem bên trong có gì. Ôi thôi, mọi điều xấu xa, độc ác trong đó thoát ra.
Từ đó, con người mới có những đức tính xấu như lòng tham, sự đố kỵ, giả dối, phản bội,.. Chúng ta hận thù, tranh giành và chém giết lẫn nhau, tạo ra những cuốc chiến tranh cũng là do chiếc hộp Pandora gây ra.
Tuy vậy, người ta nói rằng, vẫn còn một điều tốt đẹp hiếm hoi sót lại trong chiếc hộp của Pandora, đó là “Niềm hy vọng”. Nhờ có hy vọng, con người mới có thể đứng vững và vượt qua mọi thử thách, khó khăn của cuộc đời.
Về sau, cụm từ “Chiếc hộp Pandora” cũng là để ám chỉ một hành động nhỏ bé nhưng có thể gây ra tác hại rất lớn, hay chỉ những thứ hấp dẫn con người ta nhưng ẩn chứa những điều không tốt lành bên trong.