(PLO) - Trong không khí tràn ngập sắc xuân Bính Thân, vị tướng già Nguyễn Văn Ninh trải lòng về biển đảo quê hương, về những sắt son sống chết cùng biển đảo của bộ đội và về những cái tết giản dị mà ấm cúng ngoài đảo xa sau ngày thống nhất đất nước năm 1975.
Biển Đông thương nhớ đất Thăng Long
Trong cái lạnh mùa đông, dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm và vừa trải qua trận ốm nhưng khi nói về kỷ niệm những ngày ở Trường Sa, vị Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam như trẻ lại khi kể về những câu chuyện như mới diễn ra hôm qua…
Tháng 4/1976, Trung tá Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng Quân chủng (Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu) khi đó bước vào tuổi 46, cùng đoàn công tác lần lượt đi 5 đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa là Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn – những đảo ta tiếp quản trong ngày giải phóng đất nước.
Tướng Ninh nhớ lại, thời đó, đời sống bộ đội rất khổ, thức ăn chỉ là đồ hộp, cá biển, các loại chim và trứng chim. Nước ngọt thì hiếm vô cùng, bộ đội phải chia nhau từng ca nước rửa mặt rồi hứng lại để tưới rau. Bởi vậy, khi một chiến sỹ vô tình làm rơi cốc nước, chỉ huy đảo định mang ra kỷ luật, ông phải xin mãi mới xuống mức “rút kinh nghiệm”.
Kế đến là thiếu rau, chỉ có nhiều sâm đất có thể nấu canh. “Chúng tôi đưa được ít chanh từ đất liền ra, anh em cầm ăn cả quả ngon lành, lãnh đạo cấp cao thấy thương quá” – ông Ninh hồi tưởng. Tuy nhiên, mọi khó khăn đều không ngăn được sức trai và tình yêu Tổ quốc, các chiến sỹ hăng say luyện tập, bố trí lực lượng, quyết tâm giữ gìn biển đảo, động viên nhau sống đoàn kết, yêu thương hơn cả ruột thịt.
Đoàn của ông ra thăm và làm việc cùng anh em bàn cách đánh địch, giữ từng đảo một. Quân ta đóng ở đảo thường chỉ có trung đội, nhiều nhất là đại đội thì kể cả ăn tết vẫn phải luôn sẵn sàng chiến đấu, giữ cho bằng được lá cờ đỏ sao vàng hoặc cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam cắm trên cột mốc chủ quyền không bị cướp đi, không bị phai màu, không bị tả tơi vì sóng gió.
Trong một lần đứng trước ngọn đèn biển trên đảo Tiên Nữ, cảm xúc dâng trào, ông cất giọng đọc phỏng theo câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ: Từ độ ra đây xây đèn biển/ Biển Đông thương nhớ đất Thăng Long.
Quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo
Vị tướng già kể tiếp, những năm đầu gian khổ đó, ta dần dần đóng quân thêm trên những đảo xa hơn như An Bang, rồi những đảo nửa nổi, nửa chìm như Đá Đông, Tiên Nữ, Thuyền Chài… Có những năm, đoàn của ông do Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương phụ trách ra khảo sát làm nhà lô cốt, đưa đá từ trong bờ ra tìm chỗ cao nhất, thuận lợi nhất đắp chân cao 7 – 8 thước làm nhà cho anh em ở.
Đến năm 1988 ta đóng được quân trên 21 đảo với 33 điểm của quần đảo Trường Sa, sau này người dân cũng ra sinh sống. Đi về thềm lục địa phía Nam Việt Nam theo chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, ta xây dựng các trạm dịch vụ kinh tế kỹ thuật khoa học (gọi là nhà giàn DK-1) trên các bãi đá ngầm, chỗ nông thì 7 – 8m, sâu lên tới 15m như Tư Chính, Ba Kè, Huyền Trân…, tổng cộng được 14 nhà giàn.
Ngày đó, những gian khổ nói trên không thấm vào đâu so với đời sống của anh em ở nhà giàn DK-1. Các thuyền ra biển có lúc gặp sóng to không cập bến được, đành nói chuyện bằng micro. Quà cáp chuyển cho anh em phải ròng dây, nước mênh mông bể cả khiến ai nấy đều khóc, nhất là chị em phụ nữ như các má, các cô văn công. Xung quanh là biển nên mỗi khi sóng to gió lớn thì nhà rung lên. Có người biết trước mình có thể ra đi do nhà giàn đổ vẫn khảng khái: “Chào đất liền, chúng tôi đi đây”. “Những hy sinh, mất mát buồn không tả xiết nhưng rất đỗi tự hào” – Tướng Ninh xúc động.
Đau xót nhất là ngày 14/3/1988, Trung Quốc bất ngờ đánh bãi đá ngầm Gạc Ma mà ta đã đóng từ trước. Ta khi ấy có 3 tàu vận tải chủ yếu làm nhiệm vụ vận chuyển cho xây dựng đảo, trong khi kẻ thù với một lực lượng hùng hậu. Thiếu úy Trần Văn Phương, người Quảng Bình, quyết giữ vững cờ Tổ quốc liền bị kẻ thù dùng lưỡi lê sát hại. Trong trận đánh này, 64 đồng chí của ta hy sinh, 9 đồng chí bị địch bắt và mấy năm sau mới được trả về qua biên giới Lạng Sơn.
Ông Ninh lại lên đường ra đảo, cùng anh em nghiên cứu cách đánh để giữ 7 đảo đá ngầm. Toàn bộ khu vực phía Nam ta vẫn làm chủ theo đúng lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng, bộ đội Hải quân phải làm chủ được vùng biển đảo của Tổ quốc. Đó còn là làm theo lời dạy của Bác Hồ khi về thăm Quân chủng Hải quân năm 1961: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có trời, có biển. Bờ biển của ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ lấy nó”.
Linh thiêng tiếng chuông chùa giữa biển khơi
Không được ăn tết ngoài đảo nhiều nhưng Tướng Ninh nhận xét, tết ở đảo không khác mấy ngày thường. Có điều tết đến, anh em mong ngóng lá thư nhà từ đất liền (ngày ấy phải mất 3 - 4 tháng mới ra đến nơi) cũng như mong được tiếp tế chút ít gạo nếp, đồ tươi, hoa quả, bí xanh để có thể để dành được lâu.
Anh em tổ chức trang trí bàn thờ Tổ quốc, đặt ảnh Bác Hồ nơi trang trọng nhất, làm hoa đào, hoa mai với tấm lòng hướng về đất liền. Đôi mắt vị tướng già ánh lên niềm vui khi nhớ lại những lá thư từ đất liền, dù của cha mẹ, vợ con hay người yêu của ai cũng được cả đơn vị chuyền tay nhau đọc.
Trong buổi trò chuyện, ông tâm sự vẫn thấy thiếu hụt tinh thần khi gần 30 năm gắn bó với biển đảo song chưa bao giờ ông được trực tiếp nghe tiếng chuông chùa ở Trường Sa. “Tiếng chuông chùa ngân vang giữa biển trời mênh mông, vào thời điểm giao thừa chắc càng linh thiêng hơn” – ông tự nhủ.