Cỗ tết của người La Chí có món đặc sản là bánh chưng đen, cách làm không khác nhiều so với bánh chưng của người Kinh, gồm nhân đỗ xanh và thịt, gói bằng lá dong, chỉ khác là gạo nếp của họ có trộn than gio, đó là một loại cây rừng có hương vị rất thơm, thanh mát và giữ được lâu ngày.
Công việc gói bánh chưng thường diễn ra trước Tết khoảng hai đến ba ngày và chỉ có con dâu, con gái trong nhà mới được cùng mẹ gói, luộc bánh và giữ lửa qua đêm. Do gạo nếp không ngâm nước, để khô trộn với bột than nên bánh phải luộc sau 12 giờ bánh mới chín mềm, rền, dẻo, để được lâu mà không bị thiu.
Sau khi cúng tế và ăn cỗ tại nhà, bà con đổ ra sân vận động thôn là một bãi đất rộng để chờ xem hội. Các trưởng họ lần lượt đánh chiêng trống treo ở giữa sân, người chủ tế mặc áo chủ tế nhảy múa xung quanh thực hiện bài cúng mời tổ tiên người La Chí về ăn Tết cùng dân bản.
Sau mỗi màn đánh chiêng trống của các trưởng họ, mọi người lại được mời rượu bằng sừng trâu, uống cùng tổ tiên để chứng giám cho lòng thành của con cháu.. Đây như là một nghi lễ mời rượu không thể thiếu trong lễ tế của người La Chí.
Sau khi kết thúc lễ tế, các trưởng tộc lại tập trung tại nhà già làng để tổ chức lễ cúng chung. Họ ngồi trước giỏ có miếng thịt trâu, tay cầm sừng trâu, tay cầm sợi dây treo củ gừng, những người khác cắt tiết gà để hành lễ. ân bản đổ về xem hội vui cười sảng khoái. Lễ đón năm mới cũng là lễ mừng mùa màng năm qua được no ấm, sung túc và cầu chúc cho năm mới mưa thuận gió hòa, lợn, trâu đầy gầm sàn, thóc lúa đầy bồ.