Đất “thổ cư” biến thành “đất vườn”
Di dân đến khu vực kinh tế mới Tân Phương (Từ Liêm - Hà Nội) từ năm 1986, đến năm 2010 gia đình ông Nguyễn Văn Nhàn (xã Thụy Phương) đã sử dụng tổng cộng 405 m2 đất ở thuộc thửa 27 (tờ bản đồ 27 xã Thụy Phương) cùng 605m2 “đất ao” tại thửa số 26 liền kề. Tuy gần như toàn bộ diện tích trên nằm trong chỉ giới thu hồi đất để thực hiện dự án đường vào KCN Nam Thăng Long nhưng UBND huyện Từ Liêm lại chỉ ra Quyết định thu hồi đất và bồi thường cho gia đình ông Nhàn 100m2 đất ở tại thửa số 27. Diện tích đất còn lại, UBND huyện Từ Liêm vẫn thu hồi nhưng không thực hiện bồi thường mà chỉ “hỗ trợ” theo dạng “đất vườn” và “đất nông nghiệp không giao”.
Không đồng ý với các quyết định thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ như trên, ông Nhàn đã khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ra tòa, đề nghị được bồi thường toàn bộ diện tích đất ở tại thửa số 27 theo bản đồ địa chính năm 1994 (là “đất T” - tức đất thổ cư); phần diện tích tại thửa đất số 26 phải được hỗ trợ theo giá đất vườn liền kề vì đây là diện tích khai hoang, phục hóa chứ không phải đất lấn chiếm của UBND xã.
Trong khi đó, đại diện cho Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm thì cho rằng: Các gia đình đến khu kinh tế mới Tân Phương chỉ được giao 200m2 đất ở và 160m2 đất trồng rau. Quá trình sử dụng, ông Nhàn đã chuyển nhượng đất cho người khác 100m2 đất ở nên chỉ còn 100m2 đất ở mà thôi; còn diện tích đất tại thửa đất số 26 là “do UBND xã quản lý”, không giao cho ai sử dụng….
Bản đồ, Sổ mục kê cũng chỉ là “giấy lộn”?
Đưa ra quan điểm trên nhưng trong suốt quá trình lên phương án bồi thường và khi ra tòa, phía bị kiện vẫn phải thừa nhận rằng, bản đồ địa chính năm 1994 đã thể hiện toàn bộ 405m2 đất của thửa số 27 là “loại đất T”, chủ sử dụng là ông Nhàn; giấy sử dụng đất năm 1986 của UBND TP.Hà Nội cũng thể hiện “đất để xây dựng nhà ở giãn dân”.
Thế nhưng những tài liệu địa chính hợp pháp này vẫn bị UBND huyện Từ Liêm “gạt” ra ngoài, rồi chỉ công nhận 200m2 đất thổ cư và “biến” hơn 205m2 đất thổ cư còn lại thành… “đất trồng rau”.
Ngay tại phiên tòa phúc thẩm, quan điểm của bên bị kiện đã bị Kiểm sát viên (KSV) phản bác vì hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện năm 1986 gia đình ông Nhàn chỉ được giao 200m2 đất ở và 160m2 đất vườn.
Năm 1994, đất thổ cư của ông Nhàn đã được đo đạc, vào sổ mục kê với thửa số 27, diện tích 405m2. Như vậy thì gia đình ông Nhàn đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 49, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (tức là đủ điều kiện được bồi thường) vì đã sử dụng ổn định trước năm 1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch…
Việc Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm từ chối bồi thường cho chủ sử dụng thửa đất ao số 26 cũng bị đại diện VKS cho là thiếu căn cứ vì tài liệu hồ sơ địa chính của xã không ghi rõ thời điểm sử dụng diện tích đất này của gia đình ông Nhàn, cũng không thể hiện sự quản lý diện tích đất này của UBND xã.
Trong khi đó, hồ sơ hiện có các biên lai nộp thuế đất của gia đình ông Nhàn từ năm 2003 đến năm 2011 (bao gồm cả diện tích đất thửa 26). Đồng thời, ông Nhàn còn cho hay, 605m2 đất tại thửa số 26 là đất khai hoang, gia đình ông đã quản lý, sử dụng từ năm 1986. Gia đình không hề nhận được bất kỳ văn bản, quyết định nào của cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương về việc xử lý diện tích đất này.
Vì những lý do trên, đại diện VKSND TP.Hà Nội đã đề nghị Tòa chấp nhận kháng cáo của ông Nhàn để hủy án sơ thẩm (án có nội dung bác bỏ yêu cầu khởi kiện của ông Nhàn). Rất tiếc, HĐXX phúc thẩm đã có phán quyết đi ngược lại với đề nghị trên mà không hề lý giải rõ việc tại sao bác bỏ ý kiến của KSV hoặc tại sao lại phủ nhận tính pháp lý của tờ bản đồ, Sổ mục kê năm 1994.
Với phán quyết “trái chiều” này thì rất có thể tới đây, VKSND TP.Hà Nội sẽ phải tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình bằng việc đề nghị cấp trên xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ kiện.
“Bản tự kê khai” bị giả mạo?
Trong đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ kiện, ông Nhàn cho rằng: UBND huyện Từ Liêm đã vi phạm trình tự, thủ tục thu hồi đất khi không phát tờ kê khai cho các hộ; không điều tra nhân khẩu, hộ khẩu; không dựa vào tài liệu địa chính hợp pháp… Sai sót này dẫn đến việc UBND huyện Từ Liêm chỉ thực hiện thủ tục thu hồi đất, đền bù cho duy nhất hộ ông Nhàn trong khi ở vị trí này có ba hộ gia đình (có hộ khẩu riêng) quản lý, sử dụng nhà, đất riêng biệt; đền bù thiếu đất tái định cư, thiếu diện tích và không đúng nguồn gốc đất… Đặc biệt, bản án sơ thẩm còn dẫn ra “bản tự kê khai ngày 19/1/2010 của gia đình ông Nhàn” nhưng văn bản này đã bị ông Nhàn “tố” là tài liệu giả mạo, không có thật.