Việt Nam chỉ có 3 chương trình đi lao động Hàn Quốc

(PLO) - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) vừa đưa ra một số khuyến cáo để người lao động tránh được việc bị lừa đảo khi đi làm việc tại Hàn Quốc.
Ảnh minh họa.
Cảnh giác trước những lời mời, hứa hẹn

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian gần đây một số đối tượng cò mồi, môi giới đã lợi dụng sự cả tin của những người lao động (NLĐ) không hiểu biết về các chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc để lừa đảo, thu tiền bất chính.

Những đối tượng này thường đưa ra những thông tin không chính xác, hứa hẹn có thể giúp đỡ người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc qua những kênh khác nhau, thậm chí, có đối tượng đã giả mạo hợp đồng, con dấu và chữ ký của lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) để lừa đảo số tiền lớn của NLĐ.

Để tránh việc bị lừa đảo và mất tiền cho những đối tượng nêu trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) khuyến cáo NLĐ tìm hiểu về các thông tin, chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc hiện nay qua các website của Cục (http://www.dolab.gov.vn) và Trung tâm Lao động ngoài nước (http://colab.gov.vn).

“Cảnh giác trước tất cả những thông tin, lời mời, hứa hẹn giúp đỡ đi làm việc tại Hàn Quốc và liên hệ các cơ quan chức năng để kiểm chứng những thông tin nhận được” – Cục Quản lý lao động ngoài nước nêu rõ. 

NLĐ cần tố giác với cơ quan chức năng (Công an, Sở LĐTB&XH nơi cư trú, Cục Quản lý lao động ngoài nước...) để phối hợp xử lý khi phát hiện những trường hợp lừa đảo NLĐ.
3 kênh chính thức đi làm việc tại Hàn Quốc

Hiện nay, NLĐ có thể đi làm việc tại Hàn Quốc thông qua 3 kênh chính thức. Thứ nhất, lao động đi theo Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS). Bộ LĐ-TB&XH giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, hiện nay do phía Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ bình thường với Việt Nam nên NLĐ mới không thể tham gia chương trình này.

Đối với NLĐ đã có hồ sơ dự tuyển trên mạng và đang chờ được doanh nghiệp sử dụng Hàn Quốc lựa chọn theo Chương trình EPS, NLĐ chỉ có thể sang làm việc tại Hàn Quốc khi có doanh nghiệp sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng.

Khi có những thông tin về tình trạng hồ sơ của mình như được chọn, nộp tiền, xuất cảnh hoặc những lời mời, hứa hẹn giúp đỡ cho được chọn và xuất cảnh nhanh cần liên hệ với Trung tâm Lao động ngoài nước để kiểm tra và xác thực những thông tin nhận được.

Thứ hai, chương trình đưa lao động sang làm thuyền viên tàu cá gần bờ và xa bờ Hàn Quốc. NLĐ có nguyện vọng đi làm việc theo chương trình này phải đăng ký tại một số doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng đưa lao động đi làm thuyền viên Hàn Quốc đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện. Danh sách những doanh nghiệp được phép thực hiện được đăng tải công khai trên trang điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (http://www.dolab.gov.vn).

NLĐ đăng ký tham gia chương trình phải đáp ứng các điều kiện cơ bản: Tuổi từ 20 đến 40; là người sinh sống tại địa phương ven biển và có kinh nghiệm, khả năng đánh bắt thủy hải sản; đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận NLĐ;  không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam và cấm nhập cảnh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận NLĐ.

Thứ ba, chương trình đưa lao động trình độ cao sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình thẻ vàng (visa E7). NLĐ có nguyện vọng đi làm việc theo chương trình này phải đăng ký tại một số doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng đưa lao động đi làm thuyền viên Hàn Quốc đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện.

Danh sách những doanh nghiệp được phép thực hiện trên trang điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước. NLĐ phải đáp ứng một số điều kiện cơ bản để đăng ký tham gia chương trình: Có trình độ tương đương hoặc cao hơn cử nhân trong lĩnh vực có liên quan; có thời gian làm việc trên 2 năm trong lĩnh vực chuyên môn yêu cầu; trình độ tiếng Hàn (hoặc tiếng Anh) đáp ứng yêu cầu bên tuyển dụng; đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận NLĐ; không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam và cấm nhập cảnh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận NLĐ.

Đọc thêm