Việt Nam có nhiều lợi thế “hút” vốn đầu tư từ châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Doanh nghiệp châu Âu đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư để đa dạng hóa thị trường, trong đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn với việc ký 15 hiệp định thương mại tự do.
Việt Nam có nhiều lợi thế “hút” đầu tư từ châu Âu.
Việt Nam có nhiều lợi thế “hút” đầu tư từ châu Âu.

Đầu tư từ châu Âu tăng mạnh

Châu Âu (EU) đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD (lũy kế đến tháng 8 năm 2022). Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 104 dự án cấp mới.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đánh giá, tình hình thu hút đầu tư diễn biến tương đối tích cực. Các số liệu đều cho thấy đầu tư đăng ký mới từ khu vực EU vào thị trường Việt Nam cũng đã có sự gia tăng đáng kể trong thời gian vừa qua. Sự gia tăng này thể hiện không phải chỉ ở tổng số vốn mà còn thể hiện được quy mô trung bình của các dự án.

“Chúng ta có những thống kê cho thấy là quy mô vốn trung bình của các dự án đăng ký mới từ EU đã có xu hướng tăng trong những năm trở lại đây và khoảng trên dưới 12 triệu đô/dự án là mức cao hơn so với bình quân chung và so với giai đoạn trước khi có hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU” - ông Dương nói.

Đáng chú ý, nguồn vốn bổ sung từ phía EU không phải chỉ từ vốn đầu tư mà nó còn có hỗ trợ từ kênh Chính phủ với Chính phủ, tức là Liên minh Châu Âu và các Chính phủ của các nước thành viên EU cũng đã có những hỗ trợ kỹ thuật, nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực đáp ứng được những tiêu chuẩn cả về thương mại, đầu tư mà phía EU cần.

Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại (CN&TM) Đức tại Việt Nam cho biết, kể từ ngày 15/3/2022 - thời điểm Phòng CN&TM Đức chính thức mở cửa tại Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư lớn của Đức sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tính đến nay đã có 12 dự án lớn, nhỏ đã xin cấp phép ở tại Việt Nam.

Ông Đỗ Hữu Hưng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, việc tận dụng nguồn đầu tư từ EU chính là cách tốt nhất để Việt Nam sản xuất các loại hàng hóa phù hợp và đáp ứng các tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn xanh của EU.

“Các đối tác của chúng ta tại Pháp, các bạn hàng tại Pháp luôn chia sẻ với chúng tôi là xu hướng tiêu dùng tại Pháp hiện nay đang quan tâm đến các sản phẩm xanh, các sản phẩm bảo vệ môi trường và các sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với các DN của Việt Nam thì để tìm ra được một DN đạt được các tiêu chuẩn về hữu cơ, về bảo vệ môi trường là rất khó.

Chính vì vậy, các DN Việt có thể tận dụng nguồn đầu tư của EU, tận dụng nguồn máy móc, nguồn nguyên liệu và công nghệ từ EU để từ đó chúng ta thay đổi được phương thức sản xuất, tạo ra được hàng hóa có chất lượng tốt hơn, bảo vệ môi trường hơn, phù hợp với xu hướng của tiêu dùng” - ông Hưng chia sẻ.

Nhà đầu tư EU chuyển hướng sang Đông Nam Á

Theo ông Nguyễn Anh Dương, hiện châu Âu đang đa dạng hóa các địa điểm đầu tư do những nguyên nhân liên quan đến xung đột địa chính trị, rủi ro liên quan đến vấn đề về nhân quyền. Việc không phụ thuộc quá mức vào một số địa điểm đầu tư nào đó đã được các cấp ở EU, kể từ Chính phủ cũng như DN tính đến. Do đó, hiện nhà đầu tư từ EU đang có sự chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

“Đây là một xu hướng lớn” - ông Dương khẳng định. Đồng thời cho rằng, khi DN EU tìm đến một địa điểm đầu tư mới thì các thị trường có nhiều mạng lưới các hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác nhau sẽ là một điểm cộng để nhà đầu tư EU “cập bến” vì ở đấy họ có thể tận dụng các ưu đãi như ưu đãi thuế, ưu đãi về quy tắc xuất xứ..

Bà Đào Thu Trang cũng cho biết, DN Đức mong muốn xây dựng đầu tư lâu dài, bền vững tại thị trường Việt Nam. “Chúng tôi không muốn xây dựng những vương quốc đầu tư dành cho riêng mình mà các nhà đầu tư Đức luôn luôn mong muốn hợp tác với các DN địa phương, đẩy mạnh hàm lượng nội địa hóa trong các sản phẩm của họ được sản xuất tại Việt Nam lên đến 30% chứ không dừng lại ở tỉ lệ 4 - 5%” - bà Trang chia sẻ.

Do đó, các DN của Đức luôn luôn sẵn sàng hợp tác để có thể trao đổi công nghệ, kết hợp đào tạo với nguồn nhân lực trong nước giúp DN Việt có tay nghề theo tiêu chuẩn của Cộng hòa Liên bang Đức, giúp cho DN của Việt Nam có thể đẩy mạnh được sản xuất, đẩy mạnh được quá trình hiện đại hóa và áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn của Đức. Từ đó có thể đẩy mạnh được tính cạnh tranh và dần dần lớn mạnh, bền vững bằng chính nội lực của mình.

Hiện, doanh nghiệp Đức mong muốn đầu tư những ngành sản xuất liên quan đến công nghệ cao, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, IT, phát triển phần mềm, ngành thực phẩm, chế biến đồ uống, điện tử và đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

Đọc thêm