Việt Nam đang để phí 6.200 MW điện gió

(PLO) - Phát triển nóng thủy điện nhỏ ồ ạt trong thời gian qua gây ra những thiệt hại nặng nề, thảm khốc về người và của, hàng nghìn tỷ đã bị trôi theo dòng nước. Trước tình hình này, việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế, trong đó có nguồn năng lượng gió cần được quan tâm xứng tầm.
Việt Nam đang để phí 6.200 MW điện gió
Trong chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có một khảo sát chi tiết về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 
Theo nghiên cứu, trong bốn nước được khảo sát thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong khi Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ “tốt” đến “rất tốt” để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn thì diện tích này ở Campuchia là 0,2%, ở Lào là 2,9%, và ở Thái Lan cũng chỉ là 0,2%. 
Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW, tức là bằng hơn 200 lần công suất của Thủy điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành Điện vào năm 2020.
Ở Việt Nam, các khu vực có thể phát triển năng lượng gió không trải đều trên toàn bộ lãnh thổ. Với ảnh hưởng của gió mùa thì chế độ gió cũng khác nhau. Nếu ở phía bắc đèo Hải Vân thì mùa gió mạnh chủ yếu trùng với mùa gió đông bắc, trong đó các khu vực giàu tiềm năng nhất là Quảng Ninh, Quảng Bình và Quảng Trị. 
Ở phía nam đèo Hải Vân, các vùng tiềm năng nhất thuộc cao nguyên Tây Nguyên, các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, và đặc biệt là khu vực ven biển của hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.
Theo nghiên cứu của WB, trên lãnh thổ Việt Nam, hai vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió là Sơn Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60-100m phía tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận).
Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Công Thương) cho biết: Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển năng lượng tái tạo chiếm 9,4% tổng công suất điện cả nước. 
Trong đó, điện gió đạt 6.200 MW; điện sản xuất từ chất rắn 2.000 MW, các loại năng lượng khác như điện sản xuất từ rác thải sinh hoạt, khí sinh học...  đạt khoảng 6.000 MW. 
Hiện đã có 10 tỉnh của Việt Nam xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng điện gió. Nhưng những thách thức trong phát triển năng lượng gió, đó là lãi suất vốn vay, đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực quản lý, cán bộ có chuyên môn để phục vụ phát triển ngành này...                                  

Đọc thêm