Việt Nam trong ký ức (Kỳ 3): “Chém treo ngành” qua ngòi bút bác sĩ Hocquard

(PLVN) - Tử hình là một trong những hình phạt thời phong kiến. Từ đó đã ra đời những người “thi hành án” đặc biệt…
(ảnh tư liệu).

“Trời nổi cơn lốc/ Cảnh càng u sầu/ Tiếng loa vừa dậy/ Hồi chiêng mớm mau/ Ta hoa thanh quất/ Cỏ xanh đổi màu/ Sống không thù nhau/ Chết không oán nhau/ Thừa chịu lệnh cả/ Dám nghĩ thế nào/ Người ngồi cho vững/ Cho ngọt nhát đao/ Hỡi hồn!/ Hỡi quỷ không đầu!”

Người ở trên mặt thành hát đến đâu thì tiếng những thân cây chuối đổ xuống mặt đất tường thành lại kêu roạt roạt đến đấy. (…) Cái bài hát năm mươi tư chữ nghe như bài sai của thầy phù thủy, đã hát đi hát lại đến mấy lần. Cứ xong mỗi câu thì lại có một tiếng roạt. Chỉ có cây chuối bị chặt mạnh mình lìa hẳn gốc, đổ vật xuống mặt đất thì mới kêu roạt roạt như vậy thôi…

Đó là trích đoạn trong tác phẩm “Chém treo ngành” thuộc tập Vang bóng một thời của Nhà văn Nguyễn Tuân. Có thể nói Chém treo ngành gây ấn tượng sâu sắc về luật tử hình dưới chế độ phong kiến.

***

Trước Nguyễn Tuân, bác sĩ người Pháp Hocquard cũng đã ghi lại khá chân thực những điều mắt thấy tai nghe về khung cảnh xử tử hình một tội nhân tại Nam Định (trích Một Chiến dịch ở Bắc Kỳ, Nxb Văn học 2020):

“Một hôm, sau buổi khám bệnh sáng, Ngô Đại và tôi ra khỏi thành tới khu phố An Nam mua sắm vài thứ. Tới một con phố nhỏ hẹp, chúng tôi phải dừng lại vì vướng một đoàn người khác thường: đi đầu là một người bản xứ vác một bao đỏ đựng một bó roi, tiếp đến là một người trạc ba mươi tuổi đeo một cái gông gỗ tươi, hai đầu có hai người lính đỡ, theo sau là một tên đao phủ vác một thanh đao trần rộng bản sáng lóa dưới ánh mặt trời.

Cuối cùng là một ông quan già có hai tên lính cầm lọng che hai bên. Mỗi lề đường có một hàng lính mang giáo dài ngăn đám người mỗi lúc một đông bám theo cách một quãng, nét mặt ai cũng nghiêm nghị và buồn, trái với vẻ tươi cười thường thấy ở người An Nam.

Ngô Đại bảo tôi: “Đây là một tên giặc bị đem đi hành hình. Hắn bị quân lính của ông tổng đốc bắt với vũ khí trong tay khi đang cùng đồng đảng cướp bóc một làng quanh đây, đã bị xử án cách đây hai tháng, bản án đã được chuẩn y và hắn sắp phải đền tội. Cái nhóm mấy người đi sau quân lính kia là thân nhân của hắn đến để chứng kiến cuộc hành hình và mang xác hắn về chôn cất. Chỉ mười lăm phút nữa là tên tội phạm mất đầu. Nơi ấy ở ngoại thành cách đây chỉ mấy bước chân”.

Chúng tôi đi theo từ xa đám diễu hành tang tóc chậm chạp di chuyển trên con phố hẹp. Người qua lại bên đường đều ngả nón vĩnh biệt kẻ sắp lìa đời. Hắn thì cứ lặng lẽ bước, mắt nhìn xuống đất, hai cổ tay bị trói quặt sau lưng bằng một sợi mây, trán rộng, nước da hơi sạm, hai bàn tay được chăm chút, móng dài chứng tỏ hắn không thuộc tầng lớp hạ đẳng. (Thời xưa chỉ từng lớp có học – nho sĩ mới để móng tay dài – NV).

Bỏ lại những căn nhà cuối cùng của thành phố, bọn lính đi vào giữa cánh đồng trên con đường nằm giữa những ruộng lúa. Chẳng mấy chốc họ dừng trước lối vào một bãi hoang cỏ mọc rậm rạp và thấp. Đó là pháp trường.

***

Lính tráng dùng cán giáo xua đám người hiếu kỳ ra xa và kết thành một vòng tròn rộng quanh bãi, ngăn không cho ai tới gần, chỉ để những người tham gia cuộc hành hình đi vào. Nhờ một món lót tay khéo tuồn, bọn tôi cũng được vào và đứng cách tội nhân khoảng mười bước chân.

Lúc này hắn đã được tháo gông, đứng thẳng, vẻ mặt bình thản, mắt vẫn nhìn xuống. Người thân của hắn tụ lại với nhau giữa đường, giận dữ nhìn mọi sự sửa soạn, không một tiếng kêu gào, một cử động, một giọt nước mắt, mặc dù trong nhóm có đàn bà và hai đứa trẻ chắc là con hắn đến để chứng kiến cái chết của cha chúng.

Dưới đất đã cắm một cọc tre mảnh mai không cao quá tám mươi centimet. Ông quan che lọng ra một lệnh ngắn tội nhân phải quỳ xuống trước cái cọc, dây trói cổ tay bị buộc vào đó. Cái cọc không mấy chắc chắn, vùng vẫy nhẹ chắc nhổ lên được, nhưng tên giặc không hề động đậy.

Chiếc quan tài để chức xác hắn đã đặt dưới đất cách hắn mấy bước, giá hắn liếc mắt sang bên cạnh là thấy cái hòm bi thảm đã mở toang ấy.

Đao phủ cầm đao bước tới, nhanh tay cởi chiếc áo dài của tội nhân, gập cổ áo xuống, lột áo ra phía sau để vai và mình phơi trần ra, vén mở tóc dài lên đỉnh đầu để khỏi xõa xuống cổ. Người đàn ông để mặc kẻ kia làm gì thì làm, không chút phản kháng. Tim tôi thắt lại khi thấy anh ta ngoan ngoãn theo sự sắp đặt lặng lẽ, chậm rãi bằng hai bàn tay của tên đao phủ để nhận nhát chém của hắn chẳng khác gì một nhà điêu khắc uốn nắn tạo dáng cho người mẫu, bắt anh ta cúi đầu, ưỡn ngực, giạng hai đầu gối.

Đức trước khung cảnh này, Hocquard vốn là bác sĩ, chẳng e dè gì trước máu me nhưng đã cảm thán: “Tôi không phải là người đa cảm và đã từng trải qua những xúc động đau đớn, nhưng phải nói rằng chưa bao giờ thần kinh của tôi căng thẳng đến thế trước sự chuẩn bị dài tưởng như vô tận mà tội nhân cũng tham gia, dường như anh ta chẳng biết nó sẽ dẫn tới đâu.

Đao phủ xắn ống quần rộng lên tới đầu gối cho khỏi vướng, nhổ một bãi quết trầu đỏ quạch vào lòng bàn tay, dúng một ngón tay vào đó, bôi vào cổ nạn nhân để đánh dấu nhát chém. Tới đó, viên quan ra hiệu. Hai bàn tay đao phủ nắm lấy chuôi dao, lưỡi dao rộng bản vạch một nửa vòng tròn lóe sáng trong không khí (…)

Trong khi đao phủ chùi lưỡi đao vào cỏ thì một tên lính cắm xuống đất một biển nhỏ ghi bản án bằng chữ Hán rồi nắm mớ tóc xách đầu tội nhân lên bỏ vào một cái thúng tròn to. Bản án đã ghi rằng cái đầu này phải được treo trên một cành cây ở đầu làng bị bọn giặc cướp và đốt phá để làm gương cho những kẻ khác.

Sau khi quân lính đi khỏi, gia đình người chết đến nhặt xác anh ta bị bỏ lại trên mặt đất chỗ anh ta gục xuống.

Có thể nói, vụ xử tử hình đã gây một xúc động mạnh nơi vị bác sĩ như ông chia sẻ “Cái cảnh vừa chứng kiến khiến tôi nhìn nhận người An Nam khác hẳn những gì tôi đã nghĩ về họ từ trước cho tới hôm nay. Những con người có thể tiếp nhận cái chết bình thản dường ấy, có thể nói là bình thản phi thường, không thể coi là hèn nhát được”.

Hocquar đã có một “ý muốn điên rồ” là mua thanh đao vừa xử chém tội nhân để nhớ về sự xúc động nó đã gây ra. Thanh đao dài chuôi thẳng, tận cùng là một vòng khuyên, quấy dây để không tượt khỏi tay. Lưỡi đao gần mũi là chỗ rộng nhất đo được tám xentimét, gần như không được mài sắc, nhưng rất nặng, có thể vì thế mà chém được…

Bộ luật Gia Long, tên gọi chính thức là “Hoàng Việt luật lệ”, ngoài ra, còn được gọi với tên khác như “Hoàng triều luật lệ”, “Quốc triều điều luật". Bộ luật do Tổng tài Nguyễn Văn Thành chủ trì việc biên soạn từ năm 1811 theo chỉ dụ của vua Gia Long và được ban hành năm 1815.

“Tội tử” là hình phạt tử hình, giết chết. Tại Điều 1 Luật Gia Long chỉ ghi tội tử gồm có 2 bậc chính là: giảo (thắt cổ) và trảm (chém đầu). Trảm được xem là nặng hơn giảo vì đối với hình phạt trảm thì thân và đầu của tội nhân bị cách biệt, còn đối với hình phạt giảo thì chỉ có việc chấm dứt về sự sống mà thân thể của phạm nhân thì được toàn vẹn.

Đọc thêm