Vương Ngữ Yên tựa tiên nữ giáng trần
Nếu chỉ xét về diện mạo, có lẽ chẳng ai có thể so sánh được với Vương Ngữ Yên trong tiểu thuyết “Thiên long bát bộ”. Nàng được miêu tả với vẻ đẹp thoát tục, tựa như tiên nữ xuống trần và thậm chí, sau này khi nói về Vương Ngữ Yên, nhiều người vẫn quen gọi bằng cái ngoại hiệu “Thần tiên tỉ tỉ”. Kim Dung không để Vương Ngữ Yên xuất hiện ngay từ đầu, miêu tả gián tiếp về nàng qua vẻ đẹp thoát tục của bức tượng mà tiểu vương tử Đoàn Dự vô tình bắt gặp khi rơi xuống vực sâu.
Đó là bức tượng cô gái to bằng người thật với đôi mắt trong sáng, thần thái linh hoạt. Vẻ đẹp của bức tượng, hay chính là vẻ đẹp của cô gái đã thể hiện rõ qua sự mê đắm của Đoàn Dự khi thấy bức tượng, khiến chàng ngẩn ngơ, không thể rời xa đôi mắt và phải thốt lên rằng: “Thần tiên tỉ tỉ, tiểu sinh Đoàn Dự hôm nay được trộm thấy phương dung, có chết cũng không có gì ân hận” và “dù ta phải vì nàng mà chết một nghìn lần, một vạn lần thì cũng thực là vui sướng, hoan hỉ vô cùng”.
Sau này, gặp Vương Ngữ Yên trên Mạn Đà sơn trang ở đất Cô Tô, Đoàn Dự đã đem lòng si mê cô ngay từ ánh nhìn ban đầu cũng vì dung mạo của nàng không khác gì cô gái trong bức tượng chàng đã gặp thuở nào, nếu khác có chăng cũng là pho tượng diễm lệ linh động trong thần tình có vẻ như thu hồn nhiếp phách người ta, còn Vương Ngữ Yên có vẻ đoan trang xen lẫn nét thơ ngây. Lần đầu gặp Vương Ngữ Yên, chính Đoàn Dự phải thốt lên: “Hóa ra thần tiên có thật ở trên đời!”.
|
Hoàng Dung không chỉ đẹp tuyệt trần mà còn tài trí hơn người. |
Một nhân vật khác cũng được nhà văn Kim Dung miêu tả thông qua cảm nhận của những người may mắn được diện kiến dung nhan là nàng Trần Viên Viên, xuất hiện ở 2 bộ “Bích huyết kiếm” và “Lộc Đỉnh ký”. Nàng vốn xuất thân là kỹ nữ, sau hầu hạ tướng giữ ải Sơn Hải Quan Ngô Tam Quế, dưới quyền vua Sùng Trinh - vị vua cuối cùng của nhà Minh. Khi nghĩa quân Sấm vương Lý Tự Thành lật đổ nhà Minh, ông cũng chiếm luôn nàng Trần Viên Viên, khiến Ngô Tam Quế nổi giận, mở ải cho quân Mãn Châu tràn vào đánh bại Lý Tự Thành để lập ra nhà Đại Thanh.
Ở “Lộc Đỉnh ký”, Vi Tiểu Bảo, chàng thanh niên 16 tuổi đi công cán Vân Nam gặp Trần Viên Viên, khi đó đã xuất gia và ở độ tuổi ngoại tứ tuần. Ấy vậy mà hắn đã phải say mê với “tấm dung quang tuyệt thế”, cùng cặp lông mày xinh như vẽ, nét mặt thanh tú không bút mực nào tả xiết và màu da trắng hồng khác nào bạch ngọc điểm phấn son. Câu thốt lên của Vi Tiểu Bảo: “Trời ơi! Chẳng hiểu Tây Thi, Dương Quý Phi ngày trước thế nào mà thiên hạ đua nhau tâng bốc, nhưng tại hạ nhất quyết còn thua nương tử xa lắm!” đã thay cho mọi sự mô tả về vẻ đẹp của Trần Viên Viên.
Dường như Kim Dung dành hết sự ưu ái để nói về vẻ đẹp của mỹ nữ họ Viên. Nên nhớ, những miêu tả này dành cho Trần Viên Viên khi nàng đã ngoài 40, ở tuổi trung niên, đủ để hình dung nàng đẹp thế nào. Nhưng mặt khác, Kim Dung cũng khiến vẻ đẹp của nàng phần nào bị “nhạt phai” bởi xuất thân kỹ nữ. Sau đó là những tháng ngày phải sống trong những chuỗi bi kịch dài đằng đẵng do chính nhan sắc của nàng tạo ra, khi lần lượt qua tay Sùng Trinh hoàng đế, Sấm vương Lý Tự Thành rồi Bình Tây vương Ngô Tam Quế.
Cuối cùng, khi họ Ngô cưới vợ khác, Trần Viên Viên phải xuất gia. Thậm chí, nguyên nhân khiến quân Thanh vượt ải, đánh bại Lý Tự Thành và những cuộc chiến tranh dai dẳng cướp đi hàng vạn sinh mạng dường như cũng trút hết lên đầu Trần Viên Viên, để cả đời nàng phải day dứt vì nó.
Quận chúa Triệu Mẫn tuyệt thế giai nhân
Nếu Kim Dung ưu ái dành cho nhan sắc của 2 người con gái trên với những sự so sánh thoát tục, thì người mà ông dùng hết bút pháp để miêu tả một cách toàn diện nhất lại chính là nàng Hoàng Dung trong 2 bộ “Anh hùng xạ điêu” và “Thần điêu đại hiệp”. Vẻ đẹp của Hoàng Dung, được miêu tả ngay lần đầu Quách Tĩnh gặp nàng bên hồ. Đó là cô gái độ 15-16 tuổi, da trắng như tuyết, xinh đẹp không ai bằng, dung mạo tuyệt trần, không thể nhìn gần và Quách Tĩnh phải thốt lên: “Đúng là rất giống tiên nữ trên núi tuyết của bọn ta”.
Tuy nhiên, không chỉ có đẹp, nhân vật Hoàng Dung chính là người thông minh nhất trong các bộ truyện của Kim Dung. Đây là thiếu nữ không chỉ giỏi cầm, kỳ, thi, họa, kỳ môn toán số mà kể cả tài nấu ăn nàng cũng chính là thiên hạ đệ nhất. Nàng thông minh đến nỗi võ công Bắc Cái Hồng Thất Công dạy, chỉ cần học qua vài lần là thông hết.
|
Nhân vật Quận chúa Triệu Mẫn trên phim. |
Trí tuệ của nàng mẫn tiệp đến độ một kẻ thông minh như Dương Quá (xuất hiện trong bộ ‘Thần điêu đại hiệp’) cũng đành phải thừa nhận còn kém xa; hay như nhiều lần khiến cho Đại thừa tướng Chu Tử Liễu phải “ngậm đắng nuốt cay”, “ngả mũ bái phục”. Chu Tử Liễu vốn là Đại thừa tướng và là người tài giỏi thông minh nhất trong 4 đệ tử “Ngư - Tiều - Canh - Độc” của Nhất Đăng đại sư (được biết đến với danh xưng Nam đế trong Võ lâm ngũ bá của võ lâm Trung Nguyên thời bấy giờ phải. Vậy nhưng lần nào đấu trí, đấu mưu cũng như cùng nhau sát cánh, Chu Tử Liễu cũng phải “cam bái hạ phong” trước trí thông minh siêu việt của Hoàng Dung...
Ấy vậy, điều mà Hoàng Dung được yêu mến, khiến vẻ đẹp về hình thức cũng như trí tuệ của nàng được nhân lên nhiều phần chính là nàng đem lòng yêu Quách Tĩnh. Nàng không giống các cô gái khác khi đem lòng yêu một chàng trai không lấy gì là tuấn tú, đã vậy còn vô cùng đần độn.
Tuy nhiên, điều mà Hoàng Dung nhìn được chính là sự nghĩa hiệp và tâm hồn thuần hậu của Quách Tĩnh để cuối cùng, nàng chấp nhận gả cho chàng trai ngây ngốc nhưng là “nam tử thiên hạ không ai bằng”, một anh hùng vang danh thiên hạ cả về võ công lẫn nhân cách. Việc sắp đặt Hoàng Dung bên cạnh Quách Tĩnh cũng là cách khéo léo nhất có thể để tác giả tôn lên vẻ đẹp hơn người cả về hình thức lẫn trí tuệ của Hoàng Dung.
Ngoài 3 nhân vật nêu trên, được Kim Dung miêu tả một cách đặc biệt, trong thế giới kiếm hiệp của ông cũng không thiếu những thiếu nữ sở hữu nhan sắc tuyệt trần. Đó là nàng Quận chúa Triệu Mẫn xinh đẹp trong “Ỷ thiên Đồ long ký” đủ để Trương Vô Kỵ phải say mê và bao nhiêu lần vì nàng mà lạc lối. Đây cũng là cô gái thông minh và thậm chí chưởng môn các đại môn chính phái Nga My, Võ Đang, Côn Luân... cũng bị nàng dùng mưu kế giam hãm.
Hay nàng Công chúa A Cửu trong bộ “Bích huyết kiếm” với vẻ đẹp được miêu tả là khuynh thành, với làn da trắng, đôi má đỏ hồng, đôi mắt to sáng, cặp mày cong vút, giọng nói trong trẻo, đầy tôn quý, dịu dàng. Cũng không thể không kể đến vẻ đẹp thoát tục, thuần khiết, trong trắng như ngọc cùng thần thái lạnh lùng, bất phàm của nàng Tiểu Long Nữ trong bộ “Thần điêu đại hiệp”; hoặc nàng Nhậm Doanh Doanh “mười phân vẹn mười”, không chỉ đẹp ít ai sánh kịp mà còn là người giỏi âm nhạc đến độ có thể chơi khúc “Tiếu ngạo giang hồ” tưởng trên đời không ai làm được. Nàng cũng sẵn sàng hy sinh vì tình yêu khi sẵn sàng đánh đổi 10 năm giam cầm tại chùa Thiếu Lâm chỉ để đổi bộ Dịch cân kinh nhằm cứu tính mạng Lệnh Hồ Xung, người nàng đem lòng yêu thương...
Tóm lại, trong số họ, mỗi người một vẻ, một hình mạo, tính cách khác nhau, rất khó để đặt lên bàn cân. Và ai là người đẹp nhất, ai yêu họ, ghét họ cũng tùy cảm xúc của mỗi người.