Vỡ òa niềm vui thời khắc Bệnh viện C Đà Nẵng dỡ lệnh phong tỏa

(PLVN) - 0h ngày 8/8, Bệnh viện C Đà Nẵng (Bộ Y tế) chính thức mở cửa trở lại sau 14 ngày phong tỏa. Thời khắc của niềm vui, niềm vui chiến thắng bước 1, có lẽ, không thể nào quên với đội ngũ y bác sĩ đang công tác tại đây…
Đội ngũ y bác sĩ mở cánh cổng để bước ra bên ngoài Bệnh viện, xúc động ghi lại thời khắc đáng nhớ
Đội ngũ y bác sĩ mở cánh cổng để bước ra bên ngoài Bệnh viện, xúc động ghi lại thời khắc đáng nhớ

Toàn bộ kết quả xét nghiệm bác sỹ, nhân viên Bệnh viện C cũng đều âm tính với virus SARS-CoV-2. 

Tiếp nhận bệnh nhân theo bộ tiêu chí an toàn

Bệnh viện C Đà Nẵng là nơi phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên (BN 416) ở Đà Nẵng trong đợt dịch từ 24/7. Sau đó, tại đây, thêm 2 bệnh nhân nữa được phát hiện là BN 420 và BN 445. Lập tức, bệnh viện này được phong toả, cách ly.

BN 416 trở nặng, bộ Y tế chỉ đạo chuyển sang bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục điều trị. Hai bệnh nhân còn lại đến nay đã chuyển sang điều trị tại bệnh viện Phổi TP. Đà Nẵng vào ngày 1/8. Từ đó đến nay, không có ca bệnh Covid-19 nào được điều trị tại đây.

Tất cả các ca F1 được cách ly trong bệnh viện này đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Từ 1/8 đến nay, tại bệnh viện C cũng không còn ca mắc Covid-19 nào.

Bệnh viện C Đà Nẵng lúc 0h ngày 28/8
Bệnh viện C Đà Nẵng lúc 0h ngày 28/8 

Bác sỹ CKII Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, từ trước đó, toàn bộ nhân viên đang cách ly trong Bệnh viện C đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng lấy mẫu để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lần thứ 2. Ngoài ra, Bệnh viện C Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố lấy 317 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với nhân viên của bệnh viện không bị cách ly thời gian qua.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, khi toàn bộ kết quả xét nghiệm bác sỹ, nhân viên Bệnh viện C âm tính với virus SARS-CoV-2, từ 0h ngày ngày 8/8, lệnh phong tỏa bệnh viện được dỡ, để tiếp nhận, điều trị và chăm sóc cho người bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện C lập kế hoạch triển khai công tác khám bệnh, chữa bệnh sau khi kết thúc phong tỏa vào lúc 0h ngày 8/8. Nội dung kế hoạch chi tiết xây dựng theo từng giai đoạn, bảo đảm an toàn bệnh viện theo Quyết định ban hành về bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 trước đó của bộ Y tế.

Hướng dẫn nhân viện thực hiện khai báo y tế. Chỉ cho phép nhân viên y tế vào làm việc khi xét nghiệm âm tính và khai báo y tế đầy đủ, đảm bảo an toàn trong quá trình khám bệnh. Phối hợp với chính quyền địa phương phân luồng đưa người bệnh vào cấp cứu và điều trị tại bệnh viện.

Niềm vui gắn thêm trách nhiệm, phải chiến thắng dịch bệnh!

0h ngày 8/8, cánh cổng bệnh viện C từ từ được mở ra. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng vẫn còn diễn biến phức tạp, nên hàng rào phong tỏa mặt đường vẫn giữ nguyên. Dẫu vậy, thời khắc chứng kiến lối ra vào đã không còn ngăn cách là cảm xúc vỡ òa của hàng trăm cán bộ nhân viên; của những bệnh nhân đang điều trị tại đây. 

Vì tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên chỉ có cổng chính số 1 được mở, đội ngũ y bác sĩ vẫn tiếp tục ở lại để làm nhiệm vụ đẩy lùi dịch bệnh Covid-19
 Vì tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên chỉ có cổng chính số 1 được mở, đội ngũ y bác sĩ vẫn tiếp tục ở lại để làm nhiệm vụ đẩy lùi dịch bệnh Covid-19

Theo BS Thiện, từ ngày bệnh viện C bị phong toả, đội ngũ y bác sĩ lẫn bệnh nhân đều phải ở lại suốt 24/24. Mọi người luôn động viên, chia sẻ lẫn nhau. Cũng như bao nhiêu người dân khác, bỗng dưng cách ly, nhiều ngày liền phải tạm xa người thân, xa gia đình nên mang trong mình nỗi nhớ da diết. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”, họ kìm lại tất cả…

Hầu hết, các bệnh nhân được điều trị tại đây đều là người già, yếu, có nhiều bệnh nền. Những ngày đầu, mọi người rất lo lắng, hoang mang. Hiểu điều này, đội ngũ y bác sĩ bên cạnh việc chăm sóc, chữa trị còn phải làm tâm lý, động viên, giúp bệnh nhân lấy lại được niềm vui, niềm tin.

Phong toả, đồng nghĩa với việc tất cả mọi hoạt động đều nằm trong khuôn viên của bệnh viện. Ngoài những giây phút mệt nhọc, mọi người cũng hỏi thăm, động viên lẫn nhau. Đồng thời, để tâm lý thoải mái, mỗi sáng, đội ngũ y bác sĩ cũng như người nhà và bệnh nhân còn thực hiện tập thể dục…

Trong nhật ký phong toả bệnh viện, bác sĩ Đặng Văn Trí ghi: “Ngày đầu, ai nấy bần thần, cái cảm giác bần thần trong lo âu của một đại gia đình lớn, phải nói là quá lớn, khi chỉ riêng về lượng lương thực thực phẩm cho mỗi ngày là con số khủng, và cho cả 14 ngày….

Các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục làm việc bên trong khu vực có hàng rào phong tỏa do Bệnh viện C nằm cạnh Bệnh viện Đà Nẵng
 Các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục làm việc bên trong khu vực có hàng rào phong tỏa do Bệnh viện C nằm cạnh Bệnh viện Đà Nẵng

Khác với ngày đầu là tập trung tái thiết khu vực trọng điểm cho bệnh nhân Covid-19 và phải vừa lo lắng hậu cần cho cả đội quân khổng lồ, ngày thứ hai, chúng tôi đã lấy lại tự tin, nhanh chóng kiểm soát chuyên môn, triển khai đồng loạt từ thể chế, đến quy trình, tái phân bố nhân lực, tổ chức lại cấu trúc cho phù hợp với điều kiện mới bởi khu cách ly F1 nằm ngay giữa toà nhà. Việc tái thiết nhanh chóng đạt được kết quả mới với sự nổ lực vô cùng lớn của cả tập thể, với sự chấp hành nghiêm hướng dẫn của ban Chỉ đạo của bệnh viện. Tính chuyên nghiệp đã hình thành hẳn một bậc ở một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực hậu cần; dinh dưỡng thì nội lực đã làm chủ hoàn toàn tình hình.

Và, kết quả là có những bữa cơm nóng hổi do chính tay những y bác sĩ nấu nướng, mà hàng ngày họ chỉ được bệnh nhân biết qua khám bệnh, phát thuốc, mổ xẻ. Với sự động viên của và an tâm của bệnh nhân, tất cả chúng tôi đã sống và làm việc bên nhau như một đại gia đình đã gắn bó nhau hơn trong khuôn viên 4 vách tường rào bệnh viện”

Câu "chốt" của Bác sĩ Trí “Chúng tôi sẽ chiến đấu và chiến thắng đại dịch lần này”, đã dành nói về thời khắc của 0h ngày 8/8.

Đọc thêm