Vụ “30 năm đi đòi đất“: Thấy gì từ những “hướng dẫn” của Tổng cục Quản lý đất đai”?

(PLO) - Như chúng tôi đã đề cập, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có hai công văn trả lời UBND TP Hưng Yên về giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Lâm Thành Dũng và gia đình bà Chu Thị Cúc. Tuy nhiên, nội dung trả lời trên liệu có đúng quy định, đúng thực tế và có phải là cơ sở để địa phương thực hiện?
Hai văn bản trả lời của Tổng cục Quản lý đất đai
Hai văn bản trả lời của Tổng cục Quản lý đất đai

Vụ 30 năm đi đòi đất ở Hưng Yên: Khuất tất từ những công văn?

Ngày 8/4/2014, Tổng cục Quản lý đất đai (TCQLĐĐ) có Công văn 408/TCQLĐĐ-CĐKTK và ngày 1/10/2014 có tiếp Công văn 1304/TCQLĐĐ- CDKDĐ (do ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng TCQLĐĐ ký) hướng dẫn UBND TP Hưng Yên: “Đề nghị UBND TP Hưng Yên làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình bà Chu Thị Cúc theo hiện trạng đang sử dụng. Không xem xét đơn yêu cầu giải quyết của ông Lâm Thành Dũng đối với phần diện tích đất này”.

Không biết trước khi ra 2 công văn này, TCQLĐĐ đã tiến hành nghiên cứu, thanh tra, kiểm tra thực tế vụ việc tại 2 gia đình này bao nhiêu lần và có thu thập được những chứng cứ, tài liệu cần thiết, đặc biệt là quyết định thu hồi đất của địa chủ và quyết định “điều” bà Cúc đến ở trên phần đất của địa chủ không? 
Phải chăng TCQLĐĐ đưa ra 2 công văn trên chỉ hoàn toàn dựa vào 2 công văn của UBND TP Hưng Yên. Cần nhắc lại rằng, Công văn 1012/UBND-TNMT và Công văn 662/UBND-TNMT mà UBND TP Hưng Yên gửi TCQLĐĐ chúng tôi đã phản ánh ở những bài báo trước đây.
Điều đáng nói nữa là, công văn của TCQLĐĐ lại “đè” lên cả quyền khiếu nại của công dân cũng như cho phép địa phương “từ chối” trách nhiệm giải quyết vụ việc khi hướng dẫn “không xem xét đơn yêu cầu giải quyết của ông Lâm Thành Dũng đối với phần diện tích đất này”. 
Cũng giải quyết vụ việc này nhưng Thanh tra Bộ TN&MT có ý kiến hợp tình, hợp lý hơn. Tại Công văn 475/TTr-TDXLĐT ngày 18/12/2014 do ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ ký có nội dung “đề nghị xem xét, giải quyết đơn của ông Dũng” và dẫn ra không ít chứng cứ quan trọng được ông Dũng phản ánh trong đơn. 
Đồng thời ngày 4/11/2014, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương cũng đã có Công văn số 6326/TDTW “chuyển nội dung đơn kiện của ông Lâm Thành Dũng đến UBND TP Hưng Yên để chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, trả lời công dân theo đúng quy định pháp luật”. Tại sao địa phương không nghiêm túc xem xét, thực hiện các công văn trên?.
Để tìm hiểu vụ việc, phóng viên đã đề nghị ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND TP Hưng Yên cung cấp một số tài liệu làm cơ sở để ký công văn gửi TCQLĐĐ như chứng cứ chứng minh đất bà Cúc ở là đất của địa chủ bị Nhà nước thu hồi và quyết định điều bà Cúc đến ở… nhưng không được đáp ứng. 
Còn ông Trần Văn Tiến - chuyên viên Phòng Đăng ký đất đai (Cục Đăng ký đất đai - Bộ TN&MT) cho biết, theo nội dung Công văn 1012/UBND-TNMNT, UBND TP Hưng Yên chỉ mô tả lại tình tiết của sự việc và “chúng tôi chỉ trả lời theo thông tin của UBND TP Hưng Yên cung cấp mà không có hồ sơ kèm theo. Công văn 408/UBND-TNMT chúng tôi không trả lời cụ thể về trường hợp của bà Cúc và ông Dũng”.
Bà Nguyễn Thị Lơ -Trưởng phòng Đăng ký đất đai (Cục Đăng ký đất đai - Bộ TN&MT) cho hay: “Trên thực tế chúng tôi không biết có việc tranh chấp giữa hai hộ gia đình. Trả lời của chúng tôi không phải là để hướng dẫn, giải quyết cụ thể việc của ông Dũng và bà Cúc”. Văn bản 408/TCQLĐĐ-CĐKTK ngày 8/4/2014 của TCQLĐĐ là văn bản trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ trong việc thực hiện pháp luật đất đai trên cơ sở nội dung xin ý kiến của UBND TP Hưng Yên đã nêu tại Văn bản số 1012/UBND-TNMT.
Làm việc với chúng tôi ngày 13/11/2015, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng TCQLĐĐ cho biết: “Căn cứ trên các báo cáo của Hưng Yên, chúng tôi đã có đủ căn cứ để trả lời Công văn 408/TCQLĐĐ-CĐKTK. Công văn này là trả lời thẳng vụ việc của ông Dũng, bà Cúc. Còn nếu sự việc đó mà khác, mà sai, anh em báo cáo không đầy đủ, không chính xác thì anh em Hưng Yên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Với nội dung trả lời trên, người ta buộc phải đặt câu hỏi tại sao TCQLĐĐ không cùng Hưng Yên kiểm tra lại toàn bộ vụ việc mà cứ “chờ” địa phương báo cáo sao thì nghe vậy? Chức năng kiểm tra, giám sát của TCQLĐĐ ở đâu? Không lẽ “vô can” trong vụ việc này?
Liệu việc xin ý kiến và cho ý kiến “hướng dẫn” giữa Hưng Yên và TCQLĐĐ trong vụ việc này có “bình thường”, có phiến diện? Tại sao lại có sự “bất nhất” giữa phát ngôn của cán bộ Phòng Đăng ký đất đai; giữa Mục 1 Công văn 114/TTr-TDXLĐT ngày 4/5/2015 của Thanh tra Bộ TN & MT với nội dung Công văn 408/TCQLĐĐ-CĐKTK của TCQLĐĐ? 
Xung quanh câu chuyện người cho mượn đất và người mượn đất giờ đây vẫn còn bao “uẩn khúc”, bao điều “bất thường”. Dư luận đang chờ các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ có hay không sự khuất tất trong việc thụ lý, giải quyết vụ tranh chấp đất đai này?

Đọc thêm