Mật mã ấy cho đến nay chưa ai giải nổi. Sau khi nạn nhân được phát hiện, mọi người mới nhận ra rằng những lời thổ lộ của nạn nhân vốn bị coi là hoang tưởng kia lại đã trở thành sự thật.
Nạn nhân là Gunther Stoll (34 tuổi) - một kỹ sư về công nghiệp thực phẩm nhưng bị thất nghiệp. Anh ta sống với vợ. Mọi chuyện đều không có gì đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày của họ. Cho đến buổi tối 25/10/1984, hôm ấy là ngày thứ Năm. Anh chàng kỹ sư này đột nhiên nói ra với vợ những điều rất khó hiểu như: “Anh không thể chịu đựng được nữa”, “Tất cả đều muốn hại anh” và “Anh sợ chúng nó làm gì anh”. Nhưng “chúng nó” là ai thì anh ta lại không nói ra.
Rồi đột nhiên, anh ta thốt lên “Anh hiểu ra rồi” và lấy bút giấy viết dòng YOG’TZE, nhưng sau đó lại xoá. Gần 23h đêm, anh ta ra quán bia. Tại đó, anh ta đang ngồi yên thì bị ngã. Anh ta phân bua với mọi người là có kẻ định sát hại mình. Hai giờ sau, anh ta lái ô tô về vùng cha mẹ đẻ cách đó khoảng 10 km, nhưng không vào nhà cha mẹ mà lại ấn chuông nhà của một bà già ở cách đó 2 nhà chỉ để nói rằng đêm nay sẽ xảy ra chuyện rất khủng khiếp với anh ta. Người phụ nữ này khuyên anh ta về nhà với vợ và anh ta đồng ý.
Vài giờ đồng hồ sau, tức là vào lúc hơn 3h sáng, hai người lái xe tải phát hiện thấy chiếc xe ô tô của anh ta bị tai nạn ở vệ đường - cách chỗ ở của người phụ nữ kia gần 100 km. Anh ta vẫn còn thở, nhưng trần truồng, trên người đầy lá khô và đất bẩn, đầu chiếc xe vỡ toác. Họ báo cảnh sát. Anh ta chỉ thều thào được mấy câu: “Họ không phải người quen của tôi” nhưng không nói rõ họ là ai. Anh ta chết trên đường đến bệnh viện.
Cảnh sát điều tra và xác định được rằng anh ta bị xe ô tô đâm ở chỗ khác rồi sau đó mới được đặt lên ghế lái và đưa đến chỗ hai người lái xe tải phát hiện và khi bị ô tô đâm thì đã trong tình trạng trần truồng. Khoảng nửa năm sau, người vợ mới kể cho cảnh sát nghe về dòng chữ người chồng viết trước khi rời nhà đến quán bia. Tờ giấy ấy người vợ đã vứt đi. Dòng chữ YOG’TZE làm cho cảnh sát càng cảm thấy như thể bị thách đố thêm bởi không ai luận ra được nghĩa của nó. Có người cho rẳng nếu chữ G là số 6 thì cụm ký tự này có nghĩa là một tín hiệu cầu cứu trong tiếng Rumani.
Vụ việc này được đưa lên truyền thông và truyền hình ở nước Đức để nhờ cậy dân chúng cung cấp thông tin. Cảnh sát treo thưởng tiền cho người cung cấp thông tin giá trị. Nhưng hơn 36 năm đã trôi qua mà công cuộc điều tra gần như không đạt được bất kỳ tiến triển đáng kể nào. Thiên hạ thấy nó kỳ bí bởi sự việc diễn ra đúng như nạn nhân đã lo ngại. Cũng chính vì thế mà nó thuộc về những kỳ án nổi tiếng nhất xưa nay ở nước Đức.