Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại ALCII: Chờ một bản án công tâm

(PLO) - Bị cáo đã bị TAND Tp.HCM tuyên án sơ thẩm phạt tù chung thân và có trách nhiệm bồi thường 251 tỷ đồng. Tuy nhiên, xung quanh vụ án, có nhiều tranh cãi liệu cơ quan tố tụng có đang hình sự hóa một quan hệ dân sự, và căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo đã hợp lý hay chưa.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án trong phiên xét xử sơ thẩm

Bị cáo Lê Hùng Sơn bị TAND tp.HCM tuyên xử mức án tù chung thân về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong vụ án xảy ra ở Cty cho thuê tài chính II (ALCII), do bị quy buộc có hành vi nhận chuyển nhượng 2 cty công nghệ biển Hải Phòng (Cty VTB Hải Phòng) và Cty TNHH Vận tải Đại Phát (Cty VTB Đại Phát), kế thừa thực hiện quyền và nghĩa vụ của hai cty này.

Lê Hùng Sơn bị quy trách nhiệm về hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản, trên thực tế, toàn bộ tài sản được giao dịch gồm 2 tàu Whale và Đại Phát mà Lê Hùng Sơn nhận từ ông Phạm Đức Tuấn Anh và ông Nguyễn Nhất Ngọc đã được ALCII thu về đầy đủ.

Còn số tiền 117 tỷ của hai hợp đồng cho thuê tài chính mà các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng Lê Hùng Sơn đã chiếm đoạt, thực chất đây chính là khoản nợ trên giấy tờ của ông Phạm Đức Tuấn Anh và ông Nguyễn Nhất Ngọc cùng với tiền lãi hàng tháng của ALCII. 

Lê Hùng Sơn nhận trả nợ thay cho ông Tuấn Anh và ông Ngọc bằng một lời hứa, không nhận bất cứ lợi nhuận nào từ việc này. Suy cho cùng, trách nhiệm trả nợ cho ALCII vẫn thuộc về ông Tuấn Anh và ông Ngọc, còn việc Lê Hùng Sơn có liên quan ở đây chỉ là lời hứa không thể thực hiện giữa Sơn và các ông Ngọc, Tuấn Anh.

Việc thất thoát giá trị tài sản của hai con tàu Whale và Đại Phát từ hơn 187 tỷ đồng khi mua còn hơn 33 tỷ đồng khi bán lại càng không liên quan gì đến Sơn, do giá mua tàu cũng như việc thẩm định giá mua trong quá trình thực hiện hợp đồng thuê tài chính đều do ALCII cùng các ông Phạm Đức Tuấn Anh, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Nhất Ngọc quyết định. Khi bán tàu, giá bán cũng do ALCII đơn phương quyết định.

Chưa kể, theo hệ thống hạch toán hiện hành, khấu hao tài sản doanh nghiệp trong điều kiện bình thường trung bình là 6%/năm. Hai con tàu Whale và Đại Phát hoạt động được 5 năm thì mức khấu hao toàn bộ chỉ là 30%, rất thấp so với mức 80% nói trên. Trong khi đó, tài liệu của Cơ quan Đăng kiểm và cơ quan bảo hiểm xác định hai con tàu kia vẫn trong tình trạng bình thường.

Kết luận điều tra và cáo trang thể hiện việc doanh thu trong quá trình khai thác tàu Whale và tàu Đại Phát là hơn 32 tỷ đồng và 309.643 đô-la mà Lê Hùng Sơn lại chối tránh trả nợ. Thực ra, cả KLĐT và Cáo trạng đã không làm rõ được chi phí của hoạt động khai thác tàu nên không làm rõ các khoản thực lãi để có thể thực hiện chi trả nợ.

Một trong những căn cứ mà cơ quan tố tụng quy trách nhiệm hình sự cho Sơn là không thực hiện nghĩa vụ trả nợ lại còn bỏ trốn khỏi nơi cư trú và nơi đăng ký kinh doanh. Rõ ràng, cách thức cơ quan điều tra xác minh đương sự “không sinh sống tại địa chỉ trên, đi đâu không rõ” để từ đó cho rằng đối tượng bỏ trốn là chưa thuyết phục. 

Luật cư trú Điều 32 quy định về khai báo tạm vắng chỉ quy định việc khai báo tạm vắng đối với một số trường hợp thuộc các đối tượng là người đang phải chấp hành các biện pháp xử lý theo pháp luật tại địa phương và một số trường hợp khác đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Như vậy, Lê Hùng Sơn cũng không thuộc đối tượng bắt buộc phải khai báo tạm vắng.

“Từ một người làm ăn kinh doanh bình thường, xuất phát từ nhận thức chủ quan cho rằng lĩnh vực kinh doanh hàng hải có thể làm ăn kiếm lời, nên Lê Hùng Sơn đã làm thủ tục nhận chuyển nhượng, kế thừa quyền và nghĩa vụ của 2 cty vận tải biển Hải Phòng và Đại Phát thực hiện tiếp hai hợp đồng cho thuê tài chính giữa hai cty này với ALCII. Thực tế, Lê Hùng Sơn chỉ nhận bàn giao sổ sách giấy tờ hành chính và 2 con tàu để tiến hành khai thác và trả nợ dần, còn toàn bộ số tiền mua bán và cho thuê tài chính 2 con tàu nói trên đều do đại diện các DN đóng tàu, kinh doanh vận tải biển thực hiện từ trước khi việc chuyển nhượng diễn ra” – Luật sư Phan Trung Hoài nhận định – “Bản chất quan hệ nhận chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ tại 2 cty VTB Hải Phòng và Đại Phát bị coi là vô hiệu vì không được sự đồng ý của ALCII, quá trình thực hiện hợp đồng cho đến khi vi phạm nghĩa vụ, các bên chưa đối chiếu công nợ và chưa thanh lý hợp đồng và chính ALCII đã tiến hành thủ tục khởi kiện Cty VTB Đại Phát ra tòa án”.

Khi vụ án xảy ra, 2 con tàu đã được ALCII thu hồi và bán đấu giá. Do đó, trong Biên bản cuộc họp liên ngành ngày 27/11/2013, các cơ quan tiến hành tố tụng Hải Phòng đều thống nhất Lê Hùng Sơn chỉ vi phạm hợp đồng cho thuê tài chính về nghĩa vụ thanh toán với ALCII, không chiếm đoạt số tiền 117 tỷ đồng nợ thuê tài chính của ALCII. 

Theo LS. Phan Trung Hoài, bản chất mối quan hệ chuyển nhượng giữa Lê Hùng Sơn và Giám đốc 2 cty VTB Hải Phòng và Đại Phát là quan hệ giao dịch kinh tế - dân sự giữa hai DN, việc Lê Hùng Sơn chưa thanh toán được số tiền ALCII đã bỏ ra giải cứu tàu Whale là quan hệ dân sự. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa hành vi vi phạm hợp đồng cho thuê tài chính về nghĩa vụ thanh toán tiền thuê tài chính phát sinh theo hợp đồng cho ALCII, mà theo thời hạn của hợp đồng thì ngày trả nợ cuối cùng là năm 2024 mới phải trả hết nợ.

“Sơn không có hành vi gian dối, không bỏ trốn và việc ban hành Lệnh truy nã mà không tiến hành các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ dẫn đến đánh giá bản chất hành vi của Lê Hùng Sơn không đúng” – LS. Hoài nói.

Vụ án Lê Hùng Sơn hiện đang chờ xét xử phúc thẩm. Hy vọng một phán quyết công tâm, chính xác sẽ được HĐXX đưa ra, tránh một vụ việc dân sự bị hình sự hóa cũng như khả năng gây oan sai cho một con người.

Đọc thêm