Viện kháng, Tòa bác
Ông Nguyễn Anh Tuấn, bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản, tranh chấp hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản” (gọi tắt là vụ án tranh chấp HĐ vay tài sản) có đơn gửi tới Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm số 151 ngày 9/8/2016 của Ủy ban Thẩm phán, TAND Tối cao tại TP HCM (UBTP), mà ông cho rằng không khách quan, cố tình bóp méo chứng cứ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Trước đó, UBTP TP HCM đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp HĐ vay tài sản giữa nguyên đơn là bà Lâm Thị Tinh Tú và bị đơn là ông Nguyễn Anh Tuấn do Bản án dân sự phúc thẩm số 272 ngày 15/7/2015 của TAND tỉnh Tiền Giang bị VKSND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị giám đốc thẩm.
Kháng nghị giám đốc thẩm số 65 ngày 14/6/2016 của VKSND Cấp cao tại TP HCM đã đề nghị UBTP TP HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy một phần Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và Bản án dân sự sơ thẩm số 07 ngày 21/1/2015 của TAND thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang; giao hồ sơ vụ án cho TAND thị xã Gò Công xét xử lại sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nội dung kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM đã bị UBTP TP HCM bác, đồng thời cơ quan này quyết định giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 272 của TAND tỉnh Tiền Giang về vụ án tranh chấp HĐ vay tài sản.
Chi tiết 170 cây vàng vì sao không được làm rõ?
Đối với khoản vay 2,7 tỷ đồng được quy ra từ số vàng 170 lượng mà bà Tú cho rằng đã cho ông Tuấn mượn khi nhận chuyển nhượng nhà đất số 15 Trương Định, phường 11, thị xã Gò Công, theo VKSND Cấp cao là chi tiết quan trọng cần phải được làm rõ để có đủ căn cứ đánh giá bản chất của vụ án.
Theo VKSND Cấp cao, số vàng mà bà Tú cho rằng khi ông Tuấn mua nhà bà đã cho ông vay tổng cộng 170 lượng vàng SJC thành tiền là 2,7 tỷ đồng, sau đó không có tiền trả nên đến ngày 15/4/2010 ông Tuấn viết giấy bán nhà để trừ số nợ trên. Việc tranh chấp này đã được tòa án xét xử sơ thẩm và phúc thẩm lần 1 vào năm 2012, tại 2 phiên tòa này đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Tú và buộc ông Tuấn hoàn trả cho bà Tú số tiền 2,7 tỷ đồng.
Nhưng tại Quyết định giám đốc thẩm số 183 ngày 17/4/2013 TAND Tối cao đã yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm làm rõ các vấn đề sau: Làm rõ việc ông Tuấn rút tiền từ ngân hàng để trả tiền mua nhà đất hay không? Thời điểm rút từ ngân hàng có phù hợp thời điểm trả tiền mua nhà như lời khai của ông Tuấn không? Bà Tú khai từ Tòa án cấp sơ thẩm đến phúc thẩm là bà đã cho ông Tuấn mượn 170 lượng vàng, bà Tú phải có nghĩa vụ chứng minh đã cho ông Tuấn mượn số vàng này. Nếu có thì nguồn tiền từ đâu?...
Cũng theo lập luận của VKSND Cấp cao tại TP HCM trong bản kháng nghị của mình, tại Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa phúc thẩm lần 2 năm 2015, bà Tú vẫn không chứng minh được đã cho ông Tuấn mượn 170 lượng vàng SJC, ông Tuấn không thừa nhận việc mượn vàng này. Quá trình giải quyết vụ án, bà Tú có các lời khai mâu thuẫn về việc giao vàng cho ông Tuấn và thời gian giao vàng cũng không phù hợp với thời gian ông Tuấn trả tiền đặt cọc mua nhà, trả tiền mua nhà và phần tiền còn lại sau khi hoàn tất thủ tục mua bán nhà.
Trong khi ông Tuấn đã chứng minh được nguồn tiền mua nhà số 15 Trương Định là rút từ các tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh thị xã Gò Công. Cụ thể, tại 2 bản xác nhận số dư tiền gửi ngày 23/7/2014 và ngày 21/7/2015 của ngân hàng này đều thể hiện việc rút tiền của ông Tuấn, phù hợp với thời điểm hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, phù hợp với giấy biên nhận của vợ chồng người bán nhà và phù hợp với các chứng cứ khác.
Từ cơ sở này, VKSND Cấp cao cho rằng đủ cơ sở để xác định ông Tuấn mua nhà đất số 15 Trương Định bằng nguồn tiền của ông gửi trong ngân hàng. Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của bà Tú cho ông Tuấn mượn vàng và giấy bán nhà viết tay (trong khi giấy bán nhà này Tòa án đã xác định vô hiệu để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn), buộc ông Tuấn phải trả cho bà Tú số tiền 2,7 tỷ đồng là không có căn cứ, không bảo đảm được quyền lợi của ông Tuấn.
Trong đơn gửi đến cơ quan chức năng, ông Tuấn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm số 151 của UBTP TP HCM theo hướng hủy Quyết định giám đốc thẩm số 151 hủy bản án phúc thẩm số 272 của TAND tỉnh Tiền Giang để xét xử lại phúc thẩm nhằm tránh oan sai cho ông.