Vụ gửi email “hướng dẫn” các tỉnh, thành: Chống độc quyền hay “bảo kê” đấu thầu thuốc?

(PLO) - Từ một email được cho là của Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế  thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi ngày 24/4 tới các Trưởng phòng giám định bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành, nhiều doanh nghiệp trong ngành dược băn khoăn liệu đây có phải là “bảo kê” bằng con đường chỉ đạo?
Những sản phẩm bị nêu tên trong thư chỉ đạo.

Động thái gây hoài nghi

Nội dung email được cho là của ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, theo Thông  báo ngày 19/2/2016 về việc tham gia xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2016 đối với nước cất dạng ống nhựa, Ban Chính sách y tế (CSYT) thông báo như sau: Hiện trên toàn quốc có rất nhiều thuốc sử dụng dạng đóng gói bằng ống nhựa nhân tạo độc quyền trong cung ứng thuốc có giá cao bất hợp lý so với dạng ống thủy tinh. Ví như Piracetam tiêm (ống nhựa), Furosemid tiêm (ống nhựa), Adrenalin tiêm (ống nhựa)…

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh đang đưa thuốc Cerebrolizat (thành phần peptid dịch chiết não lợn, là thuốc nhập khẩu chuyến, không có số đăng ký, có thành phần tương tự như Cerebrolysin) nhưng Bộ Y tế trả lời chưa rõ ràng là có thuộc phạm vi thanh toán BHYT hay không? Ngoài ra, nhiều cơ sở khám chữa bệnh đang sử dụng thuốc Gliatilin (hoạt chất Choline alfoscerate) với chi phí rất lớn (nằm trong top 20 thuốc có chi phí lớn nhất toàn quốc).

Nhằm tăng cường kiểm soát chi phí thuốc BHYT, quản lý BHYT hiệu quả, Ban CSYT đề nghị các đồng chí thành phần giám định chỉ đạo cán bộ tham gia vào Hội đồng xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2016 không đưa dạng đóng gói “ ống nhựa” của các loại thuốc vào kế hoạch đấu thầu. Chỉ ghi chung thuốc tiêm dạng ống/lọ/chai. Tạm thời chưa đưa thuốc Cerebrolizat vào kế hoạch đấu thầu; kiểm soát chặt chẽ việc chỉ định thuốc Gliatilin (hoạt chất Choline Alfoscerate).

Nhiều ý kiến cho rằng, việc email trên khẳng định có rất nhiều thuốc sử dụng dạng đóng gói bằng ống nhựa tạo nên tình trạng độc quyền trong cung ứng thuốc và có giá cao bất hợp lý so với dạng ống thủy tinh là không hợp lý. Bởi ống nhựa là một công nghệ mới của dược phẩm, được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng phổ biến nhờ có ưu thế nổi trội như bảo quản tốt, vận chuyển không bị vỡ, giá thành rẻ, giảm thiểu rủi ro trong y khoa hơn ống thủy tinh cho cán bộ y tế, giảm chi phí xử lý rác thải y tế.

Những năm trước đây, Việt Nam phân phối sản phẩm ống nhựa của Ấn Độ, Trung Quốc thì hiện đã có Cty chủ động sản xuất thay thế hàng nhập ngoại và sắp tới cũng có nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đầu tư công nghệ này (như Traphaco). Đây là khái niệm tiên phong, đi đầu trong việc đầu tư công nghệ, sản xuất sản phẩm tiên tiến, khác với khái niệm độc quyền vốn chỉ một DN duy nhất nào đó được bảo hộ sản xuất ống nhựa. Hơn nữa, hiện Luật Dược cũng chưa có quy định nào về việc chỉ có phép Cty A hay B sản xuất độc quyền ống nhựa.

Vậy khi các DN đầu tư cả một hệ thống dây chuyền hiện đại đóng gói bằng ống nhựa để đựng thuốc thì việc BHXH Việt Nam chỉ đạo cán bộ tham gia vào Hội đồng xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2016 không đưa dạng đóng gói ống nhựa của các loại thuốc vào kế hoạch đấu thầu khác nào đẩy DN vào thế phá sản? 

Trước chỉ đạo trên, dư luận hoài nghi việc làm này nhằm hạn chế  tình trạng đóng gói thuốc bằng ống nhựa và “ngầm bảo kê” cho các sản phẩm thuốc đóng gói bằng thủy tinh hay dạng khác. 

Bên trọng, bên khinh?

Sản phẩm thứ 2 mà bức thư khuyến cáo tạm thời chưa đưa vào kế hoạch đấu thầu là Cerebrolizat. Được biết, Cerebrolizat được nhập khẩu chuyến (quota) và được phép lưu hành trong thời gian quota có hiệu lực. Việc nhận định “có thuộc phạm vi thanh toán BHYT hay không?” là trách nhiệm của cả Hội đồng chính sách bảo hiểm và Bộ Y tế chỉ là một tiếng nói trong việc có thanh toán BHYT hay không?  Viết như email trên, các DN dược sẽ đặt câu hỏi: Tại sao Cục Quản lý Dược lại cho nhập một loại thuốc khác là Cerebrolizat có hoạt chất giống một loại thuốc được nêu tên là Cerebrolysin mà không có số đăng ký và Bộ Y tế chưa có ý kiến? 

Sản phẩm Cerebrolysin được nhắc đến cùng với Cerebrolizat là của hãng Ebewe. Sản phẩm này chiếm vị trí độc tôn ở Việt Nam trong 20 năm qua và chưa có sản phẩm khác thay thế kể từ khi Bộ Y tế cấp quota cho sản phẩm thứ 2 là Cerebrolizat nhằm phá vỡ thế độc quyền. Thay vì phản đối, đáng lẽ ra Ban Thực hiện chính sách BHYT nên khuyến khích, ủng hộ Cerebrolizat vì sản phẩm này tạo thế cạnh tranh, tránh sự độc quyền của một hoạt chất trong một thời gian dài như Cerebrolysin, giúp giảm giá thuốc xuống. Nhưng nội dung của email đề tên ông Sơn phải chăng đang muốn loại Cerebrolizat?

Cũng trong email, sản phẩm mang tính sáng chế Gliatilin được nhắc đến là sản phẩm nằm trong top 20 sản phẩm dược có chi phí lớn. Vậy 19 sản phẩm khác sao không bị nhắc tên? Khi một loại thuốc bị nhắc tên có nghĩa là nó đang nằm vào “tầm ngắm” và những tên khác dù chi phí lớn cũng nằm trong ngưỡng an toàn?  Đó là chưa nói đến hoạt chất Choline Alfoscerate mà bức thư đề cập thì các DN trong nước đã tự sản xuất được, với 16 số đăng ký (trong tổng số 20 số đăng ký của cả DN trong và ngoài nước đang lưu hành tại Việt Nam) đang còn hiệu lực.  

Nhưng nội dung của email đề cập cần phải  kiểm soát chặt chẽ việc chỉ định thuốc Gliatilin (hoạt chất Choline alfoscerate) có khác gì gián tiếp đẩy sản phẩm của các DN trong nước vào thế khó khăn, không được BHYT thanh toán, gián tiếp “kìm hãm” DN Dược trong nước, đi ngược lại với chiến lược quốc gia về phát triển ngành dược đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

 Chúng tôi sẽ liên lạc với ông Sơn để tìm hiểu vấn đề này.

Đọc thêm