Vụ kiện bỏ quên đồ trên máy bay và cuộc chiến "luật - lệ" 10 năm chưa có hồi kết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở Phần Lan có một vụ kiện giữa tòa án cùng cảnh sát và một công ty dai dẳng suốt cả thập kỷ nay mà vẫn chưa đến hồi kết. Đó là vụ xử lý đồ bị thất lạc trị giá gần nửa triệu Euro không có người nhận của hãng hàng không Finair (Phần Lan) xảy ra hồi tháng 10/2009. 
Vụ kiện 10 năm liên quan đến vụ xử lý đồ không người nhận của Hãng hàng không Finair (Phần Lan).
Vụ kiện 10 năm liên quan đến vụ xử lý đồ không người nhận của Hãng hàng không Finair (Phần Lan).

Thật ra, cho dù vụ kiện tụng chưa đến hồi kết vì tòa án tối cao đất nước này chưa phân xử và đưa ra phán quyết cuối cùng, thiên hạ cũng đã biết trước được là công ty kia sẽ bị thua bởi thường ở đất nước này không có chuyện cảnh sát và tòa án nhận phần thua trong các cuộc kiện tụng.

Vụ việc liên quan đến một công ty con chuyên về nhận và xử lý đồ bị thất lạc và không có người nhận của hãng hàng không Finair của Phần Lan. Việc này xảy ra hồi tháng 10/2009, liên quan đến một phụ nữ người Trung Quốc và số tiền gần nửa triệu Euro.

Câu chuyện này đồng thời còn là cuộc đại chiến giữa luật và lệ suốt từ đó đến nay. Hồi ấy, người phụ nữ này bị cảnh sát Tây Ban Nha lôi đi khi đã ngồi trên máy bay từ Madrid đến thủ đô Helsinki của Phần Lan để sau đó sẽ đến thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

Khi bị lôi ra khỏi máy bay, người phụ nữ này không cầm theo túi xách, trong đó có gần nửa triệu Euro được giấu trong các hộp kẹo socola và đồ trang sức.

Công ty kia của hãng Finair giao nộp số tiền này cho cảnh sát vì cho rằng số tiền ấy có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Cơ quan điều tra của Phần Lan tiến hành điều tra nhưng không chứng minh được là số tiền ấy có liên quan đến hoạt động rửa tiền nên đã huỷ bỏ biện pháp tịch thu số tiền. Cho đến lúc này, tất cả đều đúng theo luật. Công ty kia hành xử phù hợp với pháp luật và cơ quan điều tra cũng xử lý theo đúng pháp luật.

Nhưng cũng từ thời điểm này mà có sự khác nhau và đấu chọi giữa các điều luật với nhau và giữa luật với lệ. Cảnh sát Phần Lan sau đấy đã đưa ra thông báo là người phụ nữ Trung Quốc kia có thể đến Phần Lan để nhận lại số tiền và nếu như hết thời hạn 3 tháng mà không làm việc này thì số tiền ấy được xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật Phần Lan.

Người phụ nữ ấy không xuất hiện và cũng không ai biết gì về những chuyện đã xảy ra với người phụ nữ này từ khi bị cảnh sát Tây Ban Nha lôi ra khỏi máy bay năm 2009. Thời hạn hết, cảnh sát Phần Lan cho rằng số tiền kia phải được đưa vào công quỹ nhà nước, viện dẫn luật pháp quy định như vậy.

Công ty của hãng Finair thì lại có quan điểm khác và cho rằng số tiền ấy thuộc về công ty. Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành thì những tài sản không ai nhận trên các chuyến bay của hãng Finair đều thuộc về công ty này chứ không bị xung vào công quỹ nhà nước. Hai bên đưa nhau ra tòa và tòa các cấp đều phán số tiền thuộc về nhà nước. Vì thế vụ việc mới lên tới tận tòa án tối cao.

Luật rất rõ ràng và cụ thể nhưng lại đối ngược nhau mà trong mọi trường hợp như thế này thì phía công quyền nhà nước luôn luôn được tòa xử cho thắng. Một khi bên nào cũng có lý và hợp luật thì phía cơ quan công quyền luôn được tòa xác nhận là có lý hơn và đúng hơn.

Cái lệ ấy tuy bất thành văn nhưng lại luôn hữu dụng. Cũng vì thế mà dư luận chung giờ hồi hộp theo dõi xem tòa án tối cao ở đất nước này phân xử thế nào, sẽ theo luật hay nghiêng về lệ?

Đọc thêm