Nơm nớp
Mới đây, UBND TP HCM đã có Công văn số 791/UBND-VX gửi Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thông báo việc cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke được phép hoạt động trở lại nhưng phải tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của ngành Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn bề mặt, trang bị dung dịch sát khuẩn đầy đủ, nhân viên phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh phòng hộ theo hướng dẫn của ngành Y tế; áp dụng hình thức khai báo y tế điện tử để phục vụ điều tra truy vết khi cần thiết, thực hiện đầy đủ các hoạt động đảm bảo an toàn khác theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các Bộ Tiêu chí đã được TP ban hành.
Như vậy, gần 500 quán karaoke, 180 vũ trường và bar ở thành phố được hoạt động trở lại từ ngày 19/3 sau hơn một tháng đóng cửa để phòng Covid-19. Đây là đợt đóng - mở cửa trở lại lần thứ 3 đối với các dịch vụ này tính từ thời điểm đầu năm 2020, khi dịch bắt đầu bùng phát.
Là một loại hình kinh doanh mang tính nhạy cảm, lại tụ tập đông người, bar, vũ trường, karaoke thường là những dịch vụ đầu tiên được yêu cầu đóng cửa mỗi đợt dịch bùng và được cho phép mở cửa sau cùng, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát một cách ổn định.
Thực tế đã cho thấy, trong quá trình hoạt động, không ít quán bar, vũ trường đã xuất hiện người nghi nhiễm, hoặc F1, F2 của người nhiễm Covid. Như trường hợp quán bar Buddha trở thành ổ dịch ở quận 2, hay thời điểm trước Tết, ổ dịch xuất hiện tại quán bar Tanto ở quận 9 khiến hàng loạt nhân viên phải đi cách ly, quán bar bị phong tỏa.
Một số loại hình giải trí suy yếu
Khác với nhiều thời điểm rầm rộ mở cửa, tuyển dụng và quảng bá trước đó, đợt mở cửa sau Tết đối với loại hình kinh doanh bar, karaoke, vũ trường khá im ắng. Lý do là việc đóng, mở cửa cách đoạn đã khiến nhiều cơ sở kinh doanh loại hình này lâm vào khó khăn.
Nhiều cơ sở vẫn đang im ắng xem “tình hình thế nào” vì sợ mở cửa rồi lại phải đóng cửa, gây bất tiện và nhiều tốn kém. Cạnh đó, không ít quán bar, karaoke đã phá sản, đóng cửa vĩnh viễn sau nhiều đợt bị ngưng hoạt động.
Ông Nguyễn Minh Phước, quản lý bar Sakura ở TP Thủ Đức cho biết: “Sakura là một trong những quán bar nổi tiếng và đông khách nhất khu vực Thủ Đức, nhưng sau 3 đợt mở cửa và đóng cửa chúng tôi đã không thể trụ lại được. Mỗi một đợt đóng cửa, vì không biết sẽ được mở cửa sớm hay muộn, chúng tôi vẫn chưa dám giải thể nhân viên mà chỉ cắt giảm lương.
Đồng thời vẫn phải chịu trọn vẹn chi phí mặt bằng. Mỗi một đợt mở cửa trở lại, số tiền đầu tư cũng không kém khi phải trang trí, làm mới lại quán, sửa chữa các thiết bị âm thanh, ánh sáng đã hư hỏng do một thời gian không sử dụng, đẩy mạnh chi phí quảng cáo, các chương trình khuyến mãi để khách nhớ và đến với mình… Trải qua vài đợt như vậy, chúng tôi đã quyết định đóng cửa vào thời điểm bùng dịch trở lại trước Tết Nguyên đán 2021”.
Nhiều chủ kinh doanh bar, vũ trường đã linh động chuyển đổi loại hình kinh doanh sang nhà hàng, quán cafe để mong có thể duy trì được qua dịch.
Cạnh đó, một số quán bar, karaoke thương hiệu mạnh, lâu đời tiếp tục duy trì và tăng cường các hoạt động khuyến mãi nhằm thu hút khách. Thương hiệu karaoke Nnice thông báo mở cửa kể từ ngày 19/3 với chương trình giảm giá 15% cho khách hàng, đồng thời cho biết dù thời điểm đóng cửa nhưng luôn sẵn sàng về trang thiết bị, nhân lực cho thời điểm mở cửa trở lại.
Đại diện thương hiệu karaoke này cũng chia sẻ, các quán trong hệ thống luôn thực hiện khử khuẩn nghiêm ngặt sau mỗi ngày kinh doanh. Hàng loạt các điểm karaoke khác như Ikool, King… cũng đã tung các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng trở lại sau những ngày vắng bóng.
Tuy nhiên, sau dịch, tình hình kinh doanh karaoke cũng không mấy khả quan do một thời gian dài người dân đã ngưng sử dụng loại hình giải trí này cùng với sự phát triển của hình thứ karaoke “tại gia” bằng loa thùng, loa mini tiện dụng kết nối với thiết bị điện tử trong nhà.
Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ hoạt động kinh doanh của người dân. Sự ảnh hưởng đối với mỗi ngành nghề có khác nhau. Đó là tình hình khách quan do dịch bệnh mà các doanh nghiệp phải chấp nhận, hoặc buộc phải có sự thay đổi để thích ứng. Sau đại dịch, có lẽ sẽ còn có nhiều thay đổi hơn nữa khi một số loại hình kinh doanh phải chấp nhận yếu thế, thậm chí “hết thời”, nhường chỗ cho những loại hình phù hợp với thời đại hơn.