Vui buồn quanh tượng vàng Oscar: “Triệu phú ổ chuột” bị tranh cãi vì “làm xấu” đất nước Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ trao giải Oscar lần thứ 81 năm 2009, bộ phim về Ấn Độ thống trị giải thưởng của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ khi chiến thắng ở 8 trong 10 đề cử. Trong đó, chiến thắng giải Phim xuất sắc nhất đã làm dấy lên tranh luận không ngớt của khán giả.
Đoàn làm phim "Triệu phú ổ chuột" được vinh danh trên thảm đỏ Qscar năm 2009.
Đoàn làm phim "Triệu phú ổ chuột" được vinh danh trên thảm đỏ Qscar năm 2009.

Ẩn ý đằng sau giấc mộng làm giàu

Slumdog Millionaire (tựa tiếng Việt: Triệu phú ổ chuột) là một bộ phim Anh của đạo diễn Danny Boyle, do Christian Colson sản xuất, Simon Beaufoy viết kịch bản và đồng đạo diễn tại Ấn Độ bởi Loveleen Tandan. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột xuất bản vào năm 2005 của tác giả, nhà ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup.

Được dàn dựng và quay tại Ấn Độ, Triệu phú ổ chuột kể lại câu chuyện đổi đời của một chàng trai trẻ Jamal Malik xuất thân từ khu ổ chuột Juhu ở Mumbai khi cậu tham gia trong trò chơi truyền hình Who Wants to Be a Millionaire? (tức Ai là triệu phú?) phiên bản Ấn Độ (Kaun Banega Crorepati, tiếng Hindi). Cậu đã bất ngờ trả lời được chính xác tất cả những câu hỏi để giành ngôi quán quân, vượt quá kỳ vọng của mọi người và khiến người dẫn chương trình lẫn các sĩ quan cảnh sát phải nghi ngờ cậu gian lận.

Bộ phim được mở đầu bằng cảnh Jamal bị hai viên cảnh sát tra khảo vì không tin rằng cậu thực sự trả lời được hết tất cả các câu hỏi. Họ cho rằng cậu có người nhắc, có gắn chip dưới da, hoặc bằng cách nào đấy đã gian lận. Lý lẽ của họ chỉ đơn giản là: “Giáo sư, bác sĩ, luật sư, những người có kiến thức bình thường chưa từng đoạt trên 60.000 rupees. Anh ta đã đạt 10 triệu rupees.

Làm sao mà một kẻ sống ở khu ổ chuột có thể biết câu trả lời?”. Họ cho rằng, cần đi học, cần có bằng cấp, cần có địa vị, thì mới có khả năng trả lời được hết những câu hỏi thuộc mọi lĩnh vực trong chương trình “Ai là triệu phú?”.

Tuy nhiên, ngay trong câu hỏi của họ vốn đã có câu trả lời: Giáo sư, bác sĩ, luật sư, những người có kiến thức bình thường chưa từng đoạt trên 60.000 rupees. Nhưng một kẻ sống ở khu ổ chuột thì có. Bởi tri thức là những gì còn sót lại sau khi quên, học thật nhiều trên trường, đọc thật nhiều sách, nhưng còn nhớ được bao nhiêu, đó mới là tri thức.

Kiến thức của Jamal không đến từ những buổi học, cắp sách đi và cắp sách về, kiến thức của cậu là đến từ những trải nghiệm đau khổ của một đời sống đói nghèo trong khu ổ chuột, là những lần nhảy xuống hố phân, là khi chứng kiến người mẹ thân thương của mình bị đánh chết vì mâu thuẫn tôn giáo, là quãng thời gian bị bắt đi ăn xin ăn cắp... là những gì mà khi đưa ra câu trả lời đúng, Jamal chỉ ước rằng, giá như mình chưa từng biết câu trả lời, giá như cậu có thể đã quên được chúng.

Từ cuộc sống vất vưởng, cậu bé mồ côi bụi đời đã chiến thắng bất công và nghịch lý, trở thành anh hùng trong mắt của hàng triệu người dân nghèo khổ. Nhưng đằng sau giấc mộng làm giàu, còn tiềm ẩn câu chuyện ngụ ý rằng Jamal không hám tiền. Chàng thanh niên này tham gia “Ai là triệu phú” là để có cơ hội tìm lại mối tình đầu của mình - nàng Latika...

Những đánh giá không tích cực

Sau khi ra mắt tại Liên hoan phim Telluride và được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto và Liên hoan phim London, thoạt đầu Triệu phú ổ chuột chỉ được Fox Searchlight Pictures và Warner Bros Pictures trình chiếu một cách hạn chế tại Bắc Mỹ vào ngày 12/11/2008. Bộ phim đã được công chiếu trên toàn thế giới vào ngày 9/1/2009 tại Anh và 23/1/2009 tại Hoa Kỳ. Tại Ấn Độ, nó được trình chiếu lần đầu tại Mumbai vào ngày 22/1/2009. Bộ phim đã được phát hành DVD vào ngày 31/3/2009 tại Hoa Kỳ.

Triệu phú ổ chuột đã được đề cử 10 giải Oscar 2009 và giành được 8 giải, nhiều nhất trong các bộ phim tham dự giải thưởng năm đó. Ngoài giải thưởng danh giá Phim xuất sắc nhất, Slumdog Millionaire còn giành giải: Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất, Biên tập phim xuất sắc nhất, Hòa âm xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Nhạc phim hay nhất (A.R. Rahman) và Ca khúc trong phim hay nhất (ca khúc Jai Ho).

Bộ phim cũng giành được 5 Giải lựa chọn của Nhà phê bình (Critics’ Choice Awards), 4 Giải Quả cầu vàng và 7 Giải BAFTA (Viện Hàn lâm nghệ thuật điện ảnh và truyền hình Anh quốc), trong đó có Phim Xuất sắc nhất. Với kinh phí chỉ 15 triệu USD, bộ phim của đạo diễn Danny Boyle mở ra những hy vọng thành công mới cho dòng phim độc lập.

Kịch bản Triệu phú ổ chuột dựa trên tiểu thuyết của Vikass Swarup, đã được chuyển thể lên màn bạc với một nhịp điệu sôi động hiếm thấy. Tình yêu, tiền tài, bạo lực, tất cả những đề tài đặc trưng và hấp dẫn của phim Ấn Độ, đã được cộng hưởng qua một câu chuyện mang phần kết có hậu: Jamal và Latika hạnh phúc bên nhau. Thế nhưng, điều mà đoàn làm phim và đạo diễn người Anh Danny Boyle muốn truyền tải đến khán giả thế giới lại mang một giá trị nhân văn cao hơn: đó là mối quan hệ giữa con người với con người trong vòng xoáy của hội nhập, phát triển kinh tế.

Qua các mảnh đời của nhân vật, Triệu phú ổ chuột mô tả quãng thời gian 20 năm của thành phố Bombay (nay trở thành Mumbai). Trong phim và cả ở thực tế, thành phố này tràn trề sức sống, rùng rùng chuyển động, với các trung tâm thương mại sầm uất và nhà cao chọc trời. Thế nhưng những hào nhoáng đó lại tương phản với thân phận của những thành phần xã hội bị bỏ quên, trong đó sự giàu có dẫn theo nạn người bóc lột người đến tận xương tủy. Ví dụ như đoạn phim kể về các em bé mồ côi bị móc mắt để biến thành hành khất mù...

Các nhà làm phim đã xây dựng được câu chuyện bên cạnh các đống rác ngất ngưởng, các khu nhà ổ chuột và các dòng xe hơi tắc nghẽn, ngột ngạt khói mù, Mumbai vẫn còn chỗ giành cho sự chân thành và lòng tốt của con người để hóa giải mọi sự trắc trở. Bộ phim đã phản ánh bức tranh xã hội tại quốc gia phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ như Ấn Độ, vừa khéo léo truyền tải thông điệp nhân văn về giá trị con người và tình yêu.

Vì thế, Slumdog Millionaire làm bùng nổ hàng loạt cuộc biểu tình phản đối tại Ấn Độ, bởi người dân Ấn Độ cho rằng bộ phim đã làm xấu bộ mặt của đất nước này với những hình ảnh đói nghèo, tối tăm... Triệu phú ổ chuột cũng khơi lên những tranh cãi liên quan đến cách sử dụng ngôn ngữ, cách phác họa chân dung người Ấn Độ và đạo Hindu hay vấn đề chăm sóc cho các diễn viên nhí của phim.

Bên cạnh đó, đối đầu với “đối thủ nặng ký” The Curious Case of Benjamin Button tại Oscar lần thứ 81, Slumdog Millionaire đã nhận được nhiều đánh giá không mấy tích cực về cách xây dựng hình ảnh và cách thức miêu tả xã hội tại đất nước Ấn Độ. Cốt truyện nghèo nàn và chưa mang tính thực tế là những lý do được nhắc tới nhiều nhất khi bộ phim đoạt được giải thưởng cao quý tại Oscar vào năm 2009.

Tác phẩm này cũng đánh dấu sự hợp tác giữa Hollywood và Bollywood - một trong những chiến lược lâu dài vừa bắt đầu được đẩy mạnh gần đây nhằm mở rộng thị trường và ảnh hưởng của Hollywood. Chiến thắng của bộ phim sẽ mở rộng hơn cánh cửa tấn công vào thị trường Ấn Độ của các hãng phim Hollywood trong thời gian tới. Bởi vậy, qua kết quả cuối cùng, dư luận cho rằng giải thưởng đã bộc lộ tính chiến lược thương mại và chính trị.

Đọc thêm