Vâng, không chỉ nơi “Đại Nam thực lục”, mà qua tìm hiểu rất nhiều tài liệu liên quan của nhà Nguyễn, ta có thể khẳng định, Trịnh Đường, chính là Trịnh Hoa Đường đấy. Từ những mảnh sử liệu rời rạc, nay, xin làm rõ cả sự nghiệp của Trịnh Đường (Trịnh Hoa Đường) cũng như nội dung vụ án liên quan.
Đường công danh họ Trịnh
Trong “Quốc triều Hương khoa lục”, khi viết về Trịnh Đường, có cho biết ông đậu kỳ thị Hương năm Kỷ Mão (1819) thời vua Gia Long tại trường Thăng Long. Năm ấy, trường thi Thăng Long lấy đỗ 23 người, Trịnh Đường xếp thứ ba: “Trịnh Đường. Người xã Phù Đổng huyện Tiên Du. Làm quan tới chức Tuần phủ An Giang, vì tỉnh thành thất thủ bị tội”. Đấy là những thông tin ngắn trong sách khoa bảng thời Nguyễn.
Xem nơi “Trạng nguyên, tiến sĩ, hương cống Việt Nam”, ta được biết thông tin về Trịnh Đường cũng tương tự như ghi chép của cụ Cao: “Trịnh Đường (Cử nhân) Người xã Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hồ Nội. Thi Hương khoa Kỷ Mão, Gia Long thứ 19 (1819), tại trường Thăng Long. Làm tới chức Tuần phủ An Giang, vì tỉnh thành thất thủ, bị tội”.
Ấy là sơ lược về đường công danh họ Trịnh, còn nhìn về đường làm quan của ông, ta nên xem trong sử nhà Nguyễn thì hẳn tường minh hơn. Nhưng xét ra, chỉ nên lược thuật thì hơn, bởi sử liệu về họ Trịnh dẫu tản mát, nhưng cũng được ghi lại khá nhiều.
Sau khi thi đỗ cử nhân khoa thi Hương năm Kỷ Mão (1819), họ Trịnh bắt đầu đời làm quan của mình. Nhưng phải đến năm Bính Tuất (1826) thời Minh Mạng, sử nhà Nguyễn mới chép về ông. Năm ấy Trịnh Đường đương làm Tri huyện Tiên Lữ, gặp lúc “giặc” 400 tên đến cướp xã Phí Xá, quan Trịnh liền đem quân đến, cùng dân làng cực “giặc” với mưu kế tài tình “Đường giả lấy thuyền thúng làm con voi, sai dân đội tự đằng xa lại, phao tin là quân thành đến, đánh trống reo hò tiến lên. Giặc nghe thấy sợ chạy tan”. Vua Minh Mạng biết việc ấy, khen ngợi và gia thêm 1 cấp, được dùng hàm Đồng Tri phủ.
Năm Mậu Tý (1828), “Quốc sử di biên” cho biết vua lấy “Trịnh Đường làm Hộ bộ Viên ngoại lang”. Bước sang năm Canh Dần (1830), Trịnh Đường được bổ làm Lang trung Lại bộ. Năm sau Tân Mão (1831), được bổ làm Tham hiệp Bình Định. Đến cuối năm ấy, họ Trịnh được thăng làm thự Hiệp trấn (tạm giữ chức Hiệp trấn).
Lại đến năm Nhâm Thìn (1832), từ thự Hiệp trấn, Trịnh Đường được bổ làm thự Bố chính sứ. Ấy rồi tháng 4 năm Quý Tỵ (1833) ông được vời về kinh. Nhân có thổ phỉ Sơn Tây, Hưng Hóa làm loạn, ông xin vua cầm quân đi đánh. Vua không thuận cho, nhưng bổ ông làm Binh bộ Hữu thị lang. Sau đó vẫn tháng ấy, Trịnh Đường được bổ làm Bố chính Thanh Hoa.
Làm Bố chính đất Thanh chưa được bao lâu, quan họ Trịnh được gọi về Kinh, đến tháng 7 làm Hữu thị lang bộ Lễ. Ngay tháng sau thì duyên với đất Hà Tiên đến, vua bổ làm Bố chính Hà Tiên, hộ lý quan phòng Tuần phủ.
Án xưa kể lại
Nơi đất Hà Tiên, Trịnh Đường được dụ của vua Minh Mạng “thăm dò tăm hơi người Xiêm tâu để vua biết”. Cũng khi làm Hộ phủ nơi đây, vị quan đất Phù Đổng có công truy lục công trạng cho Tuần phủ Phạm Xuân Bích, Án sát Trần Văn Quản đã tử tiết, không đầu hàng trong sự biến Lê Văn Khôi trước đó, tâu lên với vua để truy tặng cho họ.
Cũng dạo quản lĩnh đất này, Trịnh Đường xem kỹ địa hình tỉnh lỵ trước đó là Mỹ Đức và hiện thời là Giang Thành đã xin vua dời về trấn sở cũ để tiện cho việc buôn bán, phòng giữ, được vua khen là: “Việc trước mắt ấy, ngươi nói rất phải. Chuẩn cho được cả như lời thỉnh cầu mà thi hành”.
Rồi sau đó, người Thanh theo giặc cướp bóc Hà Tiên bị quan quân bắt được, vua thưởng bổ ông làm Tuần phủ kiêm việc Bố chính sứ. Đến tháng 12 năm Quý Tỵ (1833), người Xiêm xâm lấn, Trịnh Đường phái binh đi chống giữ, dù nhiều phen bị uy hiếp nhưng vấn kiên trì giữ đất. Ấy thế nhưng cũng qua lần đó, ông bị vướng vào vụ án mà ta được biết ở kỳ trước tuy chưa rõ nguồn cơn. Thì đây, “Quốc sử di biên”, cho biết, “Trịnh Đường vì trộm của công nghìn xâu tiền, bị xử tội thắt cổ chết”. Ấy là ghi chép tóm lược của Phan Thúc Trực. Còn sự vụ cụ thể, phải xem nơi “Đại Nam thực lục” cho tỏ.
Theo đó, tháng 3 năm Giáp Ngọ (1834), Trịnh Đường vì có tội, bị miễn chức. Nguyên do là như “Đại Nam thực lục” cho hay, khi giặc Xiêm tiến đến tỉnh Hà Tiên “Đường lấy giấu 1.000 quan tiền công ở kho đem xuống thuyền chạy trốn, có nguyên Án sát Đặng Văn Nguyên trông thấy. Đến khi tỉnh lỵ đã thu phục, Đường lại tâu man là tiền ở kho bị giặc lấy mất. Đến đây, Tham tán Hồ Văn Khuê nhân Đặng Văn Nguyên phát giác, mới chỉ đích danh mà hặc”.
|
Vua Minh Mạng rất nghiêm khắc với Trịnh Đường |
Vua Minh Mạng xét lời hặc ấy, mới có dụ quở trách rất ư nặng nề với họ Trịnh: “Trịnh Đường trước đây có lỗi, đã được gạt bỏ vết xấu mà lại dung. Gần đây, vì có nhiều việc, được cất nhắc vượt bậc, ủy cho chức Tuần phủ. Khi đi nhậm chức, ta đã khuyên bảo tận mặt và hậu cấp cho bạc lạng làm tiền dưỡng liêm.
Đáng lẽ phải gắng sức để báo ơn mới phải, thế mà khi đến tỉnh, không tỏ được một sở trường gì, để Hà Tiên thất thủ, tội đã khó tha thứ, lại còn dám nhân lúc ấy, lấy cắp tiền công đến 1.000 quan, vội bỏ thành trì đất đai mà chạy. Bản tâm của y chính là nhằm lợi dụng lúc có giặc cướp để làm việc giant ham đó, thực đáng ghét! Nay lập tức cách chức, cho xích lại, giao viên tiếp biện là Trần Chấn xét rõ, tâu lên”. Sau dụ của vua, Trịnh Đường bị giải về Kinh lấy chứng cứ, và giao cho bộ Hình xét xử.
Bản thân Trịnh Đường trước đó cũng làm một tớ sớ nhận tội, đại ý viết khi tỉnh lỵ thất thủ, đã mang số tiền ấy theo thuyền, tiêu hết 400 quan, còn lại biền binh vứt hết xuống sông. Tập tấu trước kia nói giặc lấy mất là nói sai, xin chịu tội. Đọc sớ ấy, vua Minh Mạng giận hơn, bảo với bộ Hình: “Tên Đường xâm lạm tiền công, lại bức bách biền binh khai man là vứt xuống sông. Đã bị người tham hặc, còn dám vin cớ đó mà cãi, sao nó gian dối đến thế!”. Thế rồi vụ việc đem ra xét xử, họ Trịnh bị xử tội thắt cổ ngay. Sinh thời, theo “Quốc sử di biên”, họ Trịnh có thơ rằng:
Sổ đôi thanh thảo mai tàn cốt,
Nhất chấm hoàng lương tỉnh mộng hồn.
(Vài gò cỏ xanh chôn nắm xương còn lại,
Gối mộng Hoàng lương, khiến tinh hồn mơ)”.
Ở đây ta thấy, sử liệu nhà Nguyễn, so với ghi chép của Nhật Nham Trịnh Như Tấu nơi số 20 tạp chí “Tri Tân”, rõ ràng khác nhau. Không rõ cụ Nhật Nham dùng sử liệu nào để khẳng định Trịnh Hoa Đường, tức Trịnh Đường đỗ tiến sĩ, và khi đó mới 13 tuổi.
Trong khi “Quốc triều Hương khoa lục” do Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục (1842 - 1923) viết và in trước khi tác giả mất, cho hay ông chỉ đậu Cử nhân. Tìm trong các nguồn sử liệu liên quan đến khoa cử nhà Nguyễn, chúng tôi cũng không thấy tài liệu nào ghi ông đỗ tiến sĩ.
Thêm nữa, việc cụ Nhật Nham cho rằng họ Trịnh được bổ làm quan ở Hà Tiên ngay từ năm 13 tuổi so với sử liệu nhà Nguyễn, thực không hợp lý. Nhất là với một chức vụ phải đảm đương vùng đất phên giậu của Tổ quốc, phải khéo léo trong mối quan hệ với Xiêm, Chân Lạp cũng như với các sắc dân Miên, Thanh…
Ở tuổi 13, họ Trịnh có thể đủ trí lực đảm đương được vị trí khó khăn này chăng? Lại nhớ dạo “Trạng Non” Nguyễn Hiền ghi danh bảng vàng, còn phải về quê rèn luyện thêm trước khi được bổ nhiệm. Trong khi ấy theo sử nhà Nguyễn, trước khi đảm đương đất Hà Tiên, họ Trịnh đã kinh qua nhiều vị trí, chức vụ từ Bắc tới Trung rồi.
Lời sàm tấu vu oan cho Trịnh Hoa Đường mà cụ Nhật Nham nói ở Tri Tân số 20 ta không rõ cụ thể ra sao. Nhưng sử liệu nhà Nguyễn thì ghi rõ ràng chi tiết. Vậy nên tin ai? Nhất là khi cụ Nhật Nham Trịnh Như Tấu lại cùng họ với quan Trịnh Đường. Ta có nghĩ đến việc cụ vị tình hay không.