Hơn 30 năm, lần đầu tiên câu chuyện của người vợ lính vượt gần 800km từ TP.Nha Trang ra đảo Phú Quốc tìm chồng được chính nhân vật kể lại. Trước biển Nha Trang, Thiếu tá - cựu chiến binh Nguyễn Duy Lam (SN 1950, ngụ TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bồi hồi kể lại câu chuyện của chính vợ chồng mình hơn 30 năm trước. Người vợ cùng tên với anh, chị Võ Thị Lam (SN 1950) đã làm nên một kỳ tích xúc động mà đến giờ những người lính Hải quân ở Phú Quốc vẫn còn nhắc đến.
Đất nước thống nhất mà chồng vẫn biền biệt
Anh Lam tâm sự, vợ chồng mình vốn quê ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Mùa xuân năm 1967, anh lên đường nhập ngũ. Năm năm ngang dọc suốt chiến trường Quảng Trị, từ chiến dịch Đường 9 Nam Lào, rồi Tà Cơn – Khe Sanh…, tháng 4/1975, anh Lam được điều về Quân chủng Hải quân tham gia giải phóng đảo Phú Quốc, Nam Du, Thổ Chu, sau đó sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Suốt quãng thời gian từ 1979 – 1982, biết bao lá thư gửi về cho gia đình, vợ con đều không có hồi âm.
Ở quê nhà gió Lào nắng lửa, người vợ vẫn thầm lặng chờ chồng, chị cứ tưởng nước nhà thống nhất, gia đình được sum họp, ngờ đâu anh cứ biền biệt đi xa. Đầu năm 1976, đám cưới mới được hơn một tuần lễ, anh đã phải trở lại chiến trường, chị Lam - vợ anh cũng từng là chính trị viên dân công hỏa tuyến những năm 1972, 1973 ở Thượng Lào, giờ xuất ngũ về quê. Một mình chị nuôi hai cô con gái, thi thoảng anh mới có dịp về thăm nhà, khi thì lợp lại cho mẹ con mái tranh dột nát sau cơn bão, khi thì lên núi chặt ít cây tre về làm cho vợ cái chuồng lợn, chuồng gà.
Sau này khi không nhận được tin anh, chị và hai con đã vào Nha Trang ở trọ nhà người bà con. Lúc đó đứa con đầu của anh chị mới lên bốn tuổi, đứa thứ hai gần hai tuổi. Thời điểm đó đã mấy năm anh Lam chưa về thăm nhà và đã gần nửa năm không có thư về.
Đã vào đến Nha Trang nhưng tin chồng vẫn biền biệt. Chị Lam lúc nào cũng canh cánh thương nhớ chồng. Khi nghe đài báo vùng biển phía Tây Nam hay có giông bão làm một số tàu ngư dân bị đắm, lòng chị cứ cồn cào, nghĩ gần, nghĩ xa không biết chồng còn sống hay đã hy sinh? Một quyết định lóe lên trong chị: Ra Phú Quốc tìm chồng!
Vượt biển tìm chồng
Đầu tháng 3/1983, gửi lại người thân hai đứa con còn nhỏ dại, chị khăn gói lên đường, lặng lẽ ra đi lúc trời chưa kịp sáng và các con còn ngon giấc. Ngày đó, từ đất liền ra đảo gần như là một chặng đường không tưởng đối với người dân quê như vợ anh Lam. Quãng đường từ Nha Trang đến Phú Quốc dài gần 800 km, từ xếp hàng mua vé, xuất trình giấy giới thiệu rồi nằm vạ vật lại bến xe này, bến xe khác,… khó khăn càng thêm mông lung khi chị không có địa chỉ cụ thể đơn vị của chồng, chỉ biết anh là bộ đội Hải quân ở vùng 5. Nhưng người vợ lính vẫn kiên quyết đi tiếp.
Ngày đi, đêm nghỉ, vừa đi xe, vừa đi bộ, ròng rã 6 ngày liền mới đến cảng Rạch Giá. May mắn lại không đến với chị vào thời điểm ấy, tàu quốc doanh chưa có kế hoạch ra đảo bởi vùng biển Tây Nam đang vào mùa gió chướng. Chị đành nằm lại 9 ngày tại trạm khách Hải quân, hết đứng lại ngồi, chỉ biết chờ đợi. Đồng tiền ít ỏi mang theo cũng cạn kiệt. Mắt dõi biển, cứ thấy tàu chạy qua, rồi thấy màu áo Hải quân là chị lân la hỏi thăm về tin tức của chồng nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Sau gần chục ngày chờ đợi, chị Lam được các chiến sĩ Hải quân thông báo chuẩn bị có tàu ra đảo Phú Quốc. Chị mừng trào nước mắt, loay hoay làm thủ tục ở trạm đến khi chạy ra cầu tàu thì tàu đã nhổ neo bắt đầu rời bến. Người phụ nữ hốt hoảng, sấp ngửa chạy theo và trượt chân ngã xuống nước, bập bõm một lúc thì có mấy anh lính thủy nhảy xuống vớt lên kịp thời. Mấy túi đồ nổi lềnh bềnh, vớt lên sũng nước. Mọi người xúm lại hỏi thăm, biết chị là vợ đi tìm chồng đóng quân ở đảo, ai cũng cảm phục, họ đưa cho chị bộ quân phục để thay tạm.
Tình yêu nơi đầu sóng
Khi ngồi trên tàu lắc lư, dẫu mệt lả nhưng lúc nào chị cũng cố dõi qua khoang tàu, hễ thấy những tàu Hải quân đi về phía đất liền là chị lại chăm chú nhìn, có lúc còn hô lên: “Ai đó sao giống anh Lam nhà tôi”. Nhưng tiếng gọi của chị đã tan biến giữa trời biển mênh mông. Đêm trên tàu, trùng khơi một màu đen sẫm, hành khách nào cũng thấm mệt nằm ngồi la liệt. Riêng chị Lam không sao chợp mắt, vừa lo cho chồng vừa thương hai đứa con ở nhà.
|
Vợ chồng Thiếu tá Duy Lam thời trẻ. |
Tàu cập bến Dương Tơ, đảo Phú Quốc hiện ra trước mắt. Chị Lam tìm đến đơn vị Hải quân rồi thấp thỏm ngồi đợi ngoài cổng, lòng dạ rối bời không biết tìm chồng nơi nào. Thiếu tá Nguyễn Duy Lam nhớ lại: “Lúc ấy mới hơn 3h sáng, tôi nghe những tiếng gõ cửa và ai đó gọi: “Đồng chí Lam ra cổng đón người nhà”.
Tôi cứ nghĩ mơ hay thực, ai đến thăm mình nơi xa lắc này. Khi chạy ra đến vọng gác, thấy vợ mình mặc tấm áo hải quân, tay ôm bị đồ, dáng thẫn thờ, tôi lặng người như không tin vào mắt mình. Chúng tôi ôm lấy nhau lặng im trong nước mắt. Người lính gác cũng không kìm được xúc động”.
Những ngày chị lưu lại trên đảo là những ngày nồng ấm trong tình yêu của người chồng và tình cảm của những người lính đảo. Đến giờ chị Lam vẫn giữ những con ốc biển được các chú lính tỉ mẩn lựa chọn gửi về làm quà cho hai cháu ở nhà, đặc biệt là bữa ăn đạm bạc của người lính, thêm nắm rau của đảo gọi là “cho sang” để tiếp khách.
Những gương mặt rắn rỏi, mái tóc bung xòa trong gió biển, cuộc sống của những người lính Hải quân nơi chồng chị đóng quân còn nhiều khó khăn nhưng thật hào sảng, kiên trung. Gặp được chồng sau mấy năm trời biền biệt, chị Lam yên tâm trở về đất liền chăm sóc hai con, tiếp tục chờ chồng.
Cổ tích ngoài đảo xa
Mùa xuân năm 1984, sau nhiều năm cống hiến trên nhiều chiến trường khắc nghiệt của đất nước, anh Lam đã trở về công tác tại Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang, trải qua cương vị khác nhau, đến năm 1989 thì anh nghỉ hưu, sinh sống ở Nha Trang và tham gia nhiều công tác xã hội. Hai người con gái đều đã trưởng thành, người con gái đầu đang công tác trong lĩnh vực ngoại giao ngoài Hà Nội. Người con gái út đang là một sĩ quan công an tại tỉnh Khánh Hòa. Chị Lam sau nhiều năm công tác trong ngành du lịch tỉnh giờ cũng đã về hưu.
Kể lại chuyện xưa, chị Lam tâm sự, ngày ấy những người vợ, người mẹ như chị luôn đặt tình yêu Tổ quốc lên hàng đầu. Các chị cũng khát khao tình yêu chồng vợ, mong mỏi đến ngày gia đình đoàn tụ, nhưng vì nhiệm vụ non sông, họ vẫn thầm lặng là hậu phương son sắt cho người ra chiến trường vững tay súng.
Những người lính Hải quân ở Phú Quốc vẫn kể chuyện chị Lam ra tận nơi đầu sóng ngọn gió thăm chồng như một trang cổ tích. Đã mấy chục năm trôi qua, giờ đây vợ chồng anh Lam, chị Lam đã thành ông, thành bà vui sống điền viên nơi thành phố biển. Bao năm không gặp lại, vợ chồng người cựu binh vẫn đau đáu gửi lời tri ân tới người thuyền trưởng và những chiến sĩ hải quân trên chuyến tàu ra đảo hơn 30 năm trước.