Xâm hại tình dục trẻ em tại điểm du lịch - Vấn nạn không dễ xóa

(PLO) - Xâm hại tình dục trẻ em nói chung, du lịch tình dục trẻ em nói riêng đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang có ngành du lịch phát triển và hệ thống pháp luật cũng như quản lý nhà nước trong vấn đề liên quan còn hạn chế. Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Ảnh minh họa

Thủ phạm dễ tiếp cận với nhóm trẻ em yếu thế

Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước xảy ra trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với 9.920 nạn nhân, tăng thêm 258 trẻ em so với giai đoạn 5 năm trước đó, trong đó số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 65%. Trong năm 2016 xảy ra 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em và có 1.211 trẻ bị xâm hại. Con số này đã giảm so với hai năm trước. Cụ thể, năm 2015 xảy ra 1.360 vụ với 1.371 trẻ em bị xâm hại và con số của năm 2014 là 1.544 vụ và 1.594 trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Trong đó có các hành vi như xâm hại tình dục trẻ em và khách du lịch xâm hại rất khó xử lý. Tội phạm có thể là quốc tịch Việt Nam hoặc người nước ngoài vào Việt Nam thông qua con đường du lịch.

Những năm gần đây, lượng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam tăng cao. Ngoài những đóng góp tích cực, điều này cũng đi kèm mặt trái. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 7-8 triệu khách nước ngoài đến du lịch, đây cũng là cơ hội để các đối tượng tội phạm nhập cảnh vào Việt Nam rồi dùng các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo trẻ em để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục. 

Một cuộc khảo sát trực tuyến với 300 khách lữ hành quốc tế từng du lịch đến Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam của Dự án Tuổi thơ (Chương trình Phòng ngừa xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch của Cơ quan Phát triển quốc tế Australia) cho thấy, việc xâm hại tình dục trẻ em thông qua con đường du lịch ở Việt Nam có dấu hiệu gia tăng. Cả trẻ em gái và trai đều có thể trở thành nạn nhân của các hình thức xâm hại, bóc lột tại các điểm du lịch. Nạn nhân phổ biến là trẻ nghèo, ít học, nhiều nhất là trẻ bán hàng lưu niệm, ăn xin, nhặt rác, phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, trẻ lang thang hoặc kiếm sống trên đường phố…

Do nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam ngoài tham quan, khám phá các điểm đến, còn tham gia các hoạt động cộng đồng như: Dạy tiếng nước ngoài, làm tình nguyện viên, quyên góp cho các tổ chức từ thiện… Đây là những hoạt động có khả năng tiếp cận với nhóm trẻ em yếu thế, có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao. Đối tượng thường lợi dụng sự chênh lệch về kinh tế giữa mình và trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cùng những kẽ hở trong quản lý hoạt động du lịch để xâm hại tình dục trẻ em. Đối tượng lợi dụng hoàn cảnh thuận lợi để trải nghiệm quan hệ tình dục với trẻ em, với suy nghĩ không ai biết nhân thân của mình và cũng không bị trừng phạt.

Điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho trẻ em cả về thể chất lẫn tâm lý. Là những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Gây ra những hệ lụy về kinh tế cho nạn nhân và gia đình do bị xa lánh, kỳ thị của cộng đồng. Phá hoại hình ảnh tích cực của quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch bền vững.

Còn khoảng trống pháp lý

Các đối tượng phạm tội tình dục trẻ em trong hoạt động lữ hành gây ra một vấn đề lớn và ngày càng gia tăng với các cơ quan thực thi pháp luật trong nước. Những kẻ phạm tội đang di chuyển xa nhà có thể khai thác các trẻ em dễ bị tổn thương; duy trì tình trạng ẩn danh trong cộng đồng; khai thác các kẽ hở trong luật và các biện pháp thực thi pháp luật; không bị phát hiện; và do đó không bị đưa ra công lý.

Trong khuôn khổ Chương trình dự án Trẻ em, do Chính phủ Australia tài trợ, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC) phối hợp với Tổ chức tầm nhìn thế giới (World Vision) và Interpol thực hiện, đại diện các quốc gia đối tác dự án thuộc Tiểu vùng Sông Mêkông đã phối hợp với chuyên gia quốc tế xây dựng Báo cáo “Bóc lột tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch và lữ hành: Phân tích khung pháp luật quốc gia” nhằm đánh giá khung pháp luật của các quốc gia, trong đó có Việt Nam về phòng chống du lịch tình dục trẻ em, cũng như đưa ra các khuyến nghị hoàn thiện luật pháp và chính sách nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế và khu vực, tăng cường hợp tác khu vực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm du lịch tình dục trẻ em. Bộ Tư pháp là đầu mối của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này. 

Mặc dù việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015 hy vọng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, bao gồm các lợi ích kinh tế từ việc di chuyển tự do của khách du lịch, điều này có thể dẫn tới sự quá tải đối với cơ quan thực thi pháp luật trong nước và đồng nghĩa với việc các đối tượng phạm tội tình dục trẻ em có thể lợi dụng khả năng di chuyển ngày càng dễ dàng nhờ hội nhập để tăng khả năng tiếp cận với các trẻ em dễ bị tổn thương.

Các đặc điểm của du lịch tình dục trẻ em nói trên đòi hỏi phải có các biện pháp ứng phó toàn diện và mang tính phối hợp về luật và thực thi pháp luật - ở cả phạm vi quốc gia và hợp tác với các đối tác khu vực. Chừng nào vẫn còn các khoảng trống pháp lý, các đối tượng phạm tội tình dục trẻ em sẽ còn tiếp tục thoát khỏi sự trừng phạt của công lý.

Đọc thêm