Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành: loại tội phạm dễ bị bỏ lọt

(PLO) - Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo báo cáo “Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành: Phân tích hệ thống pháp luật quốc gia” do Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức sáng nay (14/7).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hội thảo được tổ chức để các bên thảo luận, tìm hiểu sâu hơn và xây dựng các phản biện và khuyến nghị hữu ích và hiệu quả về khung pháp lý Việt Nam nhằm giải quyết tình trạng bóc lột tình dục trẻ em, với trọng tâm là vấn đề du lịch tình dục trẻ em

Theo thông tin do UNODC cung cấp tại Hội thảo, trong hơn 20 năm qua, số khách quốc tế đi du lịch ngày một tăng, từ 527 triệu người năm 1995, đến 2014 đã lên tới hơn 11 tỷ người, làm gia tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại. 

Tại Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước ta cũng tăng đều qua mỗi năm. Trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước xảy trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với 9.920 nạn nhân, tăng thêm 258 trẻ em so với giai đoạn 5 năm trước, trong đó số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 65%. Năm 2016 xảy ra 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 1.211 nạn nhân, giảm so với hai năm trước.

Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp, trong những năm gần đây, ở Việt Nam, tình hình lạm dụng trẻ em và lạm dụng tình dục trẻ em nói riêng đã trở nên phức tạp hơn về bản chất và mức độ nghiêm trọng. 

Về du lịch tình dục trẻ em, bà Thoa cho rằng,  ngành công nghiệp du lịch mở rộng mang lại nhiều lợi nhuận nhưng mặt trái của nó là làm gia tăng tình trạng khai thác tình dục trẻ em. 

“Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam để kinh doanh, sinh sống, du lịch và học tập. Một số người trong số họ đã dính dáng tới hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Ngoài ra, nhiều khách du lịch trong nước đã lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn của trẻ em và đã sử dụng các em cho mục đích bóc lột và lạm dụng tình dục. Việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục trong ngành du lịch, bao gồm các biện pháp pháp lý để bảo vệ trẻ đã trở thành một vấn đề mang tính cấp bách”, bà cho hay. 

Trong bối cảnh như vậy, bà Thoa thông tin, trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình và chính sách nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và phòng chống lạm dụng trẻ em, bao gồm du lịch tình dục trẻ em.

Tuy nhiên, hành vi lạm dụng tình dục trẻ em trong du lịch có tính chất vô cùng đặc biệt là đối tượng di chuyển thường xuyên. Vi phạm khi phát hiện ra thì đối tượng đã di chuyển đi nơi khác. Do đó, nếu không phối hợp chặt chẽ với các nước trong khu vực và quốc tế thì rất dễ bỏ lọt tội phạm. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Christopher Batt - Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam – cho rằng, ở Việt Nam, cũng như các nước trong khu vực, bóc lột tình dục trẻ em có mối liên hệ mật thiết với ngành du lịch. 

“Việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015 được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, bao gồm các lợi ích kinh tế từ việc di chuyển tự do của khách du lịch nhưng nó cũng có thể dẫn tới sự quá tải đối với cơ quan thực thi pháp luật trong nước và đồng nghĩa với việc các đối tượng phạm tội tình dục trẻ em có thể lợi dụng khả năng di chuyển ngày càng dễ dàng nhờ hội nhập để tăng khả năng tiếp cận với những đứa trẻ dễ bị tổn thương”, ông nói.

Theo đại diện UNODC, đặc điểm của du lịch tình dục trẻ em đòi hỏi phải có các biện pháp ứng phó toàn diện và mang tính phối hợp về luật và thực thi pháp luật, ở cả phạm vi quốc gia và hợp tác với các đối tác khu vực. 

“Chừng nào vẫn còn các khoảng trống pháp lý, các đối tượng phạm tội tình dục trẻ em sẽ còn tiếp tục thoát khỏi sự trừng phạt của công lý”, ông Batt nhận định và bày tỏ hi vọng, với nỗ lực phối hợp của các cơ quan hữu quan và các bên liên quan, Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực cải cách luật, tư pháp hiệu quả để “tất cả các hành vi bóc lột tình dục trẻ em đều bị hình sự hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế”.

Đọc thêm