|
10x chửi bậy. |
Ngập tràn clip bẩn
Khác với trào lưu quay vlog để thể hiện quan điểm của bản thân, gần đây nhiều clip chửi bậy đang tràn ngập trên mạng. Các clip này đều được tự quay bằng camera trước của điện thoại di động, sau đó được tung lên Facebook hoặc Youtube. Điều đáng nói là những clip phản cảm trên do các em nhỏ thực hiện, đa số đều là thế hệ 10x.
Những clip trên khi được đăng tải đều khiến người xem phải giật mình bởi tuổi đời của các em còn rất nhỏ, nhưng lời lẽ trong clip đều đầy tính “du côn”. Chỉ cần gõ từ khóa “clip 10x chửi bậy” trên youtube là đã có hơn 1000 kết quả. Đáng chú ý nhất là clip của 4 em thiếu nhi 10x; 2 em học sinh lớp 6; 2 bé gái và 1 bé trai chửi một “hot girl” tên L. Theo đó là clip các bé trai đang học lớp 6 ở Rạch Giá, Kiên Giang, 10x ở Y.B, 10x B.T… khiến người xem để lại nhiều bình luận phẫn nộ. Không hiểu lí do gì mà các em lại thi nhau quay clip chửi bậy? Như một phản ứng dây chuyền, sự xuất hiện của các clip phản cảm đã kéo theo nhiều hình ảnh vô văn hóa khác. Mỗi clip đăng tải đều kèm theo hàng trăm lượt bình luận chửi bậy tục tĩu khác. Clip của những cô bé, cậu bé còn đang ở “tuổi ăn tuổi chơi” đã bị “copy” lại thành hàng chục bản, phát tán ở khắp nơi trên internet.
Có lẽ càng chửi mạnh, các em càng nhận được sự quan tâm của cư dân mạng nên có nhiều em còn quay 2, 3 clip liên tiếp. Thậm chí trên mạng còn xuất hiện “Bí kíp chửi” và “diễn đàn dạy chửi” hướng dẫn các em cách chửi nhau sao cho hay, hiệu quả mà không khỏi khiến người lớn bị sốc.Trên thực tế, một bộ phận giới trẻ đang “nghiện” sự nổi tiếng trên các trang mạng xã hội. Dù nổi tiếng bằng việc tán thưởng hay bị chỉ trích thì cũng không quan trọng. Để ít nhiều thu hút sự chú ý của dư luận dù thừa biết bản thân sẽ bị “ném đá”, nhiều cá nhân sẵn sàng làm những chiêu trò lố lăng.
Vì đâu nên nỗi?
Hiện nay trào lưu làm clip chửi bậy gây sốc đang nở rộ trong cộng đồng các bé 10X. Đây là lứa tuổi đang trải qua thời kỳ dậy thì. Các bác sĩ tâm lý cho rằng, ở tuổi dậy thì, những định hình về xã hội xung quanh chưa thể toàn diện như người trưởng thành. Các em có thể bị tác động chỉ từ sách báo, phim ảnh bạo lực, các văn hóa phẩm đồi trụy và cả từ bạn bè xấu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc các em hay hùa theo bạn bè, chạy theo trào lưu gây sốt để thể hiện bản thân.
Sự phát triển của mạng xã hội lại vô tình đẩy mạnh các trào lưu phản cảm, khiến thế hệ 10x không ý thức được hệ quả của những clip thiếu văn hóa. Khi trong tay đã có sẵn chiếc điện thoại với tính năng chụp ảnh, quay clip, truy cập internet thì không có gì khó khăn để tự quay một clip và tung lên mạng. Những hành vi lệch chuẩn như nói tục chửi thề, nữ sinh đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo… xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội thật sự đáng báo động.
Ngoài xã hội hay trên thế giới ảo, những lời nói tục tĩu được phát ra tự nhiên mà không có bất kì sự ngượng ngùng nào. Vì vậy mà chửi nhau trên mạng, tung clip chửi bậy và đỉnh điểm hơn cả là việc dạy chửi đã trở thành một vấn nạn của đời sống ảo.
|
Ảnh cắt từ clip. |
Những clip này khiến cư dân mạng phẫn nộ, thậm chí ngay cả những người bằng tuổi các nhân vật chính cũng tỏ ra phản đối. Hà Linh (15 tuổi, HN) bức xúc: “Những hành động trên rõ ràng đang đi vượt giới hạn cho phép của chuẩn mực đạo đức thông thường. Những clip trên không phải hình ảnh của toàn bộ giới trẻ Việt, nhưng một bộ phận đang làm cho người lớn mất niềm tin vào các bạn”.
Còn theo Anh Tú (14 tuổi, HN): “Sự nổi tiếng là điều mà ai cũng muốn. Các cá nhân trên mạng bây giờ chỉ cần một vài dòng trạng thái là có thể kéo theo hàng nghìn lượt like và chia sẻ. Nhưng hậu quả sau đó cũng có thể tác động không nhỏ đến cuộc sống, việc học tập và các mối quan hệ ngoài đời thực. Bạn bè có thể tẩy chay hoặc tìm nhân vật chính để “dằn mặt”. Em cho rằng những tài khoản đăng tải các clip như vậy nên được xóa khỏi youtube để không tuyên truyền cho các bạn khác nữa.”
Có thể ngay bây giờ, các em thấy được rằng những đoạn clip này chưa ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mình, nhưng trong tương lai, những hình ảnh, lời nói này vẫn sẽ còn được lưu giữ, lúc này, chính nó sẽ là những “bằng chứng” khiến các em gặp bất lợi trong công việc và hình ảnh của mình với những người xung quanh.
Thiết nghĩ, việc ngăn chặn những hành vi phản cảm trên là điều cấp thiết. Mặc dù với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, các cơ quan chức năng sẽ khó có thể quản lý cá nhân trên mạng xã hội. Nhưng nếu gia đình và nhà trường quản lý chặt chẽ đến con em, để ý định hướng cho các em biết đúng sai, ắt hẳn trẻ sẽ biết cách kiểm soát các hành vi của mình.