Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh!

(PLVN) - Xin được lấy tên bài thơ được khắc trên bia đá tại Nghĩa trang liệt sỹ hữu nghị quốc tế Việt - Lào ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An để là tiêu đề cho bài báo này, như một lời nhắn gửi rằng các anh hùng liệt sĩ không ai là vô danh cả. Họ cũng là con của mẹ, của cha và ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc từ một vùng quê nào đó. Họ cũng có tên như bao người khác. 
Các anh sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam
Các anh sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam

Vì thế, họ chỉ là những “liệt sỹ chưa xác định được thông tin” và tên tuổi của các liệt sĩ dù hôm nay chưa được biết nhưng họ vẫn sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam…

Anh có tên như bao khuôn mặt khác

Chuyện kể rằng, vào một buổi chiều hè nắng lửa miền Trung, một người đàn ông đứng trong Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào. Mắt anh đượm buồn và đăm đăm nhìn vào những ngôi mộ liệt sĩ, miệng cứ lẩm bẩm sao lại vô danh? Không thể vô danh, mà phải là liệt sĩ chưa rõ họ tên mới đúng!

Bẵng đi hơn một năm sau, năm 1993, nhà báo Văn Hiền - Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An cũng chính là người đàn ông ở Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào buổi chiều hè năm  ấy ra mắt tập thơ “Lục bát cho mình”, mà bài cuối cùng của tập thơ là bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh”.

“Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh/Anh có tên như bao khuôn mặt khác/Mẹ sinh anh tròn ngày, tròn tháng/Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa/Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái/Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa/Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh/Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác/Hạt lúa, củ khoai nuôi anh khôn lớn/Tháng tám nước trong, tháng năm nắng trải/Bàn chân săn chắc dáng trai/Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh/Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác/Ngày lên đường bờ vai mặn chát/Mắt ai vấn vít hàng quân/Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh/Anh có tên như bao khuôn mặt khác/Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc/Tên làng, tên đất theo anh/Bình yên sau cuộc chiến tranh/Anh trở về không tên, không tuổi/Trắng hàng bia những ngôi sao không nói/Rưng rưng cỏ mọc dưới chân/Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh/Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác/Tổ quốc không mất tên anh/Chỉ lặng thầm nhận về mình/Nỗi đau xanh cùng năm tháng”.

Bài thơ được khắc trên bia đá của Nghĩa trang liệt sỹ hữu nghị quốc tế Việt - Lào tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã làm lay động trái tim hàng ngàn độc giả, đặc biệt là các thân nhân liệt sĩ và những người lính một thời. Từ sức lan toả sâu rộng của bài thơ, tháng 7/1996, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH đổi tên gọi liệt sĩ vô danh thành liệt sĩ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán, hài cốt.

Sau đó không lâu đã có hơn 400.000 ngôi mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang trong cả nước đã được đổi lại tên gọi. Đó là một thay đổi lịch sử, các liệt sĩ được Tổ quốc ghi nhận và biết ơn, không có ai là “liệt sĩ vô danh – không tên tuổi” cả. Tháng 10/2010, bài thơ đã được khắc trên phiến đá granít cao gần 2m dựng trang trọng bên cạnh tượng đài nằm trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào.

Từ khi bài thơ được khắc lên bia đá tại nghĩa trang, những thân nhân liệt sĩ mỗi lần đến đây đọc bài thơ đều rất xúc động. Cách đây không lâu bài thơ cũng đã được phổ nhạc với nét nhạc da diết đi vào lòng người. 

Tổ quốc không bao giờ để mất tên anh

Đó không chỉ là mục tiêu kiến nghị của Hội Cựu chiến binh Việt Nam mà còn là quyết tâm của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam bấy lâu nay. Mới đây nhất, Công điện số 06 của Bộ LĐ-TB&XH ngày 6/7/2020 về việc đôn đốc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu theo Chỉ thị số 14- CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 73 

năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã nhấn mạnh: “Hoàn thành việc sửa thông tin trên bia mộ: đối với những mộ liệt sĩ chưa có đủ các thông tin theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính thì bia mộ chỉ ghi thông tin đã rõ vào dòng tương ứng; đối với những mộ liệt sĩ không có thông tin hoặc đang khắc chữ “Liệt sĩ vô danh” hoặc “Liệt sĩ không xác định được danh tính” thì trên bia mộ ghi “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. 

“Liệt sĩ nào cũng có tên tuổi. Nếu chưa tìm được, chúng ta cần thống nhất một tên gọi là liệt sĩ chưa biết tên, không nên để là vô danh. Tình trạng bia mộ vô danh đã tồn tại nhiều năm qua và cần điều chỉnh lại cho đúng với thực tế. Khi tham gia kháng chiến, các cô, bác, anh, chị đều có họ tên, quê quán và năm sinh.

Tổ quốc không bao giờ để mất tên các anh
 Tổ quốc không bao giờ để mất tên các anh

Vậy, tại sao trên bia mộ của họ lại ghi là liệt sĩ vô danh? Đây là nỗi day dứt không nhỏ, nếu chưa xác minh được, chúng ta phải trung thực ghi lại là liệt sĩ chưa biết tên” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trăn trở về thực trạng các bia mộ khắc chữ “vô danh” ở các nghĩa trang liệt sĩ.

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương đã và đang triển khai việc cho khắc lại thông tin trên bia mộ. Đồng thời, Tổng Cty Bưu điện Việt Nam (Vnpost) sẽ chụp lại ảnh và cập nhật vào ngân hàng dữ liệu thông tin của Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.

Trước đó, trong quá trình tập hợp dữ liệu về bia mộ liệt sĩ để xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, bộ phận chuyên môn đã thống kê 51.923 bia mộ có ghi “vô danh”. Đây mới chỉ là số bia mộ thống kê trong số 835.207 mộ liệt sĩ được thu thập vào ngân hàng dữ liệu điện tử.

Hiện nay, Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ sau 2 năm vận hành với nhiều tính năng tích hợp như: tra cứu thông tin về mộ liệt sĩ, gửi yêu cầu tra cứu thông tin của người thân, cập nhật chức năng thông tin liên quan; lưu các hình ảnh về bia mộ liệt sĩ với chú thích về địa điểm, vị trí, thứ tự, gắn tọa độ để người dân có thể tự tra cứu thông tin… đã giúp thân nhân liệt sĩ  bớt được vất vả trong quá trình tìm kiếm người thân, có thể ngồi tại nhà vẫn tìm được thông tin về mộ của người thân đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến vệ quốc.

Vĩ thanh

Trả lại tên cho liệt sĩ để Tổ quốc không mất tên anh chỉ là một trong chuỗi những việc làm tri ân những anh hùng liệt sĩ, thương binh đã ngã xuống, đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc.  Những năm gần đây, công tác “đền ơn, đáp nghĩa” được Đảng, Nhà nước, nhân dân hết sức quan tâm và cơ quan trực tiếp thực hiện là Bộ LĐ-TB&XH đang nỗ lực rất nhiều. Hàng ngàn mộ liệt sĩ đã được xác định ADN, đưa về quê hương theo nguyện vọng của gia đình.

Hàng ngàn hồ sơ tồn đọng người có công mà có những trường hợp cách đây gần 1 thế kỉ đã được xác nhận. Những người có công, những gia đình chính sách luôn nhận được sự quan tâm cả tinh thần và vật chất. Mới đây nhất, trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, cùng với những trường hợp khó khăn do dịch bệnh, thương binh và thân nhân người có công hưởng chính sách trợ cấp thường xuyên cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt… Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó vẫn còn trong mỗi làng quê, con phố khắp đất nước Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Máu đào của các chiến sỹ đã nhuốm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Các anh nằm giữa lòng đất Mẹ và dù trên tấm bia đá kia có ghi tên tuổi cụ thể hay chỉ là dòng chữ “Liệt sỹ chưa rõ họ tên” thì các anh cũng không bao giờ vô danh. Các anh mãi mãi là những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng!

Đọc thêm