Đây là hoạt động nhằm triển khai hiệu quả Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Nâng cao năng lực bảo tồn nghề thủ công
Trong các loại hình nghệ thuật diễn xướng, múa hát truyền thống của người Khmer ở Nam Bộ, mão và mặt nạ là hai loại phục trang đặc biệt mang đậm màu sắc huyền bí, linh thiêng, thể hiện đậm chất văn hóa dân gian của người Khmer Nam Bộ. Người Khmer Nam Bộ gọi những chiếc mũ mang hình đầu các nhân vật hoặc linh vật trong văn hóa tín ngưỡng dân gian là mão. Trà Vinh có khoảng 330.000 người dân tộc Khmer (chiếm 31% dân số), với 143 chùa Khmer kiến trúc độc đáo. Chùa không những là nơi gìn giữ các giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer. Du khách đến đây không chỉ được tìm hiểu về kiến trúc văn hóa tâm linh, mà còn có thể thưởng thức các loại hình nghệ thuật độc đáo từ dàn nhạc ngũ âm đến các điệu múa dân tộc như múa trống Chhay-dăm, múa Rô Băm hay hát Aday, hát Dù Kê... cùng với tham quan tìm hiểu và cùng nghệ nhân chế tác mặt nạ truyền thống...
Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời của người Chăm ở Tân Châu, An Giang. Nguyên liệu để dệt là tơ sợi và nhuộm bằng màu tự nhiên từ mủ cây, vỏ cây và trái cây, làm cho màu sắc trên sản phẩm rất đặc biệt và bền. Hoa văn được dệt lên các đồ vật đều có ý tưởng sáng tạo từ truyền thống đến hiện đại càng làm tăng thêm giá trị nghề dệt. Người Chăm ở đây dùng loại thổ cẩm này để may các trang phục truyền thống của mình. Trong số hơn một nửa người dân sống bằng nghề dệt ở Tân Châu, An Giang, có rất nhiều thợ dệt đã trở thành nghệ nhân ở độ tuổi còn khá trẻ, chỉ trên 30 tuổi nhưng đã có đến 20 năm hơn gắn bó với nghề...
Trong quý IV năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức tập huấn, truyền dạy và nâng cao năng lực bảo tồn nghề thủ công truyền thống chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer tại Trà Vinh và nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm tại An Giang. Đó là những nội dung chính của Quyết định số 2896/QĐ-BVHTTDL về tổ chức truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh và An Giang.
Cụ thể, lớp truyền dạy chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer sẽ diễn ra tại huyện Châu Thành, Trà Vinh với sự tham gia của 54 học viên là đồng bào dân tộc Khmer, dưới sự hướng dẫn, đào tạo của 2 Nghệ nhân Ưu tú dân tộc Khmer. Tại An Giang sẽ diễn ra lớp truyền dạy nghề thủ công dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu với sự tham gia của 63 học viên. Các học viên sẽ được 4 nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống truyền dạy quy trình, kỹ năng tạo hình dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Chăm.
Việc tổ chức truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số tại Trà Vinh và An Giang là dịp các nghệ nhân, học viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của nghề thủ công truyền thống các dân tộc Khmer và Chăm, từ đó có giải pháp khoa học, đồng bộ trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, từng bước tạo thành sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Trà Vinh và An Giang.
|
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người Chăm ở An Giang. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Gắn với phát triển du lịch
Đây cũng là hoạt động nhằm triển khai hiệu quả Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định văn hóa nói chung, văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng là một bộ phận quan trọng, là động lực của sự phát triển.
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, tập trung vào một số lĩnh vực cơ bản như: chính sách bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số; chính sách bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chính sách truyền thống đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách về công tác thông tin, thư viện nhằm lưu trữ các văn bản cổ, về hoạt động nghe nhìn, sáng tác văn học, nghệ thuật về chủ đề dân tộc thiểu số.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà, với chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã khai thác các giá trị văn hóa địa phương, tạo nên những sản phẩm du lịch khá hấp dẫn. Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, như du lịch cộng đồng người Thái ở bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), du lịch cộng đồng của người Lự ở bản Thẳm (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu)... Vấn đề liên kết vùng, hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức và việc ứng dụng khoa học - công nghệ, truyền thông trong hoạt động du lịch ngày càng được chú trọng trong các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, trong đó phải kể đến tuyến du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”; “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên”; “Du lịch cội nguồn”, “Cội nguồn Tây Bắc”, “Sắc màu vùng cao”...
Việc triển khai chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch khá hiệu quả, góp phần vừa phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của các vùng, miền trên cả nước, vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; qua đó, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà khẳng định.