“Hầm” trú đá
Thôn Trán voi là một thôn nghèo của xã Phú Mãn (chủ yếu là dân tộc Mường), nằm sâu trong chân đồi nơi giáp ranh với tỉnh Hòa Bình. Cuộc sống khó khăn lại phải chịu đựng sống trong lo sợ.
Năm 2007, theo sự vận động của chính quyền địa phương, người dân xã nói chung và làng Trán Voi nói riêng đã đồng tình cho các công ty vào khai thác đá tại địa bàn. Có 3 mỏ đá được mở ra nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhưng thực tế, các mỏ đá lại khiến người dân phải chịu đựng nhiều rắc rối, khổ sở.
Dù đầu năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiểm tra, nhưng đến nay tình trạng vẫn chưa được cải thiện.
Ông Bùi Văn Hiển (ngụ thôn Trán Voi) cho biết: “Nhiều khi đá bay vào nhà vỡ ngói và rụng xuống sát người, chúng tôi ở cứ nơm nớp chẳng biết khi nào đá rơi vào đầu”. Theo ông, do quá bức xúc nên nhiều lần gia đình gửi đơn lên xã nhưng không có kết quả.
Ông kể thêm: “Nhiều hôm đang ăn cơm nghe mìn nổ đá, chúng tôi bảo nhau chạy. Mới đầu chỉ biết chạy ra đường để tránh. Từ tháng 3/2015, mỏ xây cho chỗ trú đá rơi, nên mỗi lần bắt đầu nổ mìn là chúng tôi lại chạy ra nhà đó. Nhiều lần mìn nổ không đúng hẹn khiến gia đình tôi không thể làm việc, có hôm hẹn 12h trưa mà 10h đã nổ. Ngay cả trâu bò cũng phải đuổi ra chỗ an toàn mỗi khi nổ mìn”. Ông Hiển tố cáo, những vết nứt trên tường nhà ông, kính vỡ là do nổ mìn của mỏ Vimeco.
Phía sau nhà ông Hiển là quả đồi nơi đặt trạm nghiền đá của Công ty TNHH MTV Khai thác mỏ. Người dân kêu, trạm nghiền hoạt động gần như cả ngày gây ồn “đinh tai nhức óc”, bụi đá mịt mù, mỗi lần có gió, xóm làng lại trắng bụi. Còn trước nhà ông Hiển là mỏ đá của Công ty cổ phần VIMECO, mỗi lần nổ mìn lại gây rung chuyển, đá bay “rào rào”.
|
. Ông Hiển cho rằng mỏ đá nổ mìn gây nứt tường, hỏng nhà. |
Theo kiến nghị của ông Hiển, mỏ đá phải thông báo đúng thời gian nổ mìn và phải giảm lượng thuốc nổ để giảm hậu quả. “Bụi thì chúng tôi chịu khổ cũng được, còn đá văng thì chết người như chơi”, ông nói.
Theo ông Hiển, mỏ cần có hỗ trợ thích đáng đối với gia đình. Ông cho biết, cách đây không lâu, mỏ có khoản tiền hỗ trợ 80 triệu đồng, trong đó đội 4 được 50 triệu, đội 6 của ông Hiển được 30 triệu, nhưng lại giao hết cho các ban ngành đoàn thể, những hộ dân bị ảnh hưởng như nhà ông Hiển lại không được gì.
Vợ ông Hiển cho biết thêm, khi những mảnh đá vỡ bay từ hướng mỏ đá của Công ty Vimeco gây vỡ ngói, Công ty này đã cử đại diện đến nhà xin lỗi, nói sẽ lợp ngói mới cho an toàn.
Chung búc xúc, ông Nguyễn Văn Bình (thôn Trán Voi) kể: Mấy năm trước, mỏ đá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân. Có những hôm lau nhà chỉ một tiếng sau sàn nhà lại trắng bụi đá. Trẻ con hít nhiều bụi cũng mắc nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Ngoài ra, việc nổ mìn gây nứt tường, “có lần cửa đang đóng khi nổ mìn mà tự bật chốt”. Nhưng theo ông Bình, gần đây hiện tượng này đã giảm, chắc do người dân kêu quá.
Bà Trần Thị Oanh, cũng ngụ thôn Trán Voi cho biết: “Nhà tôi có 3 sào ruộng, nhưng một sào bị vùi lấp do đá vụn và bùn của mỏ đá. Cả ngày hết nghe tiếng mìn nổ lại đến tiếng nghiền đá mà đau đầu”.
Năm 2014, sau khi phản ánh với chính quyền, gia đình bà Oanh được mỏ đá hỗ trợ 3,4 triệu đồng cho diện tích ruộng bị lấp. Còn bụi bặm và tiếng ồn vẫn không thay đổi.
Chính quyền và mỏ đá nói gì?
Theo đại diện UBND xã Phú Mãn, trên địa bàn xã có 3 khu mỏ, nhưng chỉ còn hai đang hoạt động, được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép cho Công ty Vimeco và Công ty TNHH MTV Khai thác mỏ (thuộc Công ty CP đầu tư Xây dựng Giao thông Phương Thành). Các khu mỏ chính là “thủ phạm” gây ảnh hưởng tới đời sống người dân thôn Trán Voi.
Cũng theo đại diện UBND xã Phú Mãn, tình trạng xe trọng tải lớn từ các mỏ đá khiến đường xá hư hỏng nặng. Đầu năm 2016, xã đã phản ánh lên cấp trên, sau đó con đường được trải nhựa, nhưng người dân lo ngại lượng xe trọng tải lớn vẫn “cày” thường xuyên sẽ sớm gây hỏng đường.
“UBND xã cũng chỉ có thẩm quyền để xử lý những vấn đề liên quan đến hành chính, còn lại do cấp trên”, đại diện xã nói.
Trước phản ánh của người dân về việc đá văng do nổ mìn, ông Hoàng Văn Hùng, Phó giám đốc Công ty Vimeco cho hay: Mấy năm gần đây, mỏ đá khai thác theo phương án “cắt tầng lộ thiên”, cho nổ mìn hất vào phía trong, nên chuyện văng đá ra ngoài khu vực dân sinh sống là không thể xảy ra.
Cách đây sáu năm, khi mới mở tuyến cũng có ảnh hưởng “một chút” đến một hộ dân, hiện tượng đá văng cũng có 2 - 3 lần. Công ty đã khắc phục bằng cách xây nhà tránh đá văng cho hộ dân trú mỗi lần nổ mìn, lợp toàn bộ ngói mới cho gia đình bị vỡ ngói.
Theo ông Hùng, mỏ đã nghiên cứu khảo sát về vị trí khoảng cách và hoạt động theo đúng quy định của các cơ quan chức năng. Riêng với hiện tượng nứt tường nhà ông Hiển, đại diện Vimeco cho rằng, cơ cấu làm nhà hoàn toàn trên lòng suối, địa hình bấp bênh, nếu ảnh hưởng của dư chấn thì vết nứt trên tường phải có chiều ngang. Còn nhà ông Hiển lại nứt vữa, duy nhất có một vết dọc, nên việc dư chấn ảnh hưởng tới nhà là không có.
Đối với vấn đề bụi bẩn và xe chở đá làm hỏng đường, đại diện Vimeco nói: “Riêng với mỏ Vimeco thì thực hiện rất nghiêm túc, luôn luôn có xe tưới nước trên các đoạn đường thuộc khu vưc khai thác và dùng công nghệ phun sương để tưới nước dập bụi, nên không có hiện tượng phát tán bụi ra xung quanh”.
Về phản ánh mỏ hoạt động quá khuya trái với thời gian quy định, vị này giải thích: Công ty đã xin cấp giấy phép và thời gian quy định hoạt động từ 6h sáng đến 10h đêm, chia ca để hoạt động đúng quy định.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: “Đôi lúc cũng có xảy ra những trường hợp như máy hư hỏng phải xử lý nốt các sản phẩm đá bị kẹt trong quá trình nghiền thì cũng bị tắc đến hơn 12h đêm”.
Vị này chia sẻ thêm, Công ty được cấp phép hoạt động từ năm 2007, cam kết thực hiện nổ mìn vào các khung giờ buổi trưa từ 11h30 – 12h, buổi tuối từ 17h, khoảng 3 - 4 ngày mới cho nổ, có tháng chỉ nổ 2 - 3 lần và từ khi thành lập chưa từng xảy ra quá trình mìn xịt.