Xử người hay xét thời?

(PLVN) - Ở nước Mỹ đã bắt đầu một phiên tòa rất đặc biệt bởi bị cáo là một nhân vật đã từng có thời được coi là một biểu tượng cho sáng tạo và kinh doanh trong thế giới hiện đại, được coi là bằng chứng về “thời thế tạo anh hùng”.
Elizabeth Holmes đã từng được coi là hiện tượng của kinh doanh và sáng tạo.

Cũng chính vì thế mà thiên hạ cho rằng thời nay với tất cả đặc thù về chính trị, xã hội, kinh tế và công nghệ mới có thể sản sinh ra những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng, thành công nhanh và cũng thảm bại chóng như thế.

Bị cáo là Elizabeth Holmes. Người phụ nữ này khi 19 tuổi đã thành lập công ty Theranos. Năm 2015, công ty này được định giá 9 tỷ USD trên thị trường chứng khoán ở Mỹ. Elizabeth Holmes trở thành hiện tượng nổi bật nhất về khởi nghiệp trong 15 năm đầu của thế kỷ 21 trên khắp thế giới chứ không chỉ có ở nước Mỹ.

Sản phẩm của Theranos đơn giản chỉ là một thiết bị thử máu. Theo quảng cáo của công ty thì thiết bị này giống như một công cụ vạn năng về y tế và có thể đưa lại cuộc cách mạng lớn trong ngành y.

Theo đó, chỉ với vài giọt máu, thiết bị này đưa lại cả núi thông tin y tế quan trọng về thực trạng sức khoẻ, về bệnh tật đang mầm mống... tức là có thể thay thế gần hết mọi xét nghiệm khác và đưa ra kết luận về bệnh tật trước khi các thầy thuốc tụ tập chuẩn đoán.

Nói theo cách khác, thiết bị kỳ diệu này có thể thay thế công việc chuyên môn của rất nhiều thầy thuốc và y tá, người bình thường nào cũng có thể dễ dàng sử dụng mà không cần phải tới bệnh viện, giá mua lại không hề đắt.

Sản phẩm bán rất chạy giúp Elizabeth Holmes giàu lên nhanh chóng. Nhưng rồi báo chí và giới chuyên môn phanh phui sự thật là người phụ nữ này lừa đảo, chủ ý ngay từ đầu gian dối dư luận, công chúng và người sử dụng. Bí quyết lừa đảo của cô gái trẻ này là nhằm vào tâm lý của người dân coi trọng tiện ích hơn là chuyên môn y tế, dễ dàng tin tưởng vào khoa học hiện đại và công nghệ cao có thể làm nên những kỳ tích vượt ra ngoài sức tưởng tượng bình thường của con người.

Bí quyết khác nữa của cô gái là sử dụng những nhân vật có tầm ảnh hưởng cao trong giới chính trị, kinh tế, tài chính và khoa học công nghệ. Đấy giống như một dạng “cáo mượn oai hùm” để quyến rũ các nhà đầu tư chứ thật ra cô gái không hề có tiền trong tay khi lập nghiệp. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama (khi ấy), các nhà tỷ phú như Jack Ma (Trung Quốc), Bill Gates hay Steve Jobs... và báo chí truyền thông lừng danh ở Mỹ đều sập bẫy cô gái này và đều giúp trực tiếp hoặc gián tiếp cô gái thành công với chiến lược “tay không bắt giặc”.

Vì thế, bây giờ phiên tòa được mở với bồi thẩm đoàn 7 nam và 5 nữ nhằm xét xử bị cáo. Tội lỗi của bị cáo đã quá rõ ràng và chắc chắn không thể chối tội. Nhân chứng và vật chứng đều quá đầy đủ nhưng không vì thế mà tòa án lại có thể dễ dàng xét xử.

Phán quyết về bị cáo này thì dễ nhưng chắc chắn chỉ như thế thôi thì không đủ. Không phải ở thời ngày nay trong thế giới hiện đại và không có sự trợ giúp của nhiều “nhân vật của thời đại”, dù chủ ý hay vô ý, dù trực tiếp hay gián tiếp, thì Elizabeth Holmes đâu có thể dễ dàng thành công với lừa đảo đến như thế. Vậy xử người hay xét thời đây?

Đọc thêm