Xuân ngập tràn trên vùng cao Vĩnh Kim

(PLO) - Trong hơi ấm chớm xuân, chúng tôi trở lại xã vùng cao Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh, Bình Định) để cảm nhận những đổi thay trên mảnh đất này.
Cầu treo O5 đã chắc chắn, vững vàng hơn để phục vụ việc đi lại của người dân liên vùng
Cầu treo O5 đã chắc chắn, vững vàng hơn để phục vụ việc đi lại của người dân liên vùng
Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 là năm đầu tiên mà người dân ở làng O2 xa xôi được đón tết, vui xuân dưới ánh điện lung linh, sáng chói; người dân ở làng O5, Kon Trú được thả hồn du xuân trên chiếc cầu treo O5 vững chãi. Tất cả mang lại một mùa xuân xôm tụ, ấm no và tràn đầy hy vọng về một năm mới tươi vui, thành công nơi biên ải.
Lung linh ánh điện vùng cao
Làng O2 (Vĩnh Kim) là địa bàn được xếp vào loại khó khăn nhất tỉnh Bình Định; đa số người dân ở đây là đồng bào dân tộc Bana. Từ trước đến nay, dù nằm sát thủy điện Vĩnh Sơn nhưng người dân nơi đây vẫn chỉ xài… đèn dầu. 
Trước nhu cầu bức thiết này, đầu năm 2014, huyện Vĩnh Thạnh quyết định đầu tư hơn 400 triệu đồng mua 2 máy phát điện chạy bằng động cơ đi-ê-zen, có công suất 40 kVA đưa lên làng O2. Bên cạnh đó, ngành chức năng còn hỗ trợ thêm mỗi hộ một bóng điện. Mùa xuân này, 45 hộ với 181 nhân khẩu ở O2 đã có điện. Điện về đã làm thỏa lòng mơ ước từ bao đời nay của bà con nơi đây. 
Ông Lê Công Chính - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim - phấn khởi cho biết: “Để sớm đưa 2 máy phát điện vào hoạt động, chúng tôi vận động nhân dân làng O2 tham gia làm hệ thống trụ dẫn điện đến từng nhà. Sau thời gian triển khai việc lắp đặt hệ thống điện, đến nay 2 máy phát điện đang hoạt động khá hiệu quả; phục vụ bà con từ 18 giờ đến 22 giờ mỗi ngày. Riêng những ngày lễ hội, thời gian hoạt động của 2 máy phát điện sẽ kéo dài thêm từ 1 đến 2 giờ. Điện về, bà con vui mừng lắm”.
Đêm ở vùng cao, nhìn ánh mắt trong veo và hồn nhiên của những đứa trẻ vui xuân dưới ánh sáng điện lung linh, chúng tôi càng hiểu hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Cũng từ ngày có điện, nơi bản làng còn nhiều khó khăn này nhịp sống đã trở nên gấp gáp, hối hả bởi tiếng cười, tiếng nói của lũ trẻ đang nô đùa. 
Ông Đinh Sao - Trưởng làng O2 nhắc đi nhắc lại: “Bà con vùng cao chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm! Có điện, nhà nào cũng vui xuân, đón tết trong không gian xôm tụ, ấm cúng”. 
Cây cầu nối nhịp bờ vui
Những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ 2014, chúng tôi trở lại cầu treo O5, thả hồn vào rừng núi đại ngàn để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên vùng cao đang vào xuân. Hình ảnh ấn tượng mà chúng tôi cảm nhận được là những dòng xe, dòng người hối hả xuôi ngược bên chiếc cầu. 
Nhìn xuống phía dưới, những ngôi nhà của đồng bào Bana làng O5, Kon Trú ẩn hiện dưới đám mây trắng lờn vờn quanh đỉnh núi. Thấp thoáng trên những nóc nhà, cờ đỏ tung bay phấp phới. Dòng người đi lại nhiều hơn ngày thường  báo hiệu một mùa xuân đang về ngập tràn nơi đây. Bên góc bếp, đồng bào đang nhâm nhi bên những ghè rượu cần, thịt xông khói, cùng các món ẩm thực truyền thống để đón tết trong không gian ấm cúng. 
Bởi trước đó, vào trung tuần tháng 11/2013, chiếc cầu treo O5 nối nhịp bờ vui cho bà con 2 làng O5 và Kon Trú bị nước lũ cuốn trôi. Kể từ ngày cầu sập, cuộc sống người dân vốn khó khăn càng trở nên khó khăn hơn. 
Sau khi lũ rút, địa phương gấp rút đầu tư 500 triệu đồng để sửa chữa và đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của bà con nơi đây. Ông Đinh Dũng (50 tuổi, ở làng O5) chỉ tay về phía cầu treo O5 hồ hởi: “Cầu sập bà con lo lắm! Lo vì không có đường để qua lại. Rồi lại lo tết, muốn đi đâu đó phải lội sông nguy hiểm lắm! Giờ cầu sửa chữa lại rồi! Tết này, bà con nơi đây ai cũng đón tết trong tinh thần phấn khởi, xôm tụ”.
Tạm biệt vùng cao, niềm vui lan tỏa trong chúng tôi suốt chặng đường về. Ngoài kia, dòng sông thượng nguồn sông Côn vẫn rì rầm chảy. Những cung đường ngổn ngang đất đá đã được san ủi bằng phẳng. Tiếng cồng chiêng vang dậy núi rừng, hơi ấm bếp lửa hòa cùng hơi ấm của ngụm rượu cần thơm lừng như nói với chúng tôi rằng: Có một mùa xuân đang đến với đất trời, đến với người dân vùng cao Vĩnh Kim.

Đọc thêm