Xuân Nhâm Dần, mạn đàm về Hổ

(PLVN) - Ngày xuân Nhâm Dần, xin được mạn đàm về hình tượng con hổ trong văn học dân gian…
Hình ảnh đôi hổ nhí dễ thương trên phong bao lì xì xuân Nhâm Dần.

Tượng trưng cho sức mạnh vô song

Xin được mở đầu bằng truyện ngụ ngôn “Cáo mượn oai hùm”. Chuyện rằng, ở khu rừng nọ hổ là chúa sơn lâm, đi đến đâu muôn thú đều khiếp oai. Một hôm, hổ bắt được cáo toan ăn thịt. Cáo bèn dọa hổ: "Chạm đến ta là phạm thượng! Nếu không tin, theo ta coi ai là chúa sơn lâm. Tôi đi tới đâu muôn thú đều cúi đầu sợ uy. Tôi đi trước anh đi sau sẽ rõ". Hổ tin lời cáo, đi một vòng khu rừng. Đến đâu muôn thú đều hoảng sợ bỏ trốn. Hổ không biết chúng sợ mình, lại nghĩ chúng sợ cáo. Vậy là nhờ mưu trí, cáo mượn oai hùm mà thoát chết dưới chính nanh vuốt của hùm.

Là con vật mạnh mẽ, hung dữ, cùng với sư tử hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm, là vua của núi rừng. Cọp, hùm, beo, ông kễnh, ông ba mươi… là những tên khác dân gian đặt cho con hổ, nghe đã đủ thấy sức mạnh vô song và sự hung dữ. Thế nhưng hình ảnh con hổ đôi khi cũng rất ngộ nghĩnh, thậm chí có phần ngờ nghệch có thể bị lừa một cách dễ thương như trong truyện cổ tích “Trí khôn của ta đây” hay như trong truyện ngụ ngôn “Cáo mượn oai hùm” kể trên.

Hổ là biểu tượng của sức mạnh. Thành ngữ có câu “Hổ phụ sinh hổ tử” (tức cha hổ sinh con hổ, “cha nào con nấy") để chỉ cha tài giỏi sẽ sinh ra con có tài năng di truyền từ người cha. Lúc sống oai phong lẫm liệt, đến cả khi chết đi rồi hổ vẫn cứ oai. Thành ngữ có câu “Hùm chết để da, người chết để tiếng” để nói da hổ rất quý hiếm, người xưa dùng làm trang phục, cho các tướng hoặc để trang trí trong dinh thự. Vì vậy, nếu như con hổ chết còn để lại tấm da quí thì con người khi chết đi làm sao để lại danh tiếng về đức độ, phẩm giá của mình.

Dữ như hùm, nhắc đến hổ là nhắc đến sự hung dữ. Vậy nên đừng liều mạng “vuốt râu hùm, xỉa răng cọp”, hành động đó khác nào coi thường mạng sống của mình... Ca dao có câu: “Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu/ Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn” khuyên người ta không nên dại dột đụng chạm, trêu ngươi kẻ ác.

Cũng vì hổ hung dữ vậy nên người xưa có câu “dưỡng hổ di họa” tức là nuôi hổ luôn tiềm ẩn mầm họa trong nhà. Câu này gần nghĩa với câu "nuôi ong tay áo" "nuôi khỉ dòm nhà", nếu mạo hiểm nuôi cọp trong nhà, khi cọp lớn không đề phòng, cọp có thể gây hại cho gia chủ.

Tranh hổ phong thuỷ.

Và những bài học cuộc sống từ hình tượng con hổ

Tuy là chúa sơn lâm, sinh sống ở rừng sâu núi thẳm nhưng hình ảnh hổ lại rất gần gũi với đời sống con người. Hình ảnh đó đi vào kho tàng thành ngữ, ca dao, tục ngữ và trở thành biểu tượng văn học. Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong kho tàng văn học dân gian có gần 300 câu chuyện, thành ngữ, cao dao, tục ngữ trực tiếp nói về con hổ hoặc liên quan đến hình tượng hổ.

Sống ở rừng thì hổ là chúa tể của rừng, thế nên muốn vô hiệu hóa sức mạnh đó thì đã có cách “điệu hổ ly sơn” (đưa cọp ra khỏi núi). Thành ngữ này được coi như một chiến thuật, nếu đem cọp cách ly khỏi núi rừng đem về nơi đồng bằng sẽ gặp khó, không còn sức mạnh tối cao. Tương tự, ngạn ngữ cũng có câu “Hổ ly sơn hổ bại”, ý nói hổ không có/ không dựa vào rừng núi thì cọp thất thế.

Nếu như câu “thả hổ về rừng” chỉ hành vi tiếp tay cho “hổ mọc thêm cánh”: vô tình tiếp tay, tiếp thêm sức mạnh cho kẻ mạnh, kẻ nguy hiểm thì trái ngược với nó là câu “điệu hổ ly sơn”, “hổ ly sơn hổ bại”. Ở rừng hổ là chúa tể nhưng một khi đã thất thế: “cọp xuống đồng bằng, bị chó khinh khi”.

Hổ đội lốt thầy tu ám chỉ kẻ lòng dạ hiểm độc nhưng hay nói lời đạo đức để lừa gạt hại người. Vậy nên “Họa hổ, họa bì, nan họa cốt; Tri nhân tri diện bất tri tâm” (Vẽ hổ, vẽ da hổ, xương khó vẽ/ Biết người, biết mặt, khó biết lòng). Trong cuộc sống, hãy thận trọng khi suy xét đánh giá con người, không nên chỉ nhìn bề ngoài mà suy xét lòng dạ, phẩm chất của con người. Câu này có nét tương đồng với câu “miệng hùm gan sứa” chỉ kẻ nói ra mồm, vẻ bề ngoài tỏ ra oai phong, dũng mãnh nhưng bản chất lại yếu hèn.

Văn học dân gian cũng có nhiều câu dùng hình tượng hổ để nói về những bài học kinh nghiệm quý trong cuộc sống. Ở đời này đừng dồn ai đến chân tường, vì “chim cùng thì mổ, hổ cùng thì vồ”, nó cũng giống với câu “chí cùng cắn giậu”: một khi bị dồn ép vào đường cùng thì con người ta tất yếu sẽ phải tự vệ.

Trong cuộc sống, nếu không chấp nhận nguy hiểm để xông pha, dấn thân thì sẽ khó đạt được thành quả công việc, bởi vì “không vào hang sao bắt được cọp”. Tuy vậy, cũng phải hết sức thận trọng, đừng mạo hiểm làm điều dại dột, hiểm nguy: “cầm gươm đằng lưỡi, cưỡi hổ đằng đầu”.

Tóm lại, dù là mãnh hổ oai hùng, sức mạnh vô song vậy nhưng nhưng nếu không biết đoàn kết thì cũng phải nếm trải thất bại. Ngạn ngữ có câu “mãnh hổ nan địch quần hồ”, để nói mãnh hổ to khỏe hung dữ đến đâu nhưng nếu chỉ có một mình thì cũng không thắng nổi cả bầy chồn đông đúc (quần hồ). Sức mạnh của sự đoàn kết bao giờ cũng chiến thắng cho dù đối thủ có sức mạnh đến đâu – câu này đến nay vẫn nguyên giá trị.

Đọc thêm